40 tuổi mới nhận ra, 5 hành vi chi tiêu tưởng là bình thường, nhưng thực chất hoàn toàn không cần thiết
Ở độ tuổi này, bạn có thể nhìn nhận sự việc bên ngoài một cách minh bạch và rõ ràng hơn. Từ đó, bạn nhận ra, mình đã mắc kẹt trong chủ nghĩa tiêu dùng quá lâu. Có những thứ bạn nghĩ mình “bắt buộc” phải tiêu dùng thực ra lại là những khoản chi tiêu không cần thiết.
Nếu không dư dả về tài chính, bạn thực sự nên cân nhắc tới 5 điều sau đây.
1. Không cần dốc hết tiền bạc để trang trí ngôi nhà "đầu tiên"
Khi còn trẻ, sở hữu một ngôi nhà đầu tiên cho riêng mình, chúng ta khó có thể kìm chế mong muốn được dốc sức để trang trí đúng ý, thoải mái nhất có thể. Ý tưởng này rất tích cực nhưng hãy cân nhắc chi phí thật phù hợp, tránh tốn kém quá nhiều.
Trước hết, nếu ngôi nhà đầu tiên không nằm gần trường học thì khả năng cao là sau khi có con và kinh tế tốt hơn, bạn sẽ cân nhắc thay thế hoặc mua căn nhà thứ hai. Vào thời điểm này, căn nhà đầu tiên sẽ được bán hoặc cho thuê. Lúc này, hoặc là bạn phải tốn rất nhiều công sức để di chuyển đồ trang trí cho ngôi nhà mới, hoặc bạn phải chấp nhận bỏ lại và mua mới toàn bộ.
Thứ hai, ngay cả khi bạn không quan tâm đến vấn đề trường học, không gian sinh hoạt cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Có thể bạn sẽ có thêm em bé, hoặc đón cha mẹ lớn tuổi tới ở chung, hoặc cần thêm không gian để nuôi thú cưng chẳng hạn.
Vì vậy, hãy lập kế hoạch chi tiêu sao cho phù hợp, đừng "all-in" mọi thứ chỉ vì hai chữ "đầu tiên".
2. Không cần thiết phải mua một chiếc ô tô quá sang nếu bạn không có nhu cầu
Trừ khi bạn có nhu cầu kinh doanh hoặc có gia cảnh vững chắc, nếu không, thực sự không cần thiết phải mua một chiếc xe quá đắt tiền. Khi có ít tiền mà muốn mua xe đắt, bạn sẽ phải gồng mình làm lụng để phục vụ xe chứ không phải xe phục vụ người. Hơn nữa, xe càng đắt thì tiền sửa chữa, bảo dưỡng, nhiên liệu… cũng là một khoản phí không hề nhỏ.
Đối với những gia đình chỉ có nhu cầu đi lại bình thường, hãy lựa chọn dựa trên những tiêu chí như an toàn và thiết thực. Không cần phải bỏ ra số tiền quá lớn để sở hữu một chiếc xe có logo sang trọng chỉ nhằm mục đích "hãnh diện" với người ngoài.
3. Không cần chụp ảnh cưới quá tốn kém
Trong đời người, đám cưới là một dịp trọng đại và ai cũng mong muốn bản thân có một lễ kết hôn tuyệt vời nhất. Trong đó, ảnh cưới cũng là một vấn đề quan trọng, nhưng ngày càng nhiều người có xu hướng lựa chọn các gói chụp ảnh cưới phải chăng, chỉ chụp ảnh ở studio để mọi thứ diễn ra gọn lẹ và thoải mái hơn cho cả đôi bên.
Vì nếu chụp ngoại cảnh, đầu tiên cần lựa chọn địa điểm, sau đó lo thêm chi phí ăn uống, đi lại, thuê khách sạn… cho cả một đoàn người trong ekip chụp ảnh. Đó là chưa kể tiền thuê đồ cưới, tiền công, tiền rửa hình… Chụp ngoại cảnh cũng rất dễ làm bẩn váy cưới, phát sinh thêm chi phí giặt và làm sạch.
Cho nên, nếu không dư dả về vật chất, mọi người nên cân nhắc các khoản chi này. Thay vì in album hàng loạt, mọi người cũng chỉ chọn 2-3 tấm đẹp nhất để in và trưng bày trong ngôi nhà cho ấm cúng. Phần tiền tiết kiệm được sẽ chi tiêu cho những khoản khác sau đám cưới, chẳng hạn như đi trăng mật, mua sắm đồ đạc cho cuộc sống sau này.
4. Không cần dùng tiền để lấy lòng người khác
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người tin rằng tiền bạc có thể mua được tất cả, từ vật chất đến tình cảm. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng việc dùng tiền để lấy lòng người khác chỉ tạo ra những mối quan hệ bấp bênh, dễ tan vỡ. Khi một mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng tài chính, sự phụ thuộc vào tiền bạc trở thành yếu tố chính duy trì sự gắn kết. Nhưng nếu một ngày tiền bạc cạn kiệt, những mối quan hệ này cũng sẽ mất đi theo.
Một mối quan hệ bền vững phải dựa trên sự chân thành, lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Tiền bạc chỉ là phương tiện hỗ trợ, không thể là nền tảng chính. Những người đến với nhau vì tiền thường không thể cảm nhận được giá trị thực sự của tình cảm. Họ dễ dàng quay lưng khi lợi ích vật chất không còn, để lại sự trống rỗng và thất vọng cho những người thật lòng.
Ngược lại, những mối quan hệ không bị chi phối bởi tiền bạc thường bền chặt hơn. Chúng được xây dựng trên sự sẻ chia, thấu hiểu và tình cảm thật lòng. Những lúc khó khăn, chính tình cảm chân thành mới là nguồn động viên, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua sóng gió. Khi mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng này, tiền bạc chỉ là phụ trợ, không phải là yếu tố quyết định.
Vì vậy, không nên dùng tiền để lấy lòng người khác. Hãy để tình cảm và lòng chân thành làm nền tảng cho mọi mối quan hệ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được những mối quan hệ bền vững, đầy ý nghĩa và không bị lung lay bởi vật chất.
5. Không cần phải tốn tiền chỉ để giữ thể diện
Càng lớn càng nhận ra thể diện mua được bằng tiền đều là những "thể diện" vô giá trị.
Trước đây, nhiều người cảm thấy áp lực phải duy trì một hình ảnh hoàn hảo và thành công trước mắt mọi người nên có xu hướng tiêu tiền vào những thứ không cần thiết chỉ để giữ thể diện. Tuy nhiên, việc này không chỉ gây tốn kém mà còn không bền vững. Thực chất, những người thật sự hiểu và tôn trọng bạn sẽ không đánh giá bạn qua những thứ bề ngoài đó.
Nhân cách, lòng tốt và sự chân thành mới là những giá trị thật sự khiến người khác kính trọng bạn. Người ta sẽ nhớ đến bạn bởi cách bạn đối xử với họ, bởi sự tử tế, lòng nhiệt thành và những giá trị mà bạn mang lại, chứ không phải bởi bạn mặc áo quần đắt tiền hay lái xe sang trọng.
Sau khi hiểu thấu những điều này, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên thật sảng khoái, không còn gánh nặng và hành vi tiêu dùng của bạn cũng hợp lý hơn rất nhiều.