5 "căn bệnh nghề nghiệp" là nỗi ám ảnh của dân văn phòng, ngồi trước máy tính cả ngày thì khó tránh
Vì tính chất công việc bận rộn và phải tiếp xúc với máy tính nhiều, ít vận động, hầu hết dân văn phòng đều mắc phải 5 “bệnh nghề nghiệp” này.
Trong xã hội có nhịp sống gấp gáp như hiện nay, mọi người đều vất vả làm việc vì mưu sinh, nuôi gia đình. Phải đảm đương một lượng lớn công việc trong thời gian dài khiến nhiều nhân viên “bệnh tật khắp nơi” dù vẫn còn trẻ.
Người ta gọi những căn bệnh này là “bệnh nghề nghiệp của dân văn phòng”. Vậy, bệnh thường thấy ở dân văn phòng là những bệnh nào? Trong sinh hoạt hằng ngày có cách nào để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh?
Thoái hóa đốt sống cổ
Đối với dân văn phòng, khoảng ⅓ thời gian trong ngày đều ngồi tại bàn làm việc. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có thói quen ngồi gù lưng, khiến đốt sống cổ cúi về phía trước trong thời gian dài, khác với hình dạng vốn có của đốt sống cổ bình thường, lâu dần dễ dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ.
Cần lưu ý nếu thấy phần cổ cứng đơ, hoặc phát ra tiếng động khi lắc cổ, đây có thể là một số dấu hiệu của bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Các bệnh về đường tiêu hóa
Có thể nói bệnh về đường tiêu hóa là bệnh thường gặp nhất ở những người làm văn phòng. Vì công việc bận rộn, dân văn phòng thường ăn uống qua loa, có khi ăn quá no có khi lại nhịn đói, còn thường ăn thức ăn bán bên ngoài không đảm bảo sức khỏe. Chính thói quen ăn uống thiếu lành mạnh này đã gây hại cho đường tiêu hóa, dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa thường gặp ở dân văn phòng như: viêm dạ dày, loét dạ dày, táo bón,...
Gan nhiễm mỡ
Ăn uống không điều độ, tiệc rượu xã giao, thường xuyên ăn đêm là tình trạng chung của đa số dân văn phòng hiện nay, bên cạnh đó hầu hết đều ít vận động, rèn luyện thể thao. Ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ lâu dài, lại không vận động để tiêu hao chúng, dần dần sẽ khiến mỡ tích tụ lại trong cơ thể, từ đó sinh ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Suy giảm thị lực
Dân văn phòng mỗi ngày đi làm đều gắn liền với máy tính, tuy giúp nâng cao hiệu suất công việc nhưng mỗi ngày nhìn màn hình máy tính 8 tiếng, thậm chí có khi lâu hơn sẽ gây hại cho mắt. Màn hình máy tính quá chói, thêm vào đó các tia sáng này lại có tính bức xạ, thế nên một số người sẽ cảm thấy cộm, khô mắt sau vài giờ làm việc.
Cứ như thế sẽ khiến đôi mắt “mệt mỏi”, thị lực giảm xuống đáng kể. Số lượng người “bốn mắt” cũng tăng mạnh vì nguyên nhân này.
Tóc rụng, da dị ứng
Tóc rụng quá nhiều là một trong những vấn đề gây đau đầu nhất cho dân văn phòng. Công việc bận rộn, áp lực lớn, trạng thái tinh thần căng thẳng, phải tập trung suy nghĩ quá nhiều,... là các nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng rụng tóc bất kể độ tuổi hay giới tính. Nghiêm trọng hơn nếu tình trạng này kéo dài dễ tạo thành nguy cơ hói đầu.
Khi bật màn hình máy tính sẽ hình thành một trường tĩnh điện xung quanh, hút hầu hết bụi bẩn lơ lửng trong không khí của cả phòng làm việc vào đó. Vì chúng ta tiếp xúc gần với máy tính nên làn da sẽ bị kích ứng, đặc biệt là phần da mặt. Nhẹ thì làm khô da, sạm màu, nặng sẽ dẫn đến dị ứng, nổi mẩn ngứa.
Các biện pháp phòng tránh “bệnh nghề nghiệp” thường gặp ở dân văn phòng
1.Khi làm việc, phải chú ý điều chỉnh tư thế ngồi phù hợp, đồng thời nên kết hợp một số động tác vận động cơ nhẹ nhàng vào giờ nghỉ. Chẳng hạn như thỉnh thoảng lắc cổ để xương khớp hoạt động, ngồi 1-2 tiếng lại đứng lên đi lại vài phút,...
2. Nếu có thời gian, tốt nhất hãy tự nấu cơm mang đến công ty. So với các loại thức ăn ngoài thiếu vệ sinh, cơm nhà tự nấu sạch sẽ và đầy đủ dinh dưỡng hơn nhiều. Ngoài ra, đừng nên hy sinh thời gian ăn cơm để làm việc, không ăn uống qua loa, phải ăn chậm nhai kỹ, ăn nhiều thực phẩm thanh đạm dễ tiêu hóa như rau củ, trái cây.
3. Khi làm việc, ánh sáng trong phòng phải tương đương với độ sáng của màn hình máy tính, giữ mắt cách màn hình ít nhất 70cm. Ngoài ra, để bảo vệ đôi mắt, tốt nhất cứ làm việc 1 tiếng mọi người nên tạm ngừng, phóng tầm mắt ra xa vài phút, nhìn vào cây cối màu xanh để mắt đỡ mỏi, cũng có thể kết hợp các bài tập rèn luyện giãn nở nhãn cầu.
Bên cạnh đó, nếu lượng nước mắt và tear film (lớp màng mỏng phía trước giác mạc cấu tạo gồm 3 lớp: lớp dầu, lớp nước và lớp nhầy) ổn định, không nên dùng nước nhỏ mắt thường xuyên. Vì thông thường nước nhỏ mắt có chứa chất bảo quản, sử dụng lâu dài sẽ tổn thương kết mạc.
4. Để giảm tình trạng rụng tóc, nhân viên văn phòng cần học cách tự điều chỉnh bản thân, tìm ra phương pháp giải tỏa áp lực, chú ý cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, đừng thức khuya và hãy tập dậy sớm, chăm sóc vệ sinh cá nhân.
Về vấn đề da dị ứng, hãy đặt một chậu xương rồng nhỏ trên bàn làm việc vì gai xương rồng có khả năng hút bụi bẩn. Bên cạnh đó, nên thường xuyên mở cửa sổ thông gió, giữ bàn phím máy tính sạch sẽ, sau khi đánh máy nên rửa tay trước rồi mới ăn cơm, khi không dùng máy tính nữa cần lấy khăn phủ lên bàn phím để hạn chế bụi bẩn bám lên da mặt.
Nguồn Sohu