5 bài học từ những doanh nhân đã bán công ty của mình với giá 29 tỷ USD

05/09/2021 17:00 PM | Công nghệ

Square đã mua lại Afterpay với giá 29 tỷ USD, trở thành thương vụ M&A lớn nhất lịch sử doanh nghiệp Australia.

Trong thế giới hiện đại với nhịp độ cuộc sống vô cùng hối hả thì sự tiện lợi là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề.

Đón nhận xu hướng đó, Nick Molnar và Anthony Eisen, người Australia, đã tạo ra Afterpay vào năm 2014 để cung cấp cho khách hàng một phương thức mua hàng hiệu quả và độc đáo. Với hình thức “mua trước, trả sau”, người dùng mua sắm sẽ thanh toán bằng hình thức trả góp không lãi suất, giúp tránh phải chi tiêu số tiền lớn ngay lập tức và trả các khoản phí tín dụng không hề dễ chịu. Thành công của Afterpay gần đây đã lọt vào “mắt xanh” của Square, một công ty dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ giúp mọi người mua, bán và gửi tiền một cách tiện lợi bằng thiết bị di động, cho phép các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Nhận thấy có những điểm chung giữa hai bên, Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập Twitter và sáng lập Square, đã tiến hành một thương vụ được cho là đôi bên cùng có lợi bằng việc Square mua lại Afterpay với một mức giá “không tưởng” - 29 tỷ USD.

Đây là một giao dịch có một không hai, trở thành thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử Australia. Và đằng sau thành công lớn bậc nhất của Afterpay chính là 5 bài học mà các doanh nghiệp khác có thể tham khảo:

1. Tạo ra sản phẩm riêng biệt

Trở lại năm 2014, Molnar và Eisen nhận thấy khó khăn của mọi người trong việc thực hiện các giao dịch có giá trị lớn. Đây là căn cứ để họ phát triển một loại hình thanh toán theo quy trình thanh toán trả góp. Thực tế là, Afterpay đem lại một bước cải tiến mới trong quy trình thanh toán và trở thành một thương hiệu riêng biệt trong lĩnh vực fintech.

Hiện tại, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, việc không sẵn tiền trong tài khoản là một thách thức lớn đối với người dân đồng thời nhu cầu ngày càng tăng đối với các giao dịch trực tuyến, không tiếp xúc đã khiến cho hệ thống “mua trước, trả sau” trở nên vô cùng tiện lợi. Với vai trò là thương hiệu tiên phong, Afterpay nắm giữ lợi thế vững chắc khi thấu hiểu rõ rệt nhu cầu của khách hàng và phát triển quy trình một cách hiệu quả, bất chấp thách thức đến từ các kế hoạch tài chính tương tự đang được các ông lớn như Apple hay Goldman Sachs dự kiến tung ra.

Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm riêng của mình và trở nên nổi bật ngay từ đầu để đối mặt với khả năng thị trường trở nên quá bão hòa khi các tập đoàn lớn hơn tham gia và nắm vai trò thống trị.

5 bài học từ những doanh nhân đã bán công ty của mình với giá 29 tỷ USD - Ảnh 1.

Hai đồng sáng lập Afterpay: Nick Molnar (trái) và Anthony Eisen. Ảnh: Afterpay

2. Có một thị trường ngách

Bên cạnh việc tạo ra một sản phẩm riêng biệt trong lĩnh vực fintech, Afterpay còn tiến xa hơn bằng cách tạo ra một thị trường ngách cụ thể. Trong khi dịch vụ thanh toán có thể cho phép khách hàng mua trả góp vô số mặt hàng khác nhau, Afterpay bắt đầu tập trung vào các sản phẩm thời trang, sắc đẹp và sức khỏe. Doanh nghiệp không chỉ thực thi một cách chiến lược khi tập trung vào một ngành có tần suất mua hàng cao mà còn thu hút ngày càng nhiều khách hàng hơn tham gia thị trường ngách này và sử dụng sản phẩm của công ty.

Mặc dù một nền tảng toàn diện có vẻ hiệu quả nhất trong việc thu hút một lượng lớn người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ trở nên quá rộng, khiến cho sự chú ý không lớn. Sẽ có lợi hơn nếu quảng cáo theo một thị trường ngách để nhắm mục tiêu đến một đối tượng cụ thể có khả năng tham gia thị trường cao.

3. Trở thành một tiện ích thật sự đối với khách hàng

Tính năng tiết kiệm tiền của Afterpay đặc biệt thu hút khách hàng mới, một tài sản vô giá giúp công ty trở nên nổi bật. Vì sứ mệnh của doanh nghiệp là phục vụ người dùng, đặt sự tiện lợi và lợi ích kinh tế lên hàng đầu, nên dịch vụ có tác động tích cực đến từng khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp khác có thể học hỏi từ ví dụ này, định hình nền tảng của họ để phục vụ cụ thể cho công chúng và ưu tiên nhu cầu và mong muốn của từng khách hàng. Bất kể doanh nghiệp của bạn kinh doanh về cái gì thì khách hàng vẫn phải là người đầu tiên được hưởng lợi và nhiệm vụ của bạn là làm sao tiếp cận được khách hàng và luôn sẵn sàng để phục vụ.

Hơn nữa, vì Afterpay đến từ Australia và Square thuộc về Mỹ, quan hệ đối tác giữa hai bên đóng góp một vai trò quan trọng trong việc cải thiện dịch vụ khách hàng bằng cách không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận mà còn cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm hơn, tăng khả năng tiếp cận ở phạm vi toàn cầu. Mặc dù Afterpay đã có mặt ở Mỹ từ năm 2018, nhưng việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh và quan hệ đối tác ở nước ngoài luôn là điều khôn ngoan vì nó mang lại lợi ích chung và lượng người dùng cho cả hai bên.

4. Xây dựng “tính cách riêng” cho thương hiệu

Dấu ấn thương hiệu riêng biệt là một trong những điều đầu tiên mà khách hàng nhận thấy trong tiềm thức về một thương hiệu. Những đặc điểm này không chỉ giúp công ty trở nên nhân văn và dễ được chào đón hơn mà còn thu hút đối tượng mục tiêu sở hữu những đặc điểm tính cách tương tự.

Afterpay thể hiện là một thương hiệu theo xu hướng vui nhộn, tươi mới, trẻ trung và khách hàng ngay lập tức có thể nhận ra thương hiệu theo đặc điểm này. Công ty có tính biểu tượng cao về dẫn đầu các xu hướng đồng thời là thương hiệu khá hấp dẫn đối với đối tượng là những khách hàng trẻ tuổi, đặc biệt là những người mới độc lập về tài chính.

Đây được coi là một hình thức đổi mới trong định vị thương hiệu, góp phần vào hình ảnh mới mẻ mà doanh nghiệp mong muốn thể hiện. Nhiều thương hiệu lớn cũng thực hiện điều tương tự như vậy. Ví dụ, Starbucks tập trung vào tính cách trẻ trung, giàu năng lượng và Nike thể hiện là một thương hiệu mang tính cách năng động và thể thao. Do đó, có một cá tính rõ ràng và hấp dẫn là điểm rất quan trọng để giúp thương hiệu của bạn nổi bật và thu hút một số lượng người tiêu dùng cụ thể.

5. Có một chiến dịch tiếp thị tuyệt vời

Tiếp thị là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của bất kỳ doanh nghiệp nào. Tiền thân là một doanh nghiệp nhỏ ở Sydney và mô hình thanh toán lại đem từ nước ngoài về, việc lan tỏa rộng rãi ra công chúng của Afterpay là một phần quan trọng của kế hoạch tiếp thị. Sau khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để phát triển thương hiệu của mình, Afterpay đã tìm cách đưa hoạt động tiếp thị của mình lên một tầm cao mới bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín trong ngành thời trang và làm đẹp.

Việc hợp tác với các thương hiệu như KKW Beauty and Urban Outfitters của Kim Kardashian đã mang lại vô số lợi ích, khi một lượng lớn khách hàng của Afterpay là khán giả hai thương hiệu trên. Rất nhiều người đã trở thành khách hàng trung thành với Afterpay sau khi phát hiện có thể mua đồ của các thương hiệu họ yêu thích trên nền tảng này với giá rẻ hơn.

Gần đây, nữ diễn viên Rebel Wilson trở thành người phát ngôn trong quảng cáo lớn nhất của Afterpay từ trước cho đến nay, khuyến khích người hâm mộ của cô ủng hộ công ty. Do đó, quan hệ đối tác thương hiệu và sự xuất hiện của người nổi tiếng có lợi rất nhiều trong việc định vị thương hiệu doanh nghiệp và thúc đẩy doanh số.

Câu chuyện thành công của Afterpay là một ví dụ điển hình về cách các doanh nhân có thể thành lập một công ty chỉ từ một ý tưởng đơn thuần và đưa công ty đó trở thành một thương hiệu lớn có tầm cỡ toàn cầu.

Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM