6 nhân tài kiệt xuất Trung Hoa: Khổng Minh không có tên, Khương Tử Nha xếp chót bảng
Giai thoại ly kỳ về những nhân vật "giỏi như thần" này đã khiến hậu thế đời sau coi họ như những vị thần tiên hạ phàm.
Lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận sự xuất hiện của không ít nhân vật tài năng xuất chúng khiến cho hậu thế không khỏi ngưỡng mộ.
Thậm chí có một số nhân tài còn được người đời ví như thần tiên hạ phàm. Cuộc đời và tài năng nhuốm màu thần bí của họ đã trở thành những giai thoại truyền kỳ lưu lại cho ngàn đời sau.
Theo KKNews, Trung Hoa từ cổ chí kim có 6 nhân vật vừa có kỳ tài xuất chúng, vừa ẩn giấu những tuyệt ký bí mật, lại sở hữu khí chất xuất thần.
Điều đáng nói là bảng xếp hạng này không có những tên tuổi được mệnh danh là thần cơ diệu toán như Khổng Minh, Lưu Bá Ôn, ngay tới Khương Tử Nha cũng xếp "chót bảng", người giữ vị trí đầu tiên lại là một nhân vật mang rất nhiều ẩn số.
Vị trí thứ 6: Khương Tử Nha
Do là vị quân chủ đầu tiên của nước Tề, Khương Tử Nha còn được gọi là Tề Thái Công, hay còn gọi là Khương Thái Công, Thái Công Vọng hoặc Lã Vọng. (Ảnh minh họa).
Khương Tử Nha, tên thật là Khương Thượng, tự Tử Nha. Ông được biết tới là khai quốc công thần của nhà Chu vào thế kỷ thứ XII trước Công nguyên và cũng là vị quân chủ khai lập nước Tề (tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc).
Hậu thế đánh giá Khương Tử Nha là người thay đổi thế cục thiên hạ, khiến cho giang sơn đổi chủ. Không chỉ có công sáng lập nên triều Chu, ông còn là vị tướng tài vĩ đại và góp phần không nhỏ giúp vương triều này kéo dài hơn 800 năm.
Trong "Phong thần bảng", Khương Tử Nha trở thành một nhân vật được thần thánh hóa. Tác phẩm này xây dựng hình tượng của Khương Thái Công là một kỳ tài sở hữu nhiều năng lực, thậm chí khiến không ít vị thần tiên phải kính nể.
Vị trí thứ 5: Trương Tam Phong
Theo ghi nhận của cổ thư Trung Hoa thì Trương Tam Phong là một người có hình dung cổ quái, tóc dài, râu rậm, mặt đỏ, môi thắm, ăn khỏe như cọp, đi nhanh như gió cuốn. (Ảnh minh họa).
Trương Tam Phong có tên thật là Trương Quân Bảo. Ông vốn xuất thân là một đạo sĩ và cũng là người sáng lập phái Võ Đang – môn phái võ thuật lớn tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhân vật này còn được coi là người sáng tạo ra Thái Cực Quyền và Thái Cực kiếm.
Trong giới giang hồ võ lâm khi xưa, cuộc đời của Trương Tam Phong vẫn được biết tới như một truyền kỳ và ít nhiều được dân gian thần thánh hóa.
Nhân vật này cũng là một trong số những hình tượng được các tác phẩm nghệ thuật hết sức ưu ái.
Vị trí thứ 4: Quản Trọng
Quản Trọng đã cải thiện sức mạnh cho nước Tề thông qua việc tiến hành hàng loạt cải cách. (Tranh: Nguồn Baidu).
Quản Trọng (725 TCN – 645 TCN), họ Cơ, tộc Quản, tên thật Di Ngô, tự là Trọng, đương thời còn gọi là Quản Tử.
Ông được biết tới với vai trò là một chính trị gia, nhà quân sư và nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân Thu.
Sinh thời, Quản Trọng từng được tiến cử làm Tể tướng nước Tề. Nhờ có công lao của nhân vật này, nước Tề đã trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn công được tôn làm đứng đầu Ngũ bá.
Vị trí thứ 3: Lão Tử
Lão Tử được coi là người viết Đạo đức kinh (cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn) và được công nhận là Khai tổ của Đạo giáo (Đạo tổ). Tranh minh họa.
Lão Tử là một nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc. Tương truyền rằng ông là sư phụ của Khổng Tử.
Ông cũng là người sáng lập ra học thuyết Đạo gia và cũng được coi là một vị sư tổ của Triết học Trung Hoa.
Có ý kiến cho rằng, Lão Tử được coi là người tạo nên khát vọng tu tiên mà cổ nhân Trung Quốc truy cầu suốt nhiều đời.
Theo nhiều giai thoại truyền lại, ông được miêu tả là một người thường cưỡi Thanh Ngưu (trâu xanh) và biến mất trong làn sương buổi sáng sớm.
Vị trí thứ 2: Viên Thiên Cương
Bức tượng thờ Viên Thiên Cang tại Tứ Xuyên - Trung Quốc. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Viên Thiên Cương (còn được gọi là Viên Thiên Cang) là bậc thầy tướng số và nhà tiên tri nổi tiếng sống vào thời nhà Đường.
Tương truyền rằng, phàm là những lời tiên đoán của Viên Thiên Cương nói ra hầu như đều trở thành sự thật.
Có giai thoại còn truyền lại, nhân vật này từng xem tướng cho Võ Tắc Thiên khi còn nhỏ. Bấy giờ, vị tướng sư nổi tiếng ấy đã nhầm tưởng Võ thị là bé trai và nói:
"Mắt rồng cổ phượng, là cực kỳ quý hiển, nhưng đáng tiếc lại là nam, nếu là nữ sẽ làm Thiên tử".
Vị trí thứ nhất: Quỷ Cốc Tử
Tương truyền rằng sau khi về ở ẩn, Quỷ Cốc Tử sống trong một hang núi gọi là "Quỷ Cốc" (hang quỷ), bởi chỗ đó núi cao, rừng rậm, âm khí nặng nề, không phải chỗ cho người ở. Tên "Quỷ Cốc Tử" do ông tự đặt cho mình. (Tranh minh họa).
Quỷ Cốc Tử còn hay được gọi là Quỷ Cốc tiên sinh. Ông là nhà tư tưởng, nhà truyền giáo nổi tiếng và là danh sư truyền dạy cho không ít nhân vật nổi tiếng.
Cuộc đời của Quỷ Cốc tiên sinh được đánh giá là vô cùng thần bí, không rõ năm sinh, năm mất, hành tung hết sức bí ẩn.
Cũng chính vì điều này mà có không ít người hoài nghi về nhân vật này và cho rằng Quỷ Cốc Tử có lẽ chỉ là một vị thần tiên tồn tại trong sách vở.
Theo giai thoại dân gian truyền lại, Quỷ Cốc tiên sinh sống rất thọ, là người thông thạo nhiều pháp thuật, lại sở hữu kiến thức sâu rộng và được coi là ông tổ của các thuật tướng số, bói toán, phong thủy…
*Tổng hợp