7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa!

02/03/2022 07:43 AM | Sống

Ở độ tuổi 20, thiết lập mục tiêu tài chính hiệu quả sẽ giúp bạn tạo ra những thói quen phù hợp theo bản thân suốt cuộc đời.

Đây là giai đoạn cuộc đời bạn bắt đầu xây dựng sự nghiệp, kết hôn hay chuẩn bị chào đón thành viên mới đến với gia đình. Dù với kế hoạch nào đi chăng nữa, việc có mục tiêu và bắt đầu thực hiện các chiến lược tài chính càng trở nên quan trọng.

Đặc biệt có 7 mục tiêu tài chính dưới đây bạn nên phấn đấu ở độ tuổi 20. 

1. Xây dựng quỹ khẩn cấp

Một trong những nhiệm vụ tài chính quan trọng nhất bạn có thể hoàn thành ở độ tuổi 20 là mở một quỹ khẩn cấp. Đây là một khoản tiền bạn dành cho các khoản chi không có kế hoạch.

Khi những sự kiện bất ngờ trong cuộc sống xảy ra, nó đóng vai trò như một chính sách bảo hiểm cho tài chính của bạn. Ví dụ, nếu gặp trường hợp như gặp tai nạn, mất việc đột ngột hoặc hỏng hóc thiết bị, bạn có thể chi trả bằng cách sử dụng tiền trong quỹ khẩn cấp của mình. Bằng cách đó, bạn sẽ bảo toàn được các khoản tiền khác như là quỹ trả nợ hay các khoản hưu trí.

Số tiền bạn cần bỏ vào "ống heo khẩn cấp" ở độ tuổi 20 được quyết định bởi nhiều yếu tố. Bao gồm các khoản thu nhập, nợ nần và tình trạng hôn nhân của bạn. Mục tiêu cuối cùng cần hướng đến là tiết kiệm một quỹ khẩn cấp có giá trị từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt. 

 7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa! - Ảnh 1.

Tuy nhiên, khi mới bắt đầu lập ngân sách, việc hình thành thói quen xây dựng quỹ khẩn cấp có thể gặp khó khăn. Cho nên hãy thiết lập mục tiêu tiết kiệm bạn có thể thực hiện được "trong tầm tay". Điều đó sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn. 

Hãy phân bổ ít nhất 2% mỗi khoản lương cho "ống heo" của bạn trong 6 tháng. Sau đó, để xây dựng quỹ khẩn cấp của bạn theo thời gian, hãy tăng số tiền đó từ 1% đến 2% sau mỗi sáu tháng đến một năm.

Hãy nhớ rằng, quỹ khẩn cấp của bạn phải dễ tiếp cận. Hãy giữ nó có tính thanh khoản cao. Tức là trong trường hợp bạn không giữ nó dưới hình thức tiền mặt, hãy chọn những tài sản có thể dễ dàng giao dịch và quy đổi về tiền mặt, chẳng hạn như tài khoản tiết kiệm.

2. Thoát khỏi nợ nần

Trên con đường tập trở thành người lớn này, có không ít sai lầm người trẻ thường mắc phải. Trong đó không thể không kể đến việc mắc nợ. Có nhiều lý do khiến người trẻ bế tắc vì nợ nần. Đó có thể là do chưa có khả năng tự chủ tài chính hay đã có thu nhập nhưng lại chi tiêu quá đà. Hoặc trả chậm thẻ tín dụng và nhận về mức phạt không "kham nổi". 

Dù là như thế nào, nếu không may mắc nợ, thoát khỏi nợ nần là một trong những mục tiêu tài chính quan trọng bạn cần thực hiện ngay. 

 7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa! - Ảnh 2.

Bạn có thể cân nhắc trả nợ theo phương pháp SnowBall (hay còn gọi là phương pháp quả cầu tuyết). Đây là chiến lược mà trong đó bạn trả hết nợ theo thứ tự từ số nợ thấp nhất đến lớn nhất. Sau khi hoàn thành xong khoản nợ đầu tiên, bạn có thể dùng số tiền còn lại để tiếp tục trả cho những khoản nợ lớn hơn. Nó giống như lăn một quả cầu tuyết xuống ngọn đồi. 

Những chiến thắng nhỏ trước các khoản nợ sẽ giúp bạn có thêm động lực. Chiến lược này cũng có thể giúp bạn xử lý tốt hơn về tài chính tổng thể - và cả căng thẳng. Bằng cách cho phép bạn tập trung vào một số dư nợ tại một thời điểm, phương pháp snowball giúp loại bỏ lo lắng về việc phải giải quyết tất cả các khoản nợ cùng một lúc.

Khi bạn quản lý tốt khoản nợ của mình và trả hết nợ, những cánh cửa tốt hơn sẽ mở ra. Bạn sẽ thoải mái hơn để thực hiện những mục tiêu khác trong cuộc sống. Chẳng hạn như sở hữu một ngôi nhà hoặc mua một chiếc ô tô mới. Hãy dành thời gian ngay bây giờ để thiết lập kế hoạch cẩn thận để bạn có thể thoát khỏi nợ nần. 

3. Thiết lập khoản trả trước của bạn thành mục tiêu tiết kiệm

Một mục tiêu tài chính khác mà bạn nên hướng tới là dành tiền để trả trước cho các tài sản lớn trong tương lai. Nó có thể là một căn nhà cho gia đình nhỏ hay chiếc xe ô tô nhập khẩu bạn đã ao ước từ lâu. Khoản trả trước là một phần của giá mua bạn thanh toán trước trong quá trình giao dịch mua bán. 

 7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa! - Ảnh 3.

Khoản trả trước không phải một khoản tiền nhỏ - thường lên tới ít nhất 20%. Có một thực tế rằng, bạn thanh toán trả trước một số tiền lớn hơn, khoản thanh toán thế chấp của bạn càng thấp. Tức là nó có khả năng đưa bạn đến gần hơn một bước để sở hữu ngôi nhà mơ ước của mình. 

Cho dù việc mua nhà hay sở hữu xe sang có thể xảy ra trong tương lai xa, nhưng nếu bắt đầu tiết kiệm sớm, bạn sẽ có lợi hơn để mua nhà khi đã sẵn sàng.

4. Đóng góp cho quỹ nghỉ hưu

Chìa khóa để có đủ tiền nghỉ hưu là bắt đầu bỏ tiền vào tài khoản hưu trí ngay từ sớm. Đồng thời, lặp đi lặp lại hành động đó cho đến khi bạn nghỉ hưu. Tốt nhất, bạn nên bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu ngay khi nhận được công việc đầu tiên. 

Trong trường hợp này, lãi kép chính là "ông bụt" của bạn. Bạn càng bỏ nhiều vốn vào tài khoản tiết kiệm hưu trí, số tiền đó sẽ tăng lên theo thời gian. Khi về già, bạn sẽ nhận được món quà xứng đáng với lối sống tiết kiệm và đầu tư kỷ luật cho tài khoản hưu trí. 

 7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa! - Ảnh 4.

Bạn cũng có thể bắt đầu bằng cách đóng góp vào bảo hiểm xã hội của nhà nước. Theo quyết định 959/QĐ-BHXH quy định mức đóng BHXH cụ thể như sau: Mức đóng BHXH 26% trong đó: người lao động đóng 8%, đơn vị đóng 18%. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc bảo hiểm nhân thọ hay đầu tư vào trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ. 

Mục tiêu là đóng góp tối thiểu 5% tổng thu nhập của bạn cho "ống heo nghỉ hưu". Trong trường hợp không còn phải chịu gánh bất kỳ gánh nặng nào từ nợ nần và đã tăng quỹ khẩn cấp, hãy tăng tỷ lệ tiết kiệm quỹ hưu trí của bạn.

5. Bắt đầu đầu tư càng sớm càng tốt

Nếu muốn xây dựng sự giàu có, bên cạnh tiết kiệm, hãy cân nhắc bắt đầu đầu tư . Tương tự như tiết kiệm, lãi kép sẽ giúp tăng số tiền đầu tư của bạn nhanh chóng hơn. Tất nhiên, bắt đầu càng sớm, bạn càng có lợi thế. 

Chìa khóa để đầu tư thành công là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách nắm giữ nhiều loại tài sản, ví dụ như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,... Dàn trải số tiền của mình cho các khoản đầu tư trong từng ngành khác nhau.

 7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa! - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, khi còn trẻ và chưa thật sự có kiến thức vững chắc, bạn chỉ nên đầu tư số tiền mà bạn sẵn sàng mất. Không nên sử dụng đòn bẩy trong trường hợp này. Bởi vì lợi nhuận có thể cao trong trường hợp bạn đầu tư thành công. Song nếu như thất bại, bạn không chỉ mất vốn mà còn có thêm một khoản nợ trên vai. 

Để thực hiện các chiến lược đa dạng hóa danh mục, điều quan trọng là phải đánh giá rủi ro liên quan đến từng loại hình đầu tư. Đồng thời, tự xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân thông qua quá trình tự đánh giá khả năng tài chính. Cổ phiếu thường rủi ro nhất trong ngắn hạn. Vì vậy bạn cũng có thể muốn chuyển sang các khoản đầu tư thận trọng hơn như trái phiếu hoặc tiền mặt. 

6. Tập trung vào sự nghiệp của bạn

Tuổi 20 là thời điểm tuyệt vời để thiết lập một sự nghiệp vững chắc. Trên chặng đường định hình sự nghiệp của bản thân, hãy luôn học hỏi. Nâng cao kiến thức chuyên môn, cải thiện kỹ năng mềm và tạo ra một mạng lưới công việc chuyên nghiệp vững chắc. 

Xem xét các cơ hội có thể đến với bạn. Cũng đừng bao giờ sợ thay đổi. Chẳng hạn, chỉ vì bạn học chuyên ngành kinh doanh không có nghĩa là bạn không thể theo đuổi nghề truyền thông.

 7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa! - Ảnh 6.

Trong cuộc sống với những tiêu chuẩn hiện đại ngày nay có thể sẽ khiến bạn luôn so sánh bản thân với những người khác. Nhận ra rằng có quá nhiều người giỏi và bạn sẽ ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Tuy nhiên, nếu đi theo con đường bản thân không thích và mất đi cơ hội khám phá bản thân mình, có thể bạn cũng đang mất đi khả năng có được mức thu nhập cao hơn và những niềm vui khác trong tương lai. 

Lưu ý rằng, khi ứng tuyển vào các vị trí trong ngành của bạn, hãy nhìn xa hơn mức lương được được đề xuất. Xem xét các cơ hội của công ty để đầu tư vào quỹ hưu trí, phúc lợi chăm sóc sức khỏe và văn hóa nói chung. Cũng như khả năng cải thiện bản thân và thăng tiến trong tương lai. 

7. Thiết lập thói quen tiết kiệm tiền

Một mục tiêu quan trọng khác cần áp dụng ở độ tuổi 20 là tiêu ít tiền hơn mỗi ngày. Nó không có nghĩa là bạn sẽ cắt giảm hết các khoản chi tiêu và bỏ hết tiền vào "ống lợn". Không nhất thiết phải tự làm khó bản thân và cắt hết niềm vui từ việc mua sắm như vậy.

Tuy nhiên, hãy thiết lập ngân sách và tạo thói quen tiết kiệm tiền tích cực . Bắt đầu mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa và quần áo giá cả phải chăng hơn. Tận dụng các phiếu giảm giá. So sánh giá cả trên các trang thương mại điện tử để có được cho mình lựa chọn phù hợp nhất. Biết đâu bạn sẽ có được "món hời" sau khi nghiên cứu giá cả! 

 7 mục tiêu của tuổi 20 sẽ quyết định bạn có thể GIÀU CÓ hay không: Xem thường 1 điều, cơ hội giảm 1 nửa! - Ảnh 7.

Bạn cũng có thể tìm cách giảm một số khoản chi định kỳ không thật sự cần thiết. Số tiền đó có thể để vào "ống lợn khẩn cấp" hoặc "ống lợn đầu tư". 

Chẳng hạn, khi lập ngân sách, bạn có thể cắt giảm hoặc loại bỏ chi tiêu cho những khoản tiêu tốn không thiết yếu. Đó có thể là những lần đi ăn uống ngoài. Hay thẻ thành viên tập gym bạn ít khi dùng đến, chỉ đi khoảng 1-2 lần mỗi tháng. Trong khi đó bạn có thể nấu ăn và mời bạn bè về nhà cùng nhau có bữa ăn ấm cúng. Hoặc lựa chọn tự tập thể dục ở nhà. 

Thiết lập các hành vi tài chính có trách nhiệm sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến với cuộc sống giàu sang phú quý. 

Theo Kika, thiết kế Triệu Thuỷ Tiên

Cùng chuyên mục
XEM