60 tuổi sở hữu 37 tỷ USD, sáng lập đế chế chip nghìn tỷ USD, người đàn ông thề không bao giờ khởi nghiệp lại, lý do khiến ai trong giới startup cũng thấm
Khởi nghiệp là thứ gì đó khó khăn, đau đớn, xấu hổ và tổn thương mà không phải ai cũng muốn nếm trải lại.
Tờ Fortune cho hay thành công của ChatGPT đã thúc đẩy cuộc chạy đua công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) giữa các tập đoàn lớn, qua đó gián tiếp biến Nvidia, hãng chuyên sản xuất chip xử lý đồ họa thích hợp cho trung tâm phát triển AI, thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới trong năm 2023.
Thế nhưng nhà sáng lập của Nvidia, ông Jensen Huang nay đã 60 tuổi lại thừa nhận rằng nếu được làm lại từ đầu thì chẳng đời nào ông đi khởi nghiệp.
Trong chương trình podcast của Acquired, vị CEO của Nvidia khi được hỏi liệu có làm lại từ đầu khi được quay trở về tuổi 30 không thì đã nói thẳng: “Tôi sẽ không làm lại đâu”.
Theo ông Huang, bản thân mình sẽ không đời nào lựa chọn việc xây dựng lại Nvidia từ con số 0 cho dù việc quay ngược thời gian để làm lại có vẻ dễ dàng hơn.
Nguyên nhân chính là do nhà sáng lập này cảm thấy quá mệt mỏi khi khởi nghiệp trong giới startup.
“Xây dựng Nividia khó khăn hơn gấp triệu lần so với những gì tôi từng mong đợi, thậm chí hơn bất kỳ sự tưởng tượng nào của đội ngũ chúng tôi. Nếu nhận ra được sớm sự đau đớn, khổ sở cũng như khả năng bị tổn thương, những thách thức, bối rối, xấu hổ mà chúng tôi phải chịu đựng cùng vô số những điều bất ổn vì khởi nghiệp như thế này thì tôi nghĩ sẽ chẳng có ai muốn mở lại một công ty như thế đâu. Chẳng có ai tỉnh táo mà lại đi chịu khổ như vậy cả”, ông Huang cười nói.
Cũng theo nhà sáng lập này, bí quyết thành công thực sự của một nhà khởi nghiệp nằm ở khả năng chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn khi thành lập và dẫn dắt một startup non trẻ.
“Các bạn trẻ không biết liệu khởi nghiệp sẽ thực sự khó khăn như thế nào mà chỉ ngây thơi tự hỏi: ‘Làm gì đến mức khó như thế?’. Thưa các bạn, bây giờ tôi thường xuyên phải đánh lừa bộ não bằng chính câu hỏi ‘làm gì đến mức khó thế?’ này đấy bởi đây là điều bắt buộc. Bạn sẽ phải đánh lừa bản thân tin rằng khởi nghiệp không khó đến thế, bằng không mọi thứ sẽ trở nên khó nuốt hơn bạn nghĩ rất nhiều”, nhà sáng lập Huang cho biết.
Tăng 200 tỷ USD trong 1 phiên
Những chia sẻ của nhà sáng lập Huang khiến nhiều người bất ngờ bởi Nvidia đang trở thành ngôi sao sáng của làng công nghệ năm nay.
Quay ngược về tháng 5/2023, thành công của ChatGPT đã khiến tổng mức vốn hóa của Nvidia tăng 200 tỷ USD trong 1 phiên, tạo nên cú bùng nổ lớn nhất trong 1 ngày của lịch sử chứng khoán Mỹ.
Thế rồi đà tăng giá tiếp sau đó khiến nhà sáng lập Jensen Huang trở thành vị tỷ phú giàu thứ 31 thế giới theo bảng xếp hạng của Bloomberg với tổng tài sản 37 tỷ USD.
Việc hàng loạt tập đoàn lớn từ Microsoft, Google cho đến Facebook, Apple đổ xô vào phát triển AI đã khiến nhà đầu tư tin rằng doanh số chip điện tử cho công nghệ này được sản xuất chủ yếu bởi Nvidia sẽ tăng 170% trong quý III/2023.
Chuyên gia Dan Ives của Wedbush đã phải thừa nhận đà tăng giá của Nvidia có thể so sánh với sự bùng nổ của Internet vào năm 1995 thúc đẩy thị trường chứng khoán công nghệ, hoặc sự ra đời của iPhone vào năm 2007 thúc đẩy cổ phiếu Apple.
Với việc hàng loạt các Big Tech đổ hàng tỷ USD phát triển theo sau thành công của ChatGPT, khiến doanh số của Nvidia dự kiến đạt 16 tỷ USD trong quý III/2023, cao hơn cả mức dự đoán 12,5 tỷ USD của các chuyên gia trước đó.
Vào quý II/2023, doanh số của Nvidia đã tăng gấp đôi lên 13,5 tỷ USD, cao hơn mức dự báo 11 tỷ USD trước đó.
Thành công ngoài sức tưởng tượng này đã khiến Nvidia thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 25 tỷ USD với nhà đầu tư, qua đó càng thúc đẩy đà tăng giá.
Hãng tin Bloomberg thậm chí nhận định Nvidia đã trở thành hãng chip điện tử đầu tiên trên thế giới có tổng mức vốn hóa vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, gia nhập câu lạc bộ của những cái tên như Apple, MiCrosoft, Saudi Aramco hay Google.
Ngay cả về doanh số theo quý, Nvidia hiện cũng đã vượt qua Intel lần đầu tiên trong lịch sử, đánh dấu sự thống trị mới của ông vua trong làng chip bán dẫn.
Từng suýt phá sản
Trong khi mọi người chỉ chú ý đến thành công của Nvidia hiện nay cũng như khối tài sản khổng lồ của nhà sáng lập Huang thì ít ai biết rằng doanh nghiệp này từng suýt phá sản.
Được thành lập vào năm 1993 chuyên tập trung vào sản xuất chip đồ họa cho trò chơi điện tử, đứa con tinh thần của ông Huang lúc đó là doanh nghiệp hiếm hoi trong phân khúc đó.
Dù không có một thị trường sôi động nhưng nhà sáng lập Huang lại nhận thấy rõ một làn sóng đang đến cho mảng chip đồ họa.
Tuy nhiên ít ai biết rằng vào năm 1995, doanh nghiệp của Huang đã từng suýt phá sản khi con chip đầu tiên-NV1 không đủ sức thu hút khách hàng.
Startup mới 2 năm tuổi này thậm chí đã phải sa thải một nửa nhân viên và thoi thóp chờ ngày đóng cửa.
May mắn thay khi con chip thứ 3- RIVA 128 ra đời vào năm 1997, nó đã tạo ra thành công lớn vực dậy Nvidia.
Những con chip của Nvidia thường được bán cho các game thủ để gắn vào các bo mạch chủ của PC, qua đó tạo nên những đồ họa 3D cực nhanh. Cho đến tận 20 năm sau ngày thành lập, những con chip này vẫn chiếm hơn một nửa doanh thu của Nvidia.
Mặc dù vậy, Nvidia có lịch sử hình thành không phải trong các lĩnh vực phổ biến quen thuộc như Apple, Microsoft, Facebook, Amazon hay Tesla nên cũng dễ tổn thương hơn.
Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, tổng mức vốn hóa của hãng đã giảm xuống dưới 5 tỷ USD khi nhu cầu chip đồ hòa chơi game lao dốc.
Thậm chí dù đã hồi phục và bùng nổ lại nhờ AI nhưng Nvidia vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nền kinh tế vĩ mô, cuộc xung đột công nghệ Mỹ-Trung cùng các vấn đề lạm phát, cầu yếu, yêu cầu cắt giảm chi phí...
“Với những gì tôi đã trải qua thì việc trở về quá khứ để làm lại từ đầu thật sự là quá sức chịu đựng với bản thân. Điều này là quá sức đối với tôi”, ông Huang thừa nhận.
*Nguồn: Fortune, Bloomberg