5 việc cần làm trước khi bỏ việc

19/09/2021 16:00 PM | Kinh doanh

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động muốn tìm kiếm một công việc mới, song mọi người nên có một kế hoạch nghiêm túc trước khi bỏ công việc hiện tại.

Đã được 19 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành khắp thế giới, nhiều người lao động đã cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại và đang tìm kiếm một khởi đầu mới.

Một số người tin rằng giờ là lúc để tìm một công việc mới với mức lương cao hơn trong một thị trường có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, có người lại lên kế hoạch nghỉ việc một vài tháng để nạp năng lượng sau một thời gian đầy căng thẳng và hỗn loạn vì Covid-19.

“Đối với một số người, họ bỏ công việc hiện tại vì đã kiệt sức hoặc thậm chí là chán nản. Nhưng một số khác lại đang tìm cách thay đổi cả sự nghiệp. Nhiều người đang dành thời gian để tự phân tích về mặt mạnh hay động lực của bản thân”, Elise Freedman, trưởng phòng nghiên cứu về xu hướng chuyển nơi làm việc tại công ty tư vấn Korn Ferry, cho hay.

Nghỉ ngơi sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn và cũng chẳng sao nếu bạn muốn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn khi không còn hài lòng với công việc hiện tại. Tuy nhiên, mọi người cũng khó có thể dễ dàng làm điều đó nếu không có một kế hoạch nghiêm túc.

5 việc cần làm trước khi bỏ việc - Ảnh 1.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động đã cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại và đang tìm kiếm một khởi đầu mới. Ảnh: Twenty/20.

Dưới đây là 5 lời khuyên từ các cố vấn tài chính về những việc bạn cần làm trước khi thực hiện “cú nhảy” trong sự nghiệp.

Xem xét dòng tiền

Trước khi bạn bỏ công việc hiện tại, đầu tiên hãy đánh giá lại thu nhập của cả gia đình ngoài tiền lương cá nhân và tổng số tiền tiết kiệm lưu động. Vợ/chồng của bạn có kiếm đủ tiền để hỗ trợ cả hai hay không, hay bạn có công việc trái tay nào mang lại thêm thu nhập mỗi tháng hay không?

Sau đó, hãy tính toán xem khoản tiền tiết kiệm hiện tại và thu nhập dự kiến của bạn sẽ trang trải được các chi phí cần thiết như tiền nhà, tiền ăn, trả nợ… trong bao nhiêu tháng. Phép tính này sẽ khác nhau đối với mỗi người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng người trong gia đình bạn, các khoản bạn chi tiêu, nơi bạn sống và số tiền bạn kiếm được… Đừng quên khoản chi hàng năm, thứ có thể tăng trong những tháng tới như quà tặng vào các dịp lễ.

Nếu có sự khác biệt giữa số tiền bạn sẽ có và số tiền bạn sẽ cần, hãy lập kế hoạch để nhận được phần chênh lệch đó. Bạn có thể cần đợi thêm vài tháng mới có thể nghỉ việc, như vậy bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền (bằng cách chi tiêu ít hơn những gì kiếm được), chọn một công việc bán thời gian hoặc thực hiện một số thay đổi lớn trong lối sống.

Và nếu bạn chưa nhận được lời đề nghị cho công việc khác, hãy lên kế hoạch cho việc phải nghỉ làm lâu hơn dự kiến vì chưa chắc bạn sẽ tìm ngay được một công việc khác.

Nâng cao kỹ năng

Trước khi bỏ công việc hiện tại, hãy suy nghĩ kỹ xem con đường sự nghiệp nào hấp dẫn được bạn trong tương lai và bạn cần những gì để có được công việc đó, theo Brian Blackwell, giám đốc kế hoạch tài chính của Spotlight Asset Group.

Hãy tự hỏi bản thân rằng nếu bạn có ý định tiếp tục làm việc trong tương lai, bạn có cần phải đi học thêm hoặc thêm bất kỳ kỹ năng mới nào không. “Tốt nhất là bạn nên làm những việc này trước khi nghỉ công việc hiện tại, như vậy, bạn sẽ không phải gánh thêm khoản nợ nào khác cho việc học”, ông Blackwell cho hay.

Hãy lập kế hoạch để trang trải chi phí cho việc bạn đi học kỹ năng mới như các khóa học trực tuyến hoặc trực tiếp.

Cắt giảm chi phí phụ

Nếu bạn kiếm được ít hoặc không kiếm được tiền thì hãy chi tiêu ít hơn. Hãy cắt giảm những chi phí như các bữa ăn ngoài hay một số dịch vụ thuê bao hàng tháng.

Andrea Woroch, một chuyên gia về tài chính tiêu dùng, gợi ý có thể cắt giảm nhiều hơn nữa nếu cần thiết. Ví dụ, nếu không đi làm, bạn có thể không còn cần sử dụng ôtô nữa hoặc bạn có thể đi cùng với vợ/chồng của mình khi cần ra ngoài. Vì vậy, hãy cân nhắc chuyện bán ôtô và bạn sẽ kiếm được một khoản tiền mặt cũng như tiết kiệm được số tiền dành cho bảo hiểm ôtô.

Tận dụng phúc lợi

Trước khi bỏ công việc hiện tại, hãy lên lịch khám với bác sĩ và sử dụng hết số tiền trong tài khoản FSA (một loại tài khoản tiết kiệm mà công ty tài trợ cho nhân viên như một khoản phúc lợi, thường được dùng để chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe), nếu có. Hãy dành một chút thời gian truy cập vào trang web nhân sự của công ty bạn nếu bạn không thông thuộc những phúc lợi khác bạn được hưởng.

Cũng hãy đảm bảo bạn hiểu về phúc lợi nghỉ hưu và quyền chọn cổ phiếu mà bạn đáng lẽ được cấp. Nếu bạn chưa tích lũy đủ, hãy cân nhắc liệu những lợi ích đó đáng để bạn ở lại hay ra đi.

Và nếu bạn chưa sử dụng hết thời gian nghỉ phép của mình, hãy lên kế hoạch làm điều đó. Nếu bạn bỏ việc, bạn có thể bị mất không số ngày đó, nên nếu được, hãy sử dụng hết trước khi ra đi. Ở một số nơi, công ty sẽ phải trả lại tiền cho những ngày phép bạn chưa sử dụng.

Đừng rút tiền từ tài khoản tiết kiệm hay hưu trí

Các cố vấn tài chính nhấn mạnh rằng không nên rút tiền mặt từ tài khoản tiết kiệm hay hưu trí của bạn để trang trải chi phí trong vài tháng nghỉ ngơi. Việc rút tiền từ tài khoản hưu trí có thể khiến bạn mất hơn 30% tổng số tiền tiết kiệm của mình vì các khoản thuế và tiền phạt rút trước hạn.

Nếu bạn có tình trạng tài chính thực sự tốt, hãy cân nhắc tối đa mức trích lập vào tài khoản hưu trí trước khi bạn bỏ việc. Hầu hết mọi người sẽ chia đều mức đóng góp cho cả một năm, nhưng nếu bạn bỏ việc sớm và có thể xoay sở được thì hãy tối đa mức trích lập để được hưởng các lợi ích về thuế.

Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM