90% người lao động không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu
90% công nhân lao động vẫn muốn nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện nay, tức là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi, họ không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu…
Đó là thông tin được ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết tại buổi tọa đàm Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ngày 22/8.
Ông Thọ cho biết, đơn vị ông vừa có kết quả khảo sát trong năm 2017, với hơn 5.000 phiếu khảo sát đối tượng lao động ở Bắc -Trung – Nam.
Theo đó, 90% công nhân lao động vẫn muốn nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện nay, tức là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Họ không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu, họ nhấn mạnh “được nghỉ hưu” chứ không phải là “phải nghỉ hưu”.
Nói thêm về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay, lương hưu tối đa của chúng ta thuộc hàng cao nhất thế giới, việc thay đổi cách tính lương hưu vừa rồi còn một bước để hướng tới mục tiêu cải thiện hơn, chúng ta cần xác định rõ tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu.
“Nhiều người nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia lao động tạo thu nhập. Nói để hạ tuổi nghỉ hưu xuống nữa trong bối cảnh tốc độ giảm tuổi thọ ngày càng tăng, trong khi tuổi nghỉ hưu duy trì suốt từ năm 1961-1962 đến bây giờ. Tuổi nghỉ hưu bình quân thấp còn nghỉ hưu sớm theo diện suy giảm khả năng lao động nên chính độ tuổi về hưu sớm kéo sàn chung xuống, nếu có biện pháp hạn chế nghỉ hưu sớm thì nó cũng làm tăng tuổi nghỉ hưu”, ông Đỗ Ngọc Thọ nói.
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thọ, trong Luật BHXH năm 2014, chúng ta cũng có lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu đối với trường hợp nghỉ hưu sớm mà suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, đây cũng là giải pháp.
Nhưng thực tế, người lao động muốn về nghỉ hưu sớm để có khoản lương hưu, rồi sau đó lại quay lại lao động. Có vấn đề, muốn về nghỉ hưu sớm thì người ta phải đi giám định mức suy giảm khả năng lao động, nhưng công tác giám định có vẻ không ổn lắm khi hầu như mọi người đi giám định đều đạt được tỷ lệ 61%.