6 yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019

25/10/2018 14:30 PM | Xã hội

Tương tự báo cáo của Bộ Công thương trước đó, NCIF cũng quan ngại tình trạng "bong bóng tài chính" toàn cầu đang âm thầm diễn ra, có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Theo nhận định của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế (NCIF), kinh tế trong nước năm 2019 có thể giữ được đà tăng trưởng của năm 2018 nhờ vào việc hưởng lợi từ các động lực.

Cụ thể, NCIF đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu khả quan. Diễn biến kinh tế thế giới có nhiều yếu tố là hậu thuẫn tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam  như triển vọng tăng trưởng khả quan của kinh tế thế giới trong đó đặc biệt từ triển vọng kinh tế Mỹ.

Đặc biệt, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn đang được đẩy nhanh. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Hồng Kông dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là bước tiến quan trọng để ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng mở rộng thâm nhập vào thị trường Hồng Kông hay khả năng Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào đầu 2019 là rất cao sau khi dự kiến đạt được sự phê chuẩn của 6 thành viên vào cuối 2018…

Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính

Tăng trưởng kinh tế thuận lợi là điều kiện tạo thêm nhiều việc làm và giảm số người thất nghiệp chung cũng như tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và có cơ sở hoàn thành mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4% vào năm 2020.

Tuy nhiên, NCIF cũng cho rằng nền kinh tế đang tồn tại 6 vấn đề tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong năm tới.

Thứ nhất, Việt Nam thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ hai, nền kinh tế đang đối diện với xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng.

Nhiều quốc gia, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Thứ ba, NCIF cho rằng giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao (cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008-2010), gây quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra, đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc (khi mà giá bất động sản đang được đẩy lên cao, trong khi tình trạng dư thừa rất rõ ràng,...).

Thứ tư là diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR,…) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc - có thể nước này sẽ mạnh tay phá giá đồng nội tệ để tạo cạnh tranh thương mại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam rơi vào trạng thái "rủi ro lưỡng cực". Nghĩa là hoặc Việt Nam có thể bị cuốn vào vòng xoáy "phá giá nội tệ để cạnh tranh", và theo đó, diễn biến tỷ giá VND/USD sẽ trở nên khó lường hơn.

Hoặc nếu Chính phủ Việt Nam cố gắng hạn chế tỷ giá biến động mạnh, nghĩa là cố gắng neo giữ đồng nội tệ ở mức độ nhất định so với đồng USD, thì khi USD tăng giá mạnh, VND cũng sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, việc FED đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trước đó, đồng thời dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp vẫn là những ẩn số cho thị trường ngoại hối những tháng cuối năm 2018.

Thứ năm là việc môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.

Thứ sáu là chất lượng lao động chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học – công nghệ chưa cao có thể ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong trường quốc tế và khả năng thu hút dòng vốn tới Việt Nam.

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM