5 "không" giúp tân cử nhân thoát khỏi tình trạng thất nghiệp

11/07/2017 10:50 AM | Sống

Kết quả học tập tốt, bảng điểm đẹp với tấm bằng hạng cao... bạn luôn tự tin cho rằng có những thứ đó thì đương nhiên mình "biết tuốt". Điều này nhiều khi dẫn đến thái độ tự tin "quá đà" mà quên mất rằng lý thuyết chỉ mãi là lý thuyết nếu bạn không vận dụng nó vào thực tiễn.

Không bỏ qua kì thực tập

Năm cuối, sinh viên sẽ có kì thực tập nhưng dường như sinh viên đang xem nhẹ, hời hợt với việc thực tập và chỉ làm cho có hình thức. Chính vì lý do này sinh viên đã bỏ qua cơ hội học việc, áp dụng những điều đã học vào công việc đúng chuyên ngành của mình. Bởi vậy các bạn cần đánh giá đúng tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thực tập. Đây được xem là cầu nối giữa việc lựa chọn nghề nghiệp và trải nghiệm việc làm trong môi trường thực tế.

Sinh viên có thể chủ động liên hệ với các công ty hoặc bộ phận nhân sự của công ty nơi mình cảm thấy phù hợp để xin thực tập tại đó. Và các bạn nên có kế hoạch trước khi đến công ty thực tập để quan sát, học hỏi những người có kinh nghiệm trong nghề cũng như nắm rõ đặc điểm môi trường làm việc. Tất cả những điều này đều sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình xin việc!

Không lo lắng thái quá

Bạn nghe nhiều và cũng nhìn thấy từ thực tế, rất nhiều cử nhân ra trường nhưng vẫn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Có lẽ vì thế mà, bước chân vào giảng đường đại học, chưa kịp tận hưởng không khí sinh viên với những ngày tháng học tập bên bạn bè, những hoạt động ngoại khóa thú vị... bạn lại luôn trong tâm trạng lo lắng, liệu ra trường có xin được việc không?

Nếu muốn có được thành công, muốn có cho mình một công việc tốt, ổn định lâu dài thì bạn phải tránh xa căn bệnh "lười biếng"

Sự thật là, không phải cứ lo lắng là giải quyết được vấn đề, điều quan trọng là bạn hành động thế nào. Thay vì suốt ngày nghĩ ngợi, hoang mang, hãy tự nâng cao kiến thức của bản thân, trau dồi các kĩ năng mềm... Những điều này sẽ có ích hơn rất nhiều trong quá trình xin việc sau này của bạn. Vậy nên, đừng phí thời gian để thắc mắc vào việc tương lai, điều cần lúc này là bạn hãy học tập, rèn luyện hết sức mình ngày hôm nay.

Không ảo tưởng sức mạnh

Kết quả học tập tốt, bảng điểm đẹp với tấm bằng hạng cao... bạn luôn tự tin cho rằng có những thứ đó thì đương nhiên mình "biết tuốt". Điều này nhiều khi dẫn đến thái độ tự tin "quá đà" mà quên mất rằng lý thuyết chỉ mãi là lý thuyết nếu bạn không vận dụng nó vào thực tiễn. Và trong quá trình làm việc ngoài kiến thức bạn cũng cần phải linh hoạt, phát triển kĩ năng mềm nữa.

Bởi lẽ đó, đừng vội ỷ vào những kiến thức mà mình đã học, tự tin về ngôi trường mình đã tốt nghiệp... nhà tuyển dụng đánh giá nhân sự ở khả năng thực tế, hiệu quả công việc chứ không phải những tấm bằng, chứng chỉ đang được xếp ở kho hồ sơ.

Không sợ thất bại

Bước chân ra khỏi giảng đường đại học, bắt đầu một hành trình xin việc, mọi thứ không đơn giản như bạn nghĩ. Công việc đúng chuyên ngành thì cạnh tranh cao hoặc mức lương không phù hợp. Thu nhập ổn định một chút thì lại trái ngành trái nghề. Và quan trọng là bạn có thể sẽ gặp thất bại trong công cuộc đầu tiên của mình. Nguyên nhân của việc này có thể đến từ bạn, từ sếp, từ môi trường xung quanh... Nhưng cũng đừng quá buồn và thất vọng nếu điều đó xảy ra, cái gì cũng có hai mặt.

Nhà tuyển dụng đánh giá nhân sự ở khả năng thực tế, hiệu quả công việc chứ không phải những tấm bằng, chứng chỉ đang được xếp ở kho hồ sơ

Sau thất bại ít nhất bạn có thể trả lời cho "n" câu hỏi vì sao của mình. Vì sao bạn chưa hòa hợp được với đồng nghiệp? Vì sao bạn cố gắng làm rất nhiều nhưng không nhận được sự công nhận của cấp trên?... Và tin tôi đi, lần thất bại này sẽ cho bạn những bài học, những trải nghiệm thực tế giúp ích cho quá trình làm việc về sau.

Không lười biếng

Sau tất cả, nếu muốn có được thành công, muốn có cho mình một công việc tốt, ổn định lâu dài thì bạn phải tránh xa căn bệnh "lười biếng". Trong quá trình học tập cũng như làm việc, tân cử nhân cần phải chủ động học hỏi, nâng cao kĩ năng cho bản thân để thích nghi với môi trường công việc. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ điều gì. Bản thân không chiến thắng được sự lười biếng, ỷ lại của chính mình thì bạn sẽ thua cuộc ở mọi "mặt trận" chứ không riêng gì vấn đề tìm kiếm việc làm. Hãy luôn nhớ "Trên con đường thành công không có dấu chân của người lười biếng"nhé các tân cử nhân!

Theo HangCham

Cùng chuyên mục
XEM