9 quy tắc giúp bạn từ một người hướng nội trở thành "bậc thầy thương thuyết", được sếp trọng dụng, đối tác nể phục
Dù bạn đang tư vấn cho một khách hàng doanh nghiệp hay chỉ đơn giản là thương lượng giá cho một món đồ cũng đừng bỏ qua những mẹo và kĩ thuật đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả này.
1. Hãy là người biết lắng nghe
Nếu muốn đối phương hoàn toàn bị thuyết phục bởi những gì bạn đưa ra thì trước tiên bạn cần lắng nghe để biết được điều gì là quan trọng với họ. Hãy chú tâm vào những gì họ nói và sau đó nhắc lại những thông tin đó một cách khéo léo. Điều này vô cùng quan trọng bởi nó khiến họ cảm thấy được lắng nghe và là tiền đề để bạn có thể thuyết phục họ.
2. Phát huy khả năng "thám tử" trong bạn để nhận ra điều quan trọng với họ
Hầu hết chúng ta đều tập trung vào những gì quan trọng với chính mình nhưng chìa khóa để thuyết phục thành công lại là hiểu những gì quan trọng và không quan trọng với đối phương. Tập trung nhiều hơn vào những gì đối phương muốn sẽ giúp bạn KHÔNG bỏ lỡ cơ hội để phù hợp với họ và có khả năng rút ngắn con đường đến với sự đồng thuận. Đồng thời, nó cũng làm giảm bớt sự khó chịu hay căng thẳng của cuộc trò chuyện.
3. Nên nhớ bạn đang thuyết phục người khác chứ không phải thuyết phục chính mình, do đó đừng bắt đầu bằng "Tôi muốn" hay "Tôi nghĩ"
Nếu bạn đang thuyết phục người khác, hãy "cất đi" những gì bạn muốn, bởi nó sẽ làm cho khoảng cách giữa bạn và mục tiêu của bạn ngày càng xa hơn. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều có thể mang lại lợi ích cho đối phương. Cố gắng nghĩ về sở thích, mối quan tâm của họ thay vì của bạn. Đồng thời, bạn cũng nên tránh những cụm từ có thể mang đến cảm giác "buộc tội".
4. Coi từ "nhưng" là "kẻ thù" và tránh nó càng xa càng tốt
Liên tục nói "nhưng" có nghĩa là bạn đang mang đến những ý nghĩa tiêu cực và hạn chế hiệu quả trong việc thuyết phục đối phương. "Tôi hiểu những gì bạn nói nhưng..." có thể phủ nhận quan điểm của đối phương và vô tình đẩy bạn với đối phương vào hai "chiến tuyến" đối ngược nhau. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh "tấn công" đối phương bằng cách chỉ ra họ sai hoặc yếu kém bởi một khi bạn mở "cuộc tấn công" này dù vô tình hay cố ý thì mọi cơ hội thuyết phục sẽ biến mất ngay lập tức.
5. Nếu không tự tin, đừng "mơ" thuyết phục được người khác, dù họ là bất cứ ai
Sử dụng từ "à", nói "vòng vo", không nhất quán hay thể hiện sự bối rối trong cuộc hội thoại sẽ khiến bạn có vẻ không tự tin và không thực sự am hiểu về vấn đề. Cả hai điều này đều làm giảm khả năng thuyết phục của bạn bởi mức độ tự tin của chính bạn có thể tạo ra một cuộc thương lượng thành công nhưng cũng có thể phá vỡ nó. Khi mà bạn cảm thấy không tự tin hoặc sự tự tin không lớn, bạn sẽ rất dễ bị "khớp" và "cuống". Hãy thể hiện bạn là người có kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề đang bàn luận để đối phương có thể tin tưởng và bị thuyết phục bởi bạn.
6. Làm cho đối phương cảm thấy bạn và họ ở cùng "chiến tuyến": Đừng nói "tôi", hãy nói "chúng ta"
Bạn có thể thu hẹp khoảng cách và tăng sức thuyết phục hơn nếu dùng từ "chúng ta" thay vì từ "tôi". Hãy xuất phát từ quan điểm về lợi ích của họ, chứ không phải của bạn và bày tỏ "Cả hai chúng ta đều muốn..." thay vì "tôi muốn" sẽ khiến đối phương cảm thấy được tôn trọng và quan tâm, thông qua đó bạn sẽ dễ dàng thuyết phục đối phương hơn. Nếu họ không cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe, họ sẽ nhất quyết từ chối hoặc thay đôi quyết định dù đã có định ngay từ ban đầu.
7. Hãy để "phi ngôn từ" của bạn cùng tham gia thuyết phục
Những cử chỉ, biểu hiện của bạn có thể tác động đến cảm xúc và tâm lý của bạn và đối phương một cách mạnh mẽ. Do đó, đừng quá khép lép hay co rúm người lại, hãy thả lỏng cơ thể và để nó ở trạng thái thoải mái sẽ giúp bạn tự tin hơn. Khi bạn mua hàng, sự tự tin về thể chất của bạn sẽ khiến người bán hàng tin rằng bạn có rất nhiều lựa chọn và thậm chí sẽ bỏ đi nếu bạn không thích thỏa thuân mà họ đưa ra.
8. Để ý đến giọng và điều chỉnh tốc độ nói
Một giọng nói mang sự nhiệt tình và chân thành sẽ giúp đối phương hào hứng với ý kiến của bạn hơn. Điều này tất nhiên rất tốt cho việc thuyết phục họ. bên cạnh đó, bạn cần lưu ý rằng: Nếu đối phương là người nói nhanh, họ sẽ cảm thấy rất khó chịu với khi bạn nói chậm và ngược lại. Những người có xu hướng nói nhẹ nhàng sẽ không cảm thấy thoải mái với những người "ăn to nói lớn".
9. "Chế ngự" sự căng thẳng và "đánh bay" sự lo lắng
Nhiều người cảm thấy lo lắng do áp lực doanh số, do thiếu tự tin hoặc sợ nói trước đám đông. Con đường duy nhất để vượt qua sự lo lắng này là thông qua thực hành. Có vẻ hơi ngớ ngẩn nhưng luyện nói trước gương cũng rất hữu ích cho những người hay lo lắng. Luyện tập càng nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy sẵn sàng và tự tin, ngay cả khi đối phương đưa ra cho bạn những câu hỏi "hóc búa" hay những vấn đề "khó nhằn" nhất.