6 luật sư đều sửng sốt vụ khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh
Các luật sư của ba miền đã có những đánh giá, nhận định về việc ông chủ quán cà phê Xin Chào tại TP Hồ Chí Minh bị khởi tố vì chậm đăng ký kinh doanh.
Ngày 25/9/2015, ông Nguyễn Văn Tấn đã bị công an huyện Bình Chánh khởi tố về tội Kinh doanh trái phép do mở quán cà phê Xin Chào (nằm đối diện trụ sở mới của Công an H.Bình Chánh, TT Tân Túc, H.Bình Chánh để bán cà phê, ăn sáng, ăn trưa.
Có thể khởi tố ông xe ôm về tội Kinh doanh trái phép
Trao đổi với chúng tôi, TS - luật sư Trần Đình Triển cho biết, trong Bộ luật Hình sự có quy định về tội Kinh doanh trái phép và ông đã bào chữa rất nhiều vụ án kinh tế, nhưng chưa bào chữa cho vụ án nào mà bị cáo bị truy tố về tội Kinh doanh trái phép.
Theo luật sư Triển, trước đây, trong Luật Doanh nghiệp có một điều rất lạc hậu đó là muốn kinh doanh một ngành nghề gì đó thì phải được đăng ký vào trong đăng ký kinh doanh.
Kinh doanh chia làm hai loại, kinh doanh có điều kiện (kinh doanh đặc biệt) ví dụ như ngân hàng, bảo hiểm, xăng dầu, thuốc nổ… đó là những lĩnh vực có tính chất riêng nên thủ tục riêng.
Điều này không cần bàn cãi vì cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước trong những lĩnh vực đặc thù như trên.
"Nhưng ngược lại, những ngành nghề kinh doanh khác pháp luật không cấm, vì đã quy định rõ công dân có quyền làm điều gì mà pháp luật không cấm, vậy tại sao lại cấm người ta kinh doanh những doanh mục ngoài kinh doanh đặc biệt?
Rõ ràng, điều đó rất bất cập trong thực tế", ông Triển nói.
Trở lại vụ công an huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) khởi tố chủ quán cà phê , quán phở về tội Kinh doanh trái phép, ông Triển có cảm nhận như cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh "thiếu việc để làm, việc đáng làm thì không làm và có cái gì đó rất buồn cười".
"Tôi cho rằng, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như vậy không nhất thiết phải có đăng ký kinh doanh như một doanh nghiệp. Người ta chỉ cần xin giấy phép của UBND phường hoặc phòng kinh tế huyện, quận đó để kinh doanh mặt hàng.
Khi kinh doanh như vậy, người ta không cần thành lập doanh nghiệp nhưng có trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế. Cơ quan thuế sẽ ấn định mức thuế dựa trên doanh thu, thu nhập để đưa ra một con số phù hợp.
Nếu làm như công an huyện Bình Chánh khởi tố ông Tấn về tội Kinh doanh trái phép thì quá lạm quyền và đặc biệt nếu thế thì công an có thể khởi tố bất cứ ai về tội này cũng được", ông Triển nêu.
Luật sư này cũng ví dụ, nếu một ông xe ôm nhận chở khách vãng lai và nhận đưa đón con cho 1 gia đình nào đó đi học, việc này có phát sinh lợi nhuận và rõ ràng ông xe ôm kia không đăng ký kinh doanh.
Nếu thế thì công an huyện Bình Chánh hay bất kỳ công an nào cũng có thể khởi tố ông xe ôm về tội Kinh doanh trái phép.
"Điều này rất ngớ ngẩn và buồn cười trong nền kinh tế thị trường. Đừng máy móc quá sẽ khiến nhiều hộ kinh doanh khác lo sợ và khiến cả xã hội buồn cười", ông Triển nhấn mạnh.
Luật sư chưa từng gặp vụ việc tương tự
Luật sư Phạm Công Út (Tp Hồ Chí Minh) cho hay, ông cũng đã tham gia bào chữa một số vụ án kinh doanh trái phép nhưng như vụ án xảy ra đối với ông Nguyễn Văn Tấn thì chưa gặp lần nào.
Theo luật sư Út, dựa theo các thông tin được báo chí phản ánh thì việc khởi tố đối với ông Tấn ở đây là sai, không có căn cứ.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật, kinh doanh trái phép là không được phép làm cái này hoặc được phép làm cái này nhưng lại làm cái khác. Ví dụ, trong giấy phép quy định được quyền kinh doanh những gì, ở khu vực nào nhưng anh lại làm ngược lại.
Ông Út cũng lấy ví dụ, trước đây, ông đã từng bào chữa cho những trường hợp bán đĩa nhạc theo giấy phép là có dán tem, nhãn nhưng thực tế lại bán các đĩa ngoài luồng, đĩa lậu nên bị xử lý về hành vi kinh doanh trái phép.
"Tuy nhiên, ở đây 5 ngày sau khi bị xử phạt hành chính về việc chưa có giấy phép kinh doanh thì ông Tấn đã đi đăng ký và được cấp giấy phép kinh doanh rồi nên không thể phạt được về vấn đề tái phạm kinh doanh trái phép nữa.
Sau đó, ông Tấn lại bị phạt về các hành vi khác thì không thuộc vào hành vi trên. Do đó, việc khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép là không đúng", ông Út nói.
Cũng theo ông Út, nếu muốn khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép thì phải có đầy đủ các căn cứ là sau khi bị xử phạt hành chính chủ hàng tiếp tục tái phạm vi phạm hành vi này và để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, có kết quả giám định.
"Nhưng việc này không hề có. Ở đây, nếu thấy sai thì phải rút lại, còn cứ nói là chúng tôi có căn cứ pháp lý thì tôi rất ngạc nhiên. Rõ ràng là ở đây, không có đủ căn cứ pháp lý để khởi tố người này", luật sư Út nhấn mạnh thêm.
Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng) cũng khẳng định, với tư cách luật sư thì vụ việc này không có bất cứ yếu tố nào để xử lý hình sự.
Luật sư Pháp cho biết, chưa bao giờ ông gặp trường hợp này và muốn kết tội hình sự thì phải có đủ 4 yếu tố: khách quan của tội phạm, chủ quan của tội phạm, xác định khách thể bị xâm phạm, hành vi cố ý hay vô ý.
"Trong trường hợp này, cơ quan điều tra phải xác minh ông Tấn đã xâm hại đến ai?", ông Pháp nêu rõ.
Vị luật sư này cũng cho rằng, việc khai trương, khánh thành trước thời điểm có giấy chứng nhận kinh doanh trong vòng 1 tháng có thể do nôn nóng trong kinh doanh.
Đặc biệt, người Việt có thói quen chọn ngày đẹp để mở hàng trong kinh doanh nên hành vi của ông Tấn trong trường hợp này là có thể chấp nhận được.
Với hành vi của ông Tấn, cơ quan chức năng có thể nhắc nhở hoặc nặng nhất là xử lý vi phạm hành chính. Nếu ông Tấn vi phạm nhiều lần đã bị xử phạt nhiều lần thì mới xem xét đến việc xử lý hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) thì nhận định, các vụ án bị khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép này rất hiếm và trong quá trình, ông tham gia bào chữa cũng chưa gặp vụ việc nào như thế này.
Theo luật sư Cường, với các thông tin được phản ánh trên báo chí thì việc khởi tố về hành vi kinh doanh trái phép đối với chủ quán cà phê Xin Chào là không đúng, không có đủ căn cứ.
Rõ ràng, anh Tấn chỉ có hành vi kinh doanh không có giấy phép (đã bổ sung) và hành vi này chỉ bị xử lý vi phạm hành chính là đủ yếu tố răn đe và ngăn chặn vi phạm rồi.
Còn với biên bản thứ 2 là một lỗi khác thì lấy căn cứ gì để “hình sự hóa” khi xác định hành vi của anh Tấn vi phạm theo Điểm a Khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự và để truy tố. Đó đúng là sự nhầm lẫn tai hại về áp dụng pháp luật hình sự.
Luật sư Giang Hồng Thanh và Trần Thu Thủy (Hà Nội) cũng khẳng định, dù đã hành nghề luật sư lâu năm nhưng cả hai người đều chưa từng gặp vụ việc nào tương tự như trên.