4 năm trước, sếp tổng Vietnam Airlines từng nói: Giá vé máy bay rẻ là tốt! Cạnh tranh là cách hữu hiệu để tăng trưởng
Trong một bài phỏng vấn, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh từng nói rằng tất cả đều có lợi khi xuất hiện các hãng hàng không giá rẻ.
Ngày 23/3, Vietnam Airlines đã gửi văn bản cho Bộ GTVT nhằm đóng góp ý kiến Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa. Theo đó, bên cạnh việc tán đồng với mức giá trần của Bộ GTVT, VNA còn đề xuất áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa. Đề xuất này vấp phải sự phản đối từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet.
Động thái đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines khá "dễ hiểu" khi đặt trong bối cảnh cạnh tranh giữa hãng này với Vietjet Air đã vô cùng khốc liệt. Thị phần nội địa của Vietnam Airlines trong vòng 5 năm qua giảm mạnh từ 70% xuống còn hơn 40%.
Trở lại câu chuyện của 4-5 năm trước, khi Vietnam Airlines vẫn là ông lớn nắm đến 70% thị phần bay trong nước. Khi đó, Tổng giám đốc kiêm CEO của Vietnam Airlines là ông Phạm Ngọc Minh đã chia sẻ quan điểm rất "khác" về việc cạnh tranh về giá trong ngành hàng không. Bài phỏng vấn được thực hiện bởi chuyên trang về hàng không IATA năm 2013.
Chúng tôi xin dịch lại chi tiết bài phỏng vấn này:
* PV: Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines hiện thế nào?
- Tình hình tài chính của chúng tôi (năm 2013 - PV) đang rất tốt và nó cũng đang được cải thiện qua mỗi năm. Chúng tôi rất may mắn khi chưa bao giờ chứng kiến thua lỗ mặc dù toàn ngành đã trải qua rất nhiều khủng hoảng khác nhau những năm gần đây. Năm 2013 Vietnam Airlines có lãi cao hơn một chút so với năm trước đó khoảng từ 6 - 7 triệu USD.
* Tốc độ tăng trưởng của Vietnam Airlines chủ yếu tới từ nhóm hành khách đi nghỉ dưỡng hay làm việc?
- Chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng. Mảng khách đi làm việc cũng đang tăng trưởng nhưng không thể bằng du lịch nghỉ dưỡng. Có một điều đáng chú ý là du lịch nội địa đang tăng trưởng nhanh hơn du lịch quốc tế.
* Vietnam Airlines đang tìm kiếm đối tác chiến lược để giúp hãng trở nên cạnh tranh hơn phải không?
- Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận. Vietnam Airlines cần phải phát triển thành một hãng vận chuyển quốc tế hùng mạnh. Một đối tác chiến lược trong dài hạn, tham gia vào Vietnam Airlines như một liên doanh sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên là điều nên làm.
Đó không nhất thiết phải là một đối tác trong SkyTeam. Chúng tôi đang tìm kiếm đối tác bên ngoài – hoặc bất kỳ nhà đầu tư nào đang cảm thấy hứng thú với hãng chúng tôi và chiến lược tăng trưởng.
Cũng không cần phải là một hãng hàng không khác. Điểm quan trọng là nhà đầu tư có thể giúp chúng tôi phát triển thành doanh nghiệp quốc tế có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Dĩ nhiên, nếu có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không là điều tốt, nhưng quan trọng hơn đó phải là một đối tác thật sự chuyên nghiệp. Họ sẽ cần mang tới những ý tưởng mới và giúp chuyển tải những giá trị cốt lõi của Vietnam Airlines.
* Vietnam Airlines gần đây đã đặt hàng rất nhiều máy bay mới. Chiến lược phát triển đội bay của hãng là gì?
- Đúng vậy. Vietnam Airlines đang thực hiện chương trình mở rộng và làm mới đội bay. Chúng tôi quyết định tập trung vào dòng máy bay cỡ nhỏ, một lối đi. Hiện tại chúng tôi có 50 chiếc Airbus A321s và dự định con số này sẽ tăng thêm 60 chiếc. Sau đó, chúng tôi cũng sẽ bổ sung thêm những máy bay động cơ turbo nhỏ để bay tới các đảo và sân bay xa.
Về máy bay thân rộng, chúng tôi quyết định phải trở thành người tiên phong. Thực tế chúng tôi đã đặt hàng Boeing 787s và cũng đã tiến hành thảo luận và tiến tới ký kết với đội ngũ Boeing để nâng cấp dòng 787-8 lên 787-9. Cho tới thời điểm này chúng tôi vẫn nghĩ rằng quyết định này là đúng đắn với Vietnam Airlines.
Chúng tôi cũng đã đặt hàng Airbus A350s - dòng máy bay lớn hơn 1 chút so với Boeing 787s. Tổng cộng đội bay thân rộng sẽ có 19 chiếc Boeing 787-9s và 14 chiếc Airbus 350s. Chiếc máy bay đầu tiên trong đơn hàng này đã được giao vào giữa năm 2015 và tổng đơn hàng sẽ được hoàn tất trong quý đầu tiên của năm 2019.
Như vậy, chúng tôi sẽ có 33 chiếc máy bay mới trong 3 năm – một kế hoạch đầy tham vọng. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp mang lại dịch vụ khách hàng tốt nhất ở Đông Nam Á. Ngoài ra, những chiếc máy bay mới cũng được thiết kế thân thiện với môi trường hơn và hiệu quả hơn vì vậy nó sẽ cắt giảm phần nào chi phí.
* Vậy những chiếc máy bay cũ thì sao?
- Chúng tôi sẽ làm mới đội bay sau 10 năm đưa vào khai thác. Nếu mới hoạt động được 5 năm thì vẫn có thể coi là mới nhưng khi đã được khai thác 10 năm thì cần phải đổi mới.
* SkyTeam ảnh hưởng thế nào đến chiến lược của Vietnam Airlines?
- Vietnam Airlines tham gia SkyTeam như một thành viên thuộc khu vực Đông Nam Á và chúng tôi đã có mối hợp tác rất tốt đẹp với các hãng hàng không trong SkyTeam. Tuy nhiên, chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm những liên minh hợp tác mới và những giá trị nó có thể mang lại cho Vietnam Airlines cũng như khách hàng của chúng tôi.
* Ông nghĩ sao về sự phát triển của những hãng hàng không giá rẻ trong khu vực?
- Hàng không giá rẻ nhìn chung sẽ mở rộng lượng hành khách trong toàn ngành, sẽ càng có nhiều người được bay hơn nhờ giá vé rẻ. Và tất cả các hãng hàng không sẽ được hưởng lợi từ đó bởi mọi người cùng có cơ hội được bay. Nó cũng giúp Vietnam Airlines để mức giá rẻ để tăng khả năng cạnh tranh.
Thử thách cho những hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ như Vietnam Airlines là việc làm sao có thể gắn bó với lĩnh vực này. Giải pháp là chúng tôi quyết định trở thành cổ đông chính của Jetstar Pacific. Điều này có nghĩa là chúng tôi có thể để chi nhánh này cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không giá rẻ trong khi Vietnam Airlines sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp hơn cũng như cung cấp đầy đủ dịch vụ.
* Liệu thị trường có thật sự đang chia thành các phân khúc theo cách đó hay không?
- Có thể lắm bởi nó giúp khách hàng dễ dàng nhận diện các đề xuất dịch vụ khác nhau. Vietnam Airlines cung cấp mạng lưới rộng lớn với tất cả lợi ích tới đến từ một hãng vận chuyển đầy đủ dịch vụ và là thành viên của SkyTeam. Kể cả những chuyến bay ngắn cũng vậy. Câu chuyện không chỉ là những chiếc bánh sandwich miễn phí mà là mạng lưới và giá trị gia tăng mà chúng tôi mang lại. Chăm sóc khách hàng tốt hay không là bạn có thể cung cấp sự kết nối tốt hay không.
* Trong tương lai, ông sẽ định vị Vietnam Airlines trong thị trường như thế nào?
- Tầm nhìn của chúng tôi trong dài hạn không phải là trở thành một hãng vận chuyển toàn cầu như British Airways hay AirFrance. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể chỉ phụ thuộc vào khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thị trường sẽ ngày một cạnh tranh hơn. Và đó là lý do tại sao chúng tôi phải đặt thêm những dòng máy bay chuyên chở khách quốc tế cho những hành trình dài. Chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia nhưng cũng sẽ quan tâm tới những điểm đến với hành trình dài hơn.
* Thách thức lớn nhất với chiến lược tăng trưởng của hãng là gì?
- Thách thức lớn nhất là sinh tồn. Thật không dễ dàng đối với một hãng hàng không trong một thị trường mở cửa và tự do. Chúng tôi phải đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định để đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm tới yếu tố con người bởi quan trọng là phải đoàn kết nếu muốn đạt được tầm nhìn chung.
Quý 4/2016, Vietnam Airlines lỗ 345 tỷ đồng khiến mức lợi nhuận cả năm 2016 chỉ còn 2.052 tỷ đồng. Tính đến tháng 6/2016, thị phần Vietnam Airlines chỉ còn 42,5% trong khi Vietjet Air là 41,5% và có nguy cơ bị vượt ngay trong năm 2017.