5 tín hiệu báo một người đã trưởng thành: Điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thân xác người lớn và những người biết tự chủ cảm xúc

30/01/2020 09:15 AM | Sống

Chúng ta không thể dập tắt cảm xúc tự nhiên của mình, cũng không thể biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra nên việc cần làm là đối mặt, thấu hiểu cảm xúc của mình để sẵn sàng đối phó với mọi biến cố.

Từ vài năm trước, ông nội không còn nói chuyện với chúng tôi nữa. 

Bà nội tôi mất sớm, vì ung thư phổi. Sau sự ra đi của bà, ông tôi bắt đầu “nổi loạn”. Trước khi nghỉ hưu, ông từng là kiến trúc sư có tiếng. Bà qua đời, ông như trở thành một người khác: tiêu tiền như nước, cố lấp đầy khoảng trống trong lòng bằng xe xịn, quần áo đắt tiền và những bức tranh đấu giá. Ông đi nghỉ dưỡng xa hoa, ăn hàng và qua lại với những người phụ nữ đáng tuổi con mình mà chỉ quan tâm đến ví tiền.

Ông gần như vắng mặt trong mọi dịp tụ tập của đại gia đình. Ông không ở nhà, hay cáu gắt, làm mọi người hoảng sợ và tránh xa, kể cả những người bạn già thân thiết từ thuở thiếu thời.

Ông nội khó tính và khó gần nhưng trong hồi ức của tôi vẫn lưu giữ hình ảnh ông nội hào phóng, vui tính và nói chuyện rất có duyên. Ông có khiếu thẩm mỹ tốt, biết chủ trì các bữa tiệc và rất biết nói đùa. Tiếc là con người đáng kính ấy đã thay đổi.

Cùng với cô ruột, tôi là người cuối cùng gặp ông trước khi ông rời xa đại gia đình sống cuộc sống của riêng mình. Sau tất cả, điều làm tôi bàng hoàng nhất là sự chủ quan và phiến diện trong quan điểm của ông nội. Ông không thể đồng tình với bất kỳ ý kiến nào của người khác, thế nên ông dành phần lớn thời gian ở một mình.

Ông chưa bao giờ lớn lên. Ông mãi là đứa trẻ 4 tuổi trong thân xác của một ông cụ 70. Điều ông tôi thiếu, cũng là điều bà nội từng bù đắp cho ông suốt mấy chục năm chung sống, là sự trưởng thành.

Không giống sự phát triển về mặt thể chất, sự trưởng thành trong suy nghĩa không diễn ra một cách tự nhiên mà mỗi người phải tự bồi đắp nó. Khi trẻ con đánh nhau, chúng ta dạy các con bình tĩnh, làm chủ cơn giận của mình. Khi một ông già làm điều tương tự, chúng ta lắc đầu ngán ngẩm – đáng ra ông ấy phải học cách kiềm chế cảm xúc từ lâu rồi chứ?! Tuy nhiên, sự thật là vẫn có một số người, có cả ông nội tôi, không làm được điều đó.

5 tín hiệu báo một người đã trưởng thành: Điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thân xác người lớn và những người biết tự chủ cảm xúc - Ảnh 1.

Ông nội đã ngoài 70, tôi không dám hy vọng phép màu xảy đến khiến ông thay đổi. Nhưng tôi nghĩ bản thân và các bạn có thể rút kinh nghiệm từ bài học của ông nội. Tôi chỉ ngoài 20 tuổi nhưng sau nhiều năm quan sát ông đồng thời quan sát chính mình và nhiều người khác, tôi rút ra được 5 phẩm chất nổi bật của những người trưởng thành về mặt cảm xúc như sau:

1. Người trưởng thành không trốn chạy

Phần lớn những khó khăn chúng ta phải đối mặt đến từ những mâu thuẫn trong chính nội tâm của mình. Bạn không ngất xỉu khi phải thuyết trình trước cấp trên, tim bạn cũng không ngừng đập khi bị bồ đá, chỉ là những sư kiện đó khơi dậy mâu thuẫn nội tâm khiến bạn cảm thấy giằng xé và muốn trốn chạy đi đâu đó. Những người trưởng thành về cảm xúc không bị đánh gục bởi những khó khăn này.

Thay vì trốn chạy, trên cả phương diện địa lý hay tâm lý là tìm đến rượu bia, chất kích thích, người trưởng thành về cảm xúc đối diện với những nỗi đau. Họ đắm mình trong sự khó chịu đó cho đến khi gọi tên được những đợt sóng lòng đang cuộn trào trong tâm trí của mình.

Không ai có thể kiểm soát những cơn xúc động của chính mình nhưng chúng ta có thể lựa chọn việc đi theo những cơn xúc động đó. Thay vì ghét bỏ và tìm cách dập tắt, chúng ta nên chấp nhận cảm xúc của mình nhưng cũng không đầu hàng trước nó – đó chính là điều người trưởng thành về mặt cảm xúc vẫn làm.

2. Họ ý thức được trách nhiệm phải hiểu cảm xúc của chính mình

Lý do việc chấp nhận cảm xúc của bản thân là yếu tố quan trọng nhất giúp một người sống vui vẻ là vì nếu không làm được điều đó, chúng ta sẽ chẳng thể biết tại sao mình lại chật vật, tại sao mình không thể sống vui.

Một nghiên cứu so sánh khả năng nhận biết cảm xúc của người khác giữa trẻ em và người lớn đã chỉ ra rằng, các em nhỏ tuổi từ 3 đến 4 giỏi nhận ra nỗi buồn trên gương mặt của người khác hơn là các em 5 tuổi và cả người lớn nói chung. Các nhà tâm lý học gọi đây là khả năng thấu hiểu cảm xúc.

Mặc dù chúng ta có khả năng này từ những năm đầu đời, chúng ta có thể mất nó và không bao giờ khôi phục lại được. Nhiều hành vi học được từ những người xung quanh trong quá trình lớn lên khiến chúng ta mù mờ về cảm xúc của chính mình: chôn vùi cảm xúc, dễ dãi gắn mác cảm xúc với những triệu chứng phổ biến và dễ giải quyết như chán nản, lười biếng, lãnh cảm.

Người trưởng thành về cảm xúc không bao giờ dễ dãi với cảm xúc của mình. Họ sẵn sàng đắm chìm, đào sâu trong những cảm xúc tiêu cực cho đến khi tự mình tìm ra được câu trả lời.

5 tín hiệu báo một người đã trưởng thành: Điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thân xác người lớn và những người biết tự chủ cảm xúc - Ảnh 2.

3. Người trưởng thành về cảm xúc không sợ bị mất mặt

Sau khi đã hiểu được cảm xúc của chính mình, họ sẽ đánh giá chúng. Những người này không bảo thủ, không cố chấp với quan điểm của mình nếu nhận ra mình đã nghĩ sai. Họ cũng không ngại đối mặt nhiều lần với những lỗi sai kiểu như vậy, không dằn vặt trách móc bản thân quá nhiều vì họ hiểu rằng ai cũng trải qua chuyện tương tự.

Người trưởng thành về cảm xúc cũng khá thực tế, không hay để bụng. Họ sẽ không quy kết rằng người khác cố tình làm tổn thương họ hay cố tìm lý do tại sao đối phương lại làm như vậy. Họ cũng thẳng thắn và thành thật khi nói chuyện với người khác và với chính mình. Phần lớn những mâu thuẫn mọi người gặp phải ngày nay đều liên quan đến giao tiếp. Người trưởng thành về cảm xúc sẽ không che giấu vì thể diện mà sẵn sàng thẳng thắn với đối phương nói ra những gì mình nghĩ và cũng tìm cách hỗ trợ người khác làm điều tương tự.

4. Người trưởng thành về cảm xúc tôn trọng chính bản thân mình

Hiểu được cảm xúc của mình, biết mình sai ở đâu và biết những gì đối phương có thể nghĩ, người trưởng thành về cảm xúc sẽ đối chiếu những phát hiện này với giá trị và giới hạn của chính họ.

Mình có đang ngược đãi những nguyên tắc mình từng đặt ra không? Đối phương có đang vượt quá giới hạn của mình không? Mình muốn giới hạn đến đâu và làm cách nào để duy trì nó? Tất nhiên để trả lời được những câu hỏi này, bạn cần biết giới hạn và giá trị của mình là gì đã.

Người trưởng thành về cảm xúc thường xuyên nghĩ về giá trị của bản thân và luôn cố gắng để duy trì, phát huy chúng.

5 tín hiệu báo một người đã trưởng thành: Điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thân xác người lớn và những người biết tự chủ cảm xúc - Ảnh 3.

5. Người trưởng thành về cảm xúc biết chịu trách nhiệm

Thay vì đổ lỗi, họ biết chịu trách nhiệm mặc dù lựa chọn này đồng nghĩa với nhiều rủi ro hơn.  Cuộc sống đầy ắp những con người, sự kiện mà chúng ta không thể kiểm soát. Trưởng thành về cảm xúc là khi bạn biết tận dụng những gì bạn có thể và chấp nhận những gì bạn không thể kiểm soát.

Trưởng thành về cảm xúc là khi bạn liên tiếp đối mặt với những thay đổi, biến cố mới và bạn cần học cách đối diện và thấu hiểu cảm xúc của chính mình. Bạn cũng nhớ rằng mình là một phần nhỏ bé giữa thế giới đầy những bất trắc, bất kể điều gì xảy ra bạn cũng biết cách đối phó với chúng. Chỉ cần bạn làm được điều này, dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn cũng đã trưởng thành.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM