8 thất bại đau đớn khi khởi nghiệp giúp tôi nhận ra con đường vững chắc nhất để tiến thân: Kẻ hiếu kiên nhẫn vuột mất cơ hội kiếm hàng triệu USD
Đằng sau mỗi thành công đều có vô số lần thất bại, đặc biệt là trên con đường khởi nghiệp. Tác giả bài viết từng là một doanh nhân khởi nghiệp đã tổng hợp 8 kinh nghiệm thất bại ý nghĩa mà anh đã trải qua.
Trước kia, tôi cố gắng che giấu những thất bại của mình suốt nhiều năm liền vì sợ rằng người khác sẽ nghi ngờ năng lực và kiến thức của tôi. Tuy nhiên, mười mấy năm trở lại đây quan điểm của tôi về thất bại đã thay đổi hoàn toàn, bây giờ, khi nhìn lại những thất bại trong quá khứ, tôi cảm thấy đó là những viên gạch quý giá nhất tạo nên thành công cho mình. Đôi khi thất bại sẽ khiến bạn trưởng thành và học được nhiều điều hơn so với thành công.
1. Một sai lầm khiến tôi mất cơ hội nhận được khoản lời lớn
Đôi khi, ranh giới giữa "những nhà sáng lập triệu đô" và "những nhà sáng lập tay trắng" chỉ nằm ở quan điểm về thời gian, nghị lực và sự kiên trì. Khi còn học ở trường kinh doanh, tôi đồng sáng lập một công ty công nghệ với hai người bạn. Doanh thu vào thời điểm đó cực kỳ thấp. Cùng lúc đó cả tôi và các bạn đồng sáng lập đều sắp tốt nghiệp và phải đưa ra một quyết định khó khăn là tiếp tục gắn bó hoặc kiếm một công việc khác.
Cuối cùng hai người bạn kia đều lựa chọn ở lại. Bản thân tôi khi đó đang có cơ hội làm việc với mức lương cực kỳ cao ở một công ty hàng đầu phố Wall, đây là một trong những công việc được mọi người ao ước nhất trong lĩnh vực tài chính và tôi đã quyết định nắm bắt cơ hội này. Một năm sau, người bạn đồng sáng lập nhắn tin cho tôi đầy tiếc nuối rằng anh ấy đã bán công ty với giá 5000 USD.
Tuy nhiên, sau đó, anh ấy đã đàm phán được một thỏa thuận rút lui trị giá hàng triệu đô mà thời điểm đó không ai trong chúng tôi nghĩ tới.
Sự khác biệt giữa chúng tôi là gì? Hai anh bạn đó kiên trì và nhận được hồi báo, còn tôi lựa chọn sống an toàn và rời đi. Ý nghĩa của câu chuyện này là trong vài tháng hoặc vài năm đầu không có gì là chắc chắn, những người lựa chọn không chấp nhận rủi ro cũng sẽ mất đi cơ hội có được phần thưởng lớn.
2. Nên cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ
Công ty khởi nghiệp cá nhân đầu tiên của tôi là một công ty công nghệ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh nội dung do người dùng sáng tạo, kiếm tiền từ người sáng tạo nội dung. Tôi không có kinh nghiệm trong những lĩnh vực này dù vậy, tôi đã bỏ tiền túi để trả lương cho nhân viên phát triển trong suốt 18 tháng, cuối cùng thứ tôi nhận được là một công ty chết yểu và không kiếm được một xu lợi nhuận.
Tại sao lại như vậy? Tôi đóng cửa công ty vì tôi biết để thành công cần một vài yếu tố cực kỳ quan trọng mà tôi đang thiếu, đó là hầu bao thật dày và một nhóm làm việc hiệu quả. Nếu bạn thắc mắc tại sao tôi không huy động vốn, không thuê một nhóm mới và tìm kiếm sự giúp đỡ thì câu trả lời rất đơn giản, tôi không đủ niềm tin vào công ty của mình.
Bài học ở đây là gì? Hãy thành thật đối mặt với những gì bạn đang có, nếu bạn cần giúp đỡ đừng ngần ngại đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất là không tìm kiếm sự giúp đỡ sớm hơn.
3. Nếu bạn nghi ngờ về điều mình đang làm thì khách hàng cũng sẽ nghi ngờ bạn
Trong tiếp thị thương mại, có một điều vô hình rất ít người biết đến đó chính là nếu bạn nghi ngờ về một điều gì đó thì khách hàng của bạn cũng sẽ có cảm giác ngờ vực. Đáng tiếc khi đầu tư 3 triệu USD vào marketing tôi không hề ý thức được điều đó bởi vì hầu hết những các đối thủ khác đều áp dụng chiến lược như vậy và họ đã thành công.
Nghĩ lại, sở dĩ họ đạt được hiệu quả cao khi áp dụng chiến lược marketing đó vì nó phù hợp với phong cách và sản phẩm của họ. Trong khi đó, tôi bán một sản phẩm hoàn toàn khác nên khi áp dụng chiến lược tương tự dĩ nhiên không đem lại hiệu quả cao. Nếu bạn nghi ngờ về chiến lược marketing của mình, điều đó đồng nghĩa với việc khách hàng cũng sẽ do dự khi mua sản phẩm của bạn.
4. Đừng thuê nhân viên mà bản thân không thể kiểm soát
Trước kia tôi từng thuê một người tự xưng là "chuyên gia" để quản lý một dự án marketing lớn. Bởi vì cô ấy và nhóm của cô ấy là "chuyên gia" nên mọi quyết định và tính toán của tôi hầu như đều nghe theo ý kiến của họ.
Qua 4 tháng, tôi đã chi 6000 USD cho dịch vụ này và hầu như không kiếm được một đồng lời nào. Khi một chiến lược không đem lại hiệu quả, tốt nhất là nên thay đổi nó. Sau nhiều lần đàm phán và do dự tôi quyết định chia tay với dịch vụ này. Điều đáng ngạc nhiên là sau khi họ rời đi doanh số bán hàng của công ty tăng liên tục, tỷ suất lợi nhuận và số dư của công ty tăng cao.
Điều này chứng tỏ rằng, nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của bạn sẽ ảnh hưởng đến an toàn của công ty. Một khi bạn đặt vận mệnh và thành công của công ty và tay người khác, đồng nghĩa với việc bạn đang trao ưu thế cho người khác, khi đó bạn không còn là ông chủ thực sự nữa mà chỉ còn là con rối trong tay họ.
5. Chiến lược tiếp thị không phải là tất cả
Trong những năm qua, tôi tự hào vì hoạt động tiếp thị kỹ thuật số và quảng cáo do tôi xây dựng đã đem lại 90% lợi nhuận cho công ty. Tuy nhiên thất bại gần đây nhất của tôi cũng từ một quyết định tiếp thị sai lầm đó là tuyển dụng nhân viên ồ ạt trong cùng một thời điểm.
Tôi có chiến lược thu hút lực lượng bán hàng toàn quốc theo mô hình hoa hồng hấp dẫn. Mặc dù hơi nghi ngờ khả năng bán hàng của những nhân viên mới nhưng dưới sự cố vấn của hai chuyên gia dày dạn kinh nghiệm tôi quyết định thử một lần.
Thật không may, vài tuần trôi qua tôi không thấy hiệu quả như mong đợi, thiệt hại vô cùng lớn. Ngoài ra thời gian và chi phí bổ sung cho việc quản lý những người này sẽ làm ảnh hưởng đến những chiến lược tiếp thị khác. Tôi nhận ra rằng việc quản lý số lượng người quá lớn có thể sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Hơn nữa một đội ngũ dù là có kinh nghiệm và trình độ cao đến mấy cũng không chắc chắn có thể thành công.
6. 300 người từ chối, 5 người phản hồi, 1 người hối tiếc và 1 người chạy trốn
Trước khi biết tới gửi email tự động hàng loạt thì tôi đã bắt đầu kinh doanh bằng cách gửi từng email một. Tôi đã gửi hơn 300 email thủ công cho những đối tác tiềm năng có trình độ cao. Gửi hơn 300 email nhưng tôi nhận được khoảng 300 email từ chối, chỉ có 5 email phản hồi lại và ký hợp đồng. Trong số 5 đối tác đó, có 1 người lấy tiền và rời khỏi công ty nhưng may mắn anh ta đã trả lại khoản tiền đó. Một người nữa cũng lấy tiền của công ty và chạy trốn, cuối cùng anh ta phải ngồi tù và cấm tham gia tất cả các nền tảng xã hội.
Có rất nhiều bài học trong câu chuyện này nhưng quan trọng nhất 300 lần từ chối đã dạy tôi học được tính kiên trì. Sự việc này thắp lên ngọn lửa chiến đấu trong tôi, tôi lựa chọn đứng dậy và cùng những đối tác khác tiến về phía. Cuối cùng, tôi hiểu rằng tỷ lệ chuyển đổi thường sẽ thấp hơn bản thân mong đợi rất nhiều, vì vậy những nhà khởi nghiệp cần phải có tầm nhìn rộng hơn so với dự kiến ban đầu.
7. Trên đời không có bữa ăn nào là miễn phí
Tôi có một công ty may mắn được các phương tiện truyền thông đưa tin, từ các kênh tin tức địa phương đến các bài báo chuyên ngành trên các ấn phẩm kinh doanh nổi tiếng với hàng trăm triệu người đọc. Việc xuất hiện trên các ấn phẩm nổi tiếng cũng đem lại nhiều phiền phức mà tôi không ngờ tới.
Tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ được quảng bá miễn phí nhưng bất ngờ công ty lại vướng vào một vụ kiện thương hiệu và tôi buộc phải nộp phạt hàng nghìn USD. Cuộc chiến pháp lý đột ngột và tốn kém này khiến tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Điều tốt là trải nghiệm này khiến tôi nhận ra phải hết sức cẩn thận với các phương tiện truyền thông trả phí, logo và PR. Lưu ý rằng quảng cáo miễn phí không phải lúc nào cũng miễn phí.
8. Chú ý đến vấn đề thuế
Trong vài năm đầu kinh doanh, tôi liên tục thua lỗ và không kiếm được bất cứ khoản lợi nhuận nào, vì vậy tôi cho rằng không cần phải nộp thuế vì công ty đang lỗ. Trên thực tế, theo quy định thì loại hình công ty tôi thành lập vào thời điểm đó yêu cầu phải có báo cáo bất kể là lãi hay lỗ. Mãi đến vài năm sau, tôi bị phạt một khoản nộp thuế muộn lên đến 5 chữ số, phần lớn trong số đó là các công ty chưa bao giờ thật sự hoạt động. Vậy nên cần chú ý nộp đầy đủ các báo cáo theo yêu cầu để tránh mất những khoản phạt không đáng có.
Dù thế nào, khởi nghiệp là một cuộc chiến không ngừng, một bài kiểm tra sức chịu đựng và khả năng học hỏi từ những sai lầm. Bạn có thể thất bại một lần trong bất cứ công việc và lĩnh vực nào nhưng tuyệt đối không được lập lại sai lầm đó thêm lần nào nữa.
Nguồn: Baidu