Tượng đài Nokia hồi sinh để rồi hấp hối: Vụt sáng trong chốc lát sau khi bán mảng điện thoại, giờ lại kinh doanh bết bát, sa thải 14.000 người

19/10/2023 14:56 PM | Kinh doanh

Microsoft mua mảng điện thoại của Nokia năm 2013 để rồi lỗ nặng, sau đó hãng HMD mua lại quyền kinh doanh thương hiệu này cũng chẳng tốt hơn. Giờ đây chính công ty mẹ Nokia chuyển sang làm cơ sở hạ tầng mạng viễn thông cũng gặp khó khăn nốt.

Tượng đài Nokia hồi sinh để rồi hấp hối: Vụt sáng trong chốc lát sau khi bán mảng điện thoại, giờ lại kinh doanh bết bát, sa thải 14.000 người - Ảnh 1.

Hãng tin CNBC cho hay Nokia mới đây đã tuyên bố sẽ cắt giảm 14.000 lao động để tiết kiệm chi phí trong bối cảnh kết quả kinh doanh tệ hại quý III/2023.

Cụ thể, doanh số của thương hiệu nổi tiếng này đã giảm 20% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 4,98 tỷ Euro. Lợi nhuận của hãng cũng giảm 69% so với cùng kỳ năm 2022 xuống chỉ còn 133 triệu Euro.

Chính thương hiệu Phần Lan này cũng đã phải ngậm ngùi thừa nhận sau khi hồi sinh rằng đang phải đối mặt với một thị trường đầy thách thức.

Tượng đài Nokia hồi sinh để rồi hấp hối: Vụt sáng trong chốc lát sau khi bán mảng điện thoại, giờ lại kinh doanh bết bát, sa thải 14.000 người - Ảnh 2.

Mặc dù đã bán đứt mảng kinh doanh điện thoại để cố hồi sinh thông qua mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông nhưng có vẻ Nokia vẫn chẳng thoát được khó khăn.

Hiện Nokia đang đặt mục tiêu cắt giảm chi phí trong khoảng 800 triệu Euro đến 1,2 tỷ Euro từ nay đến cuối năm 2026, qua đó sa thải bớt từ 86.000 lao động xuống chỉ còn 71.000-77.000 người.

Theo CNBC, Nokie đang phải đối mặt với sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu trong khi các nhà mạng ngày càng hạn chế đầu tư thêm cho cơ sở hạ tầng.

Câu chuyện của Nokia đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi thương hiệu này có cú hồi sinh ngoạn mục vào năm 2013, chuyển mình từ một hãng thuần kinh doanh điện thoại sang công ty chuyên kinh doanh hạ tầng viễn thông.

Dẫu vậy, dù đã hồi sinh nhưng cho đến hiện tại thì Nokia cũng đang phải “hấp hối”.

Hiện điện thoại Nokia vẫn được sản xuất và phân phối nhưng bởi hãng HMD Global Oyj. Công ty này lấy được bản quyền từ tay Microsoft sau khi tập đoàn mua lại mảng sản xuất điện thoại từ tay Nokia vào năm 2014.

Tuy nhiên ngay cả HMD cũng gặp khó sau khi Microsoft không cứu được dòng điện thoại Nokia huyền thoại năm nào.

Không phải lần đầu

Trên thực tế, đây không phải lần đầu Nokia bị nhận định là mất công hồi sinh để rồi chỉ đốt tiền của nhà đầu tư.

Vào năm 2017, việc 2 công ty là HMD Global Oyj, doanh nghiệp Phần Lan sở hữu các nhân viên kỳ cựu trước đây của Nokia, và FIH Mobile, một phân nhánh của Foxconn sở hữu mảng sản xuất điện thoại cơ bản của Nokia, chịu khoản lỗ kỷ lục đã chứng minh việc hồi sinh một thương hiệu huyền thoại không hề dễ.

Cả 2 doanh nghiệp trên đã rót một lượng vốn khủng để hồi sinh Nokia và đạt được doanh thu khủng, nhưng lợi nhuận thì lại xuống mức thấp kỷ lục.

Tượng đài Nokia hồi sinh để rồi hấp hối: Vụt sáng trong chốc lát sau khi bán mảng điện thoại, giờ lại kinh doanh bết bát, sa thải 14.000 người - Ảnh 3.

Những chiếc điện thoại "cục gạch" huyền thoại của Nokia

Tại thị trường Châu Âu nơi mọi hoạt động của FIH đều liên quan đến Nokia, doanh thu năm 2016 của hãng tăng gấp 10 lần đạt 1,7 tỷ USD nhưng lợi nhuận lại giảm xuống chỉ còn 160 triệu USD.

Trước đó vào năm 2013, Microsoft cũng đã từng cố thử hồi sinh Nokia khi chi 7,2 tỷ USD để phát triển dòng sản phẩm Windows Phone nhưng theo nhiều ước tính, tập đoàn này đã lỗ đến 8 tỷ USD từ dự án và buộc phải chấp nhận từ bỏ.

Cũng chính vụ việc này đã góp phần khiến CEO Steve Ballmer lúc đó của Microsoft bị mất chức để nhường chỗ cho CEO Satya Nadella hiện tại.

Hàng loạt những sự kiện này khiến nhà đầu tư liên tục đặt câu hỏi liệu Nokia có đang thực sự hồi sinh thành công hay vẫn chỉ đang hấp hối kéo dài suốt nhiều năm?

Chuyển mình hay kéo dài hơi tàn?

Nokia là thương hiệu điện thoại nổi tiếng của Phần Lan có lịch sử 155 năm, bắt đầu từ một xưởng sản xuất giấy vào năm 1865. Vào năm 2007, thị phần mảng điện thoại di động của hãng chiếm đến 40% thế giới cho đến khi iPhone của Apple ra đời.

Chỉ 5 năm sau đó, thị phần của Nokia đã giảm tới 96%. Riêng trong nửa đầu năm 2012, hãng đã lỗ đến hơn 2 tỷ USD.

Đây chính là lúc Nokia quyết định chơi canh bạc tất tay khi bán lại toàn bộ mảng kinh doanh di động cho Microsoft với giá 7,2 tỷ USD để rồi khiến CEO Ballmer mất chức sau đó như đã nói ở trên.

Sau khi bán đi mảng kinh doanh chính làm nên thành công của mình, Nokia bắt đầu chuyển hướng kinh doanh xây dựng cơ sở hạ tầng mạng viễn thông bằng việc mua lại Siemen vào năm 2013 nhờ nguồn tiền thanh toán từ Microsoft.

Tượng đài Nokia hồi sinh để rồi hấp hối: Vụt sáng trong chốc lát sau khi bán mảng điện thoại, giờ lại kinh doanh bết bát, sa thải 14.000 người - Ảnh 4.

Cổ phiếu của Nokia (NOK) giảm mạnh

Canh bạc này đã giúp Nokia thu được lợi nhuận và có vẻ dần hồi sinh. Đến năm 2015, hãng thậm chí đã thực hiện phi vụ thâu tóm Alcatel-Lucent với tổng giá trị 16,6 tỷ USD, qua đó vươn lên từ một nhà cung cấp mạng di động thành tập đoàn cung ứng đầy đủ hạ tầng mạng viễn thông, từ mạng quang cho đến IP định tuyến.

Nhận thức được đường đi mới, Nokia đã quyết định bán nốt mảng kinh doanh bản đồ công nghệ cho các doanh nghiệp ô tô Đức với giá 3 tỷ USD.

Vậy là từ lúc tái cơ cấu cho đến năm 2017, Nokia đã thay đổi 99% nhân sự và 80% ban quản trị. Tổng giá trị thị trường đã tăng hơn 500% trong 5 năm.

Thế nhưng trong những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Nokia bắt đầu gặp thách thức trở lại khi nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ đại dịch, lạm phát cũng như sự suy giảm đầu tư của các nhà mạng.

Cổ phiếu của Nokia (NOK) đã giảm đến gần 40% trong 5 năm qua do tình hình khó khăn của ngành cơ sở hạ tầng viễn thông.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Nokia có sống sót tiếp qua giai đoạn này hay không hay thương hiệu nổi tiếng này lại một lần nữa cần được hồi sinh.

*Nguồn: CNBC

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM