Peloton: 5 năm từ số 0 thành kỳ lân tỷ USD của ngành kinh doanh xe đạp công nghệ
Ngày nay, công việc bận rộn khiến người ta dành ít thời gian hơn cho việc tập thể dục. Trong bối cảnh dịch Covid -19 hoành hành hơn hai năm qua, tập luyện thể dục thể thao trở nên khó khăn hơn rất nhiều; đặc biệt, việc có được sự hướng dẫn của giáo viên là gần như không thể. Chính hoàn cảnh như vậy đã giúp Peloton – một start – up về ứng dụng công nghệ vào các loại máy tập đã trở nên nổi bật và có sự phát triển vượt bậc trong hơn 1 năm qua.
Peloton là startup được thành lập vào năm 2012, khi hai nhà sáng lập John Foley và Tom Cortese nhận thấy việc ứng dụng công nghệ vào các loại máy tập có thể giúp những người ít thời gian tập luyện với giáo viên mà không cần phải đến lớp.
Một tháng sau khi thành lập, công ty nhanh chóng thu hút được 400.000 USD tiền đầu tư và vào cuối năm, con số này đã lên tới 3,5 triệu USD. Sau khi được đầu tư một số lượng vốn khổng lồ, năm 2013, Peloton bán chiếc xe đạp công nghệ đầu tiên trên Kickstarter với giá 1.500 USD (khoảng 34 triệu đồng) và được sự đón nhận khá nồng nhiệt từ khách hàng. Nhờ đó, tới năm 2017, công ty tiếp tục huy động được số vốn kỷ lục 325 triệu USD, đưa định giá Peloton lên tới 1,25 tỷ USD vào thời điểm này. Công ty bắt đầu mở rộng kinh doanh sang một số nước khác như Úc, Canada... Năm 2019, họ chính thức trở thành công ty đại chúng thông qua việc IPO, thu về 1,16 tỷ USD.
Ảnh: AP News
Doanh thu chính của Peloton tới từ việc bán những chiếc xe đạp và máy chạy công nghệ kèm theo những loại giày dép, quần áo và dụng cụ được sử dụng trong việc tập luyện. Nếu như giá xe đạp của họ tương đối cao (một chiếc Bike + có giá 2,495 USD (khoảng 55 triệu đồng), trong khi một chiếc Bike thông thường cũng có giá tới 1.895 USD (43,5 triệu đồng)), thì giá các loại đồ dùng phụ kiện kèm theo của họ tương đối "mềm" và phù hợp với số đông người tập thể thao tại nhà. Họ bán cả giày dép, trang phục, dụng cụ đo nhịp tim, tai nghe.... nhằm đáp ứng trải nghiệm tập tốt nhất cho khách hàng.
Peloton cung cấp những chiếc xe đạp thông minh với mức giá tương đối cao (Ảnh: Peloton)
Tuy nhiên điểm mấu chốt trong chiến lược kinh doanh dài hạn của công ty này là phần mềm hướng dẫn tập luyện của họ, vốn giúp tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển tới những lớp học vốn không dành cho người bận rộn.
Peloton bán cho người tiêu dùng hai gói thành viên thu phí hàng tháng – đây chính là nguồn thu nhập chủ yếu của họ. Với gói thành viên kỹ thuật số trị giá 12,99 USD/ tháng, người dùng sẽ được truy cập vào các lớp học trực tuyến và theo yêu cầu của nhiều môn thể thao, bao gồm đạp xe, chạy, yoga...Gói này sẽ giúp các thành viên của Peloton học được những động tác chính xác từ các giáo viên chất lượng cao theo mong muốn của họ mà không cần phải bỏ thời gian lái xe tới các trung tâm tập luyện.
Gói thành viên còn lại với giá tiền lên tới 39 USD/ tháng bên cạnh việc mang lại toàn bộ tính năng của gói kỹ thuật số còn đem lại cho người dùng bộ chỉ số đầy đủ (bao gồm nhịp, lực cản, khoảng cách, nhịp tim, cùng với theo dõi hiệu suất chi tiết) trên các sản phẩm xe đạp và máy chạy của Peloton.
Có thể thấy, các ứng dụng hỗ trợ này chính là điểm khác biệt của Peloton đối với những công ty sản xuất xe đạp và máy chạy truyền thống. Nhờ vào việc bán ứng dụng mà họ có được nguồn thu tương đối ổn định từ các khách hàng, bên cạnh việc bán những sản phẩm mà thị trường đã xuất hiện từ nhiều năm nay.
Ứng dụng của Peloton đem lại cho họ hơn 350 triệu USD trong năm 2020 (Ảnh: Peloton)
Năm 2020, họ đạt doanh thu lên tới 1,825 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2019. Trong đó doanh thu từ các thiết bị đồ dùng đạt 1,462 tỷ USD (chiếm 80% doanh thu), còn lại là doanh thu tới từ việc thu phí thành viên.
Doanh thu tăng trưởng của công ty đã cho thấy chiến lược kinh doanh tương đối hợp lý; đồng thời, họ cũng giảm được khoản lỗ sau thuế từ 195,4 triệu USD năm 2019 xuống chỉ còn 61,7 triệu USD. Tính tới hết tháng 6 năm 2021, Peloton sở hữu 5,9 triệu người sử dụng, trong đó tới 92% vẫn tiếp tục sử dụng ứng dụng của họ 12 tháng sau khi cài đặt; doanh thu của họ đạt 931 triệu USD, vượt dự báo của một số chuyên gia.
Những con số tương đối tốt tính tới hết quý 2/ 2021 của Peloton (Ảnh: Peloton)
Tuy nhiên, chiến lược đầu tư của họ bắt đầu gặp một số vấn đề trong năm 2021 này, kể từ khi chiếc máy tập Peloton gây ra cái chết cho một trẻ em và chấn thương cho nhiều khách hàng khiến họ chịu sự điều tra của các cơ quan tại Hoa Kỳ.
Đồng thời, việc đại dịch kết thúc khiến tốc độ tăng trưởng của họ bắt đầu chậm lại; các nhà kinh tế đánh giá việc nhiều phòng tập mở cửa trở lại sẽ tác động mạnh mẽ đến Peloton trong thời gian tới, cả trên phương diện số lượng máy tập bán được cũng như số lượng người mua gói tập hàng tháng trên ứng dụng.
Điều này cho thấy để tiếp tục tăng trưởng doanh thu, số tiền trong thời gian tới mà Peloton phải bỏ ra, cả về mảng quảng cáo lẫn nâng cấp máy tập và ứng dụng là không hề nhỏ. Trước máy, họ đã giảm giá chiếc xe đạp công nghệ của mình xuống còn 1.495 USD (giảm 20% so với giá cũ), đồng thời đưa ra các gói dùng thử đối với ứng dụng nhằm giúp tăng số lượng người dùng trong thời gian tới. Dù vậy, từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu của họ giảm khoảng 15,73%, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang quan ngại về cách công ty hoạt động sau khi dịch Covid – 19 chấm dứt.
Giá cổ phiếu của Peloton giảm mạnh kể từ đầu năm
Có thể thấy, Peloton đã đưa ra một giải pháp rất sáng tạo cho những người có nhu cầu tập thể dục với huấn luyện viên trong thời gian dịch bệnh, nhờ đó đưa công ty lên một tầm cao mới trong năm 2020. Tuy nhiên, họ sẽ phải điều chỉnh rất nhiều chính sách kinh doanh của mình để có thể bắt kịp với việc các chuỗi phòng tập trở lại; đây sẽ là đối thủ chính và việc thay đổi sẽ ảnh hưởng tới sự sống còn của Peloton trong tương lai.