6 lý do khiến Alibaba đầu tư 1 tỷ USD vào Lazada
Đông Nam Á là một thị trường phức tạp với các quốc gia có đặc điểm khác nhau. Biết rõ điều đó nhưng Alibaba vẫn có tới 6 lý do thuyết phục để “đâm đầu” vào thị trường này thông qua Lazada.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc vừa “dội bom” vào thị trường châu Á với tuyên bố bỏ 1 tỷ USD để mua phần lớn cổ phần của công ty Lazada, hay còn gọi với cái tên “Amazon của Đông Nam Á”.
Trang web Lazada được hãng Rocket Internet của Đức mở ra vào năm 2012. Giống như những khoản đầu tư mạo hiểm khác của Rocket, mọi chuyện đã đi xa hơn so với ý định ban đầu. Khi đó Rocket chỉ định lấy một ý tưởng đã được chứng minh từ một thị trường đã phát triển (tức là Amazon của Mỹ) và áp dụng nó vào một thị trường còn non trẻ. Trong trường hợp của Lazada, công ty này đã tiến đến một thị trường nơi cả Amazon lẫn Alibaba đều chẳng dám đầu tư vào: những quốc gia tiềm năng nhất tại Đông Nam Á.
Lazada đã bước vào những thị trường rất khác nhau. Singapore là một thị trường phát triển ở mức cao và là một khu vực khá đơn giản để thiết lập chợ giao dịch điện tử. Thế nhưng các quốc gia khác như Indonexia, Malaysia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam thì không hề đơn giản. Các quốc gia này là những thị trường công nghệ còn non trẻ và còn tồn tại nhiều vướng mắc cũng như rào cản.
Dù biết là vậy, Alibaba vẫn có tới 6 lý do để “đâm đầu” vào thị trường Đông Nam Á thông qua Lazada.
1. Alibaba đã phát triển tốt ở Trung Quốc và cần tìm thị trường mới
Nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma
Alibaba có 407 triệu người mua sắm thường xuyên mỗi năm trên Taobao và Tmall tại Trung Quốc, theo báo cáo doanh thu gần đây nhất của công ty. Con số này còn nhiều hơn gấp 2 lần so với đối thủ sát sườn nhất của hãng, JD, và còn vượt xa nhiều lần so với trang của Amazon tại Trung Quốc.
Trung Quốc có tổng cộng 785 triệu người sử dụng internet trên di động, vì thế sự thống trị của Alibaba là rất rõ nét. Trong vòng một vài năm trở lại đây, Jack Ma và các cộng sự đã đề ra chiến lược nhằm giúp những người dân ở các quốc gia xa xôi được sử dụng thương mại điện tử thường xuyên hơn, bao gồm cả việc xây dựng những trung tâm phân phối tại những nơi công ty chưa có trụ sở giao hàng.
Cuối năm 2014, Jack Ma tuyên bố: “Alibaba lên kế hoạch đầu tư nhiều năng lực vào thị trường thương mại điện tử ở vùng nông thôn. Chúng tôi thực sự hy vọng sẽ đem thương mại điện tử tới tất cả các ngôi làng của Trung Quốc để những người dân ở nông thôn cũng có thể nếm trải cuộc sống thành thị và bán các sản phẩm của mình cho các thành phố”.
Trung Quốc, với tầng lớp trung lưu và người dân sống tại thành thị chiếm số lượng lớn, là một thị trường thương mại điện tử rất trưởng thành. Đó là một điều lớn lao mà Jack Ma đã làm được khi tung ra Taobao năm 2003 và đánh bật trang eBay của Trung Quốc.
Việc Alibaba nắm quyền kiểm soát Lazada đem đến cho công ty một mảnh đất mới và màu mỡ. Đây không phải là lần đầu tiên Alibaba làm như vậy. Công ty này đã rót hơn 1 tỷ USD vào startup Paytm của Ấn Độ trong năm 2015 thông qua công ty con Ant Financial. Alibaba cũng dành một khoản đầu tư 500 triệu USD vào Snapdeal của Ấn Độ.
Paytm thì không thể lớn bằng công ty Flipkart tại Ấn nhưng nó đang ngày càng tỏ rõ sức mạnh của mình trong thị trường bán lẻ trực tuyến và thanh toán qua điện thoại. Alibaba cũng là dịch vụ ví điện tử di động hàng đầu của Trung Quốc với Alipay, do công ty Ant Financial quản lý, vì vậy công ty này biết bí quyết làm thế nào để nâng cao vị trí của Paytm tại thời điểm mà không có dịch vụ thanh toán điện tử nào giành được vị trí hàng đầu tại quốc gia này.
Thế nhưng Lazada lại là vụ giao dịch nước ngoài lớn nhất của Alibaba tính đến thời điểm này.
2. Đông Nam Á là một khu vực phát triển nhanh với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng
Đông Nam Á có số dân 618 triệu. Tầng lớp trung lưu tại khu vực này hiện chiếm con số khá nhỏ. Ước tính khoảng 190 triệu người tại khu vực này có thể được xếp vào tầng lớp trung lưu, với mức thu nhập vào khoảng 16 – 100 USD một ngày.
Dự kiến con số này sẽ tăng lên 400 triệu vào năm 2020 và dân số cũng sẽ tăng lên.
Điều đó cũng tương đương với việc số người sử dụng Lazada (nay đã thuộc quyền kiểm soát của Alibaba), bao gồm cả số người tham gia mua sắm và số người bán sản phẩm trên chợ điện tử này, cũng sẽ tăng lên.
3. Lazada có sức hấp dẫn lớn
Lazada, với 6 trang web khác nhau tại mỗi quốc gia, là công ty thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực. Những người mua sắm trên Lazada bỏ ra tới 433 triệu USD để mua hàng trong vòng 6 tháng đầu năm 2015 (đây là số liệu mới nhất trích từ báo cáo doanh thu của Rocket), tức là tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Startup này kỳ vọng sẽ đạt được con số 1 tỷ USD khối lượng hàng hóa doanh thu hàng năm trong năm 2015. Lazada có 5,7 triệu khách hàng thường xuyên, tức là tăng gấp 4 lần so với con số 1,4 triệu vào giữa năm 2014.
Những con số này khá nhỏ khi so sánh với hai thị trường Trung Quốc của Alibaba, nhưng nhiều tín hiệu cho thấy Lazada sẽ còn phát triển hơn nữa khi Lazada đã xây dựng được tên tuổi trong khu vực.
Lazada đã bắt đầu với một dịch vụ giống như Amazon và sở hữu nhà kho, sân bãi riêng, nhưng sau đó công ty này tham gia vào một thị trường mở hơn khi cho phép các nhà bán lẻ nhỏ và các nhãn hàng lớn bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, đó là điều mà Alibaba thích thú. Theo số liệu gần đây nhất, có khoảng 27.000 nhà bán lẻ trên 6 quốc gia đang hoạt động trong Lazada.
Rocket Internet, người khởi xướng ra Lazada và một số các dịch vụ web khác cũng từng có lúc đi sai hướng. Thế nhưng với Lazada, Rocket đã bám vào thị trường thương mại điện tử ngay từ sớm và làm rất tốt. Đứa con mới của Alibaba giờ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn nhất tại Indonexia. Tại quốc gia này, Lazada vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của một startup trong nước có cái tên Tokopedia, ngoài ra còn có MatahariMall, một liên doanh công nghệ được tạo ra bởi một tập đoàn khổng lồ do những gia đình giàu có nhất Indonexia quản lý. Mới cuối tuần trước, Tokopedia đã nhận được số vốn mới lên tới 147 triệu USD.
Magnus Ekbom, Giám đốc Lazada tại Indonexia cho biết các công ty hậu cần của Indonexia không thể bắt kịp với sự tăng trưởng của Lazada. Đó là lý do vì sao mà Lazada, dù gần như là một chợ điện tử mở, nhưng vẫn không mua hoặc vận chuyển hàng hóa trong kho của chính mình, mà đã xây dựng các trung tâm hậu cần, thực hiện và phân phối trên khắp quốc gia. Điều này cũng lặp lại tại một số thị trường khác của Lazada. Hậu cần của Lazada bao gồm cả những chiếc xe tải cũng như xe máy.
4. Lazada đã hiểu rõ thị trường Đông Nam Á khó khăn tới mức nào
Để hiểu đúng bản chất vấn đề không phải là điều đơn giản với Lazada. Đông Nam Á là một khu vực rộng lớn. Một số vùng trong khu vực này còn chưa phát triển, khả năng kết nối cũng như tốc độ internet còn rất hạn chế, người dân thì sống rải rác trên hàng ngàn hòn đảo. Mỗi quốc gia nói một ngôn ngữ riêng với luật pháp, văn hóa, thuế má, phương thức thanh toán, quy chế hải quan và nền tảng hậu cần riêng. Mỗi quốc gia lại có các startup cạnh tranh trong thị trường thương mại điện tử riêng. Từng quốc gia cũng có mức phát triển GPD khác nhau và thậm chí còn khác nhau theo từng khu vực. Các quốc gia khác nhau cũng có các thể chế chính trị khác nhau. Ngoài ra, còn rất rất nhiều điều khác.
Tại nhiều nơi ở Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn và thậm chí là chưa tồn tại. Đường bộ, đường sắt để vận chuyển hàng hóa mua bằng hình thức trực tuyến còn chậm và giá vận chuyển còn đắt. Một số nơi chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền mà thôi. Những yếu tố này là những rào cản lớn khi bước vào thương mại điện tử. Và đó chính là lý do vì sao có rất ít startup thương mại điện tử sinh ra tại Đông Nam Á có thể mở rộng dịch vụ ra toàn khu vực. Hầu hết các dịch vụ này thường chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia hoặc thậm chí chỉ ở một vài khu vực cận kề nhau.
Ông Magnus trong một bài phỏng vấn với Tech In Asia vào năm ngoái cũng cho biết: “Indonexia gần như không có năng lực về hậu cần. Cần phải có sự đầu tư lớn về hậu cần cũng như cơ sở hạ tầng cho toàn quốc gia”.
5. Mua thì dễ hơn là xây dựng
Tất cả những vấn đề trên đều lạ lẫm với Alibaba, công ty vốn chỉ biết đến những thứ đơn giản hơn nhiều tại Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này có rất nhiều nhóm dân tộc, nhưng hầu hết đều nói tiếng Trung Quốc đại lục. Thế nên Alibaba chỉ cần xây dựng một website và một ứng dụng là đủ để phục vụ tất cả đối tượng.
Một lợi thế nữa là Trung Quốc có hệ thống đường sắt và đường cao tốc phát triển giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và tốn ít chi phí. Để có được vị trí của Lazada tại 6 thị trường, Alibaba sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tỷ tỷ USD mà lại không đảm bảo rằng nó có thể đánh bại được Lazada. Thế nên, Alibaba có thể làm một việc đơn giản hơn đó là mua lại thay vì xây mới.
6. Mở lối cho Trung Quốc tiến vào khu vực Đông Nam Á
Thương vụ của Alibaba với Lazada mở ra khả năng cho các nhà bán lẻ Trung Quốc bán hàng cho người mua tại khu vực Đông Nam Á. Khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng chậm lại, các nhà bán lẻ trên Taobao và Tmall chắc chắn sẽ vui vẻ đón chào cơ hội đến với người mua tại các thị trường mới.