4 lưu ý để phòng Covid-19 khi quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết

06/02/2022 19:45 PM | Xã hội

Ths.BS. Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết sau kỳ nghỉ Tết, nhu cầu đi lại vô cùng lớn. Do đó, người dân nên chú ý phòng bệnh Covid-19 khi di chuyển.

Tết 2022 là Tết đặc biệt vì đại dịch Covid -19 vẫn hoành hành, số ca mắc trong các ngày Tết vẫn tiếp tục ở mức cao. Theo thống kê của Bộ Y tế, chiều 5/2 (mùng 5 Tết Nhâm Dần), Việt Nam ghi nhận thêm 12.170 ca nhiễm mới, trong đó 10 người nhập cảnh và 12.160 ca ghi nhận trong nước tại 58 tỉnh, thành phố. Trong đó, 7.235 ca được phát hiện trong cộng đồng.

Như vậy, số ca nhiễm tiếp tục tăng 574 ca so với ngày 4/2. Số ca nhiễm mới trong ngày trung bình 7 ngày qua là 11.192 ca.

Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm mới Covid-19 phát hiện trong ngày. Ngày hôm qua (5/2/2022), Hà Nội ghi nhận 2.778 ca mắc mới. Trong 7 ngày qua, Hà Nội có tổng cộng 19.345 F0, trung bình mỗi ngày tăng hơn 2.763 người nhiễm SARS-CoV-2.

BS Thy khuyến cáo trong tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong cả nước, người dân phải cẩn trọng trong việc phòng tránh Covid-19, nhất là khi lượng người đổ về các thành phố lớn để làm việc sau kỳ nghỉ lễ rất lớn.

Hơn nữa, với sự xuất hiện của biến thể Omicron, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sẽ rất cao. Do đó, người dân khi di chuyển về thành phố cần chú ý tuân thủ:

Thứ nhất: Bạn nên đảm bảo sức khỏe tốt trước khi quay trở lại thành phố làm việc. Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ như mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi, sốt, ho, đau - rát họng, bạn nên xét nghiệm Covid-19 trước khi tham gia giao thông và quay lại thành phố.

Thứ hai: Bạn nên lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp, ưu tiên phương tiện cá nhân và đảm bảo di chuyển an toàn. Bạn nên lên kế hoạch di chuyển trước để đảm bảo việc hạn chế tiếp xúc trên đường về.

Thứ ba: Không tụ tập đông người; nếu bạn cần phải đến nơi cộng cộng như bến tàu/xe, sân bay, cố gắng giữ khoảng cách tối thiểu là 1 – 2m, mang khẩu trang an toàn và sát khuẩn tay thường xuyên. Mang khẩu trang an toàn cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế: mang khẩu trang suốt trong quá trình di chuyển, chỉ tháo khẩu trang trong trường hợp ăn hoặc uống, không để tay đụng chạm vào mặt ngoài của khẩu trang, chỉ nên tháo khẩu trang bằng cách gỡ dây đeo.

Thứ tư: Không chủ quan dù bản thân đã tiêm đủ vắc xin hoặc đã từng nhiễm Covid-19. Bạn nên hạn chế giao lưu, tiếp xúc với người lạ, chỉ nên tiếp xúc trong phạm vi gia đình. Đồng thời, bạn nên cân nhắc việc tham gia các sinh hoạt tôn giáo, lễ hội diễn ra ở nơi đông người và nhắc nhở người thân cũng như những người xung quanh cùng tuân thủ để di chuyển an toàn.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc di chuyển bằng phương tiện công cộng làm gia tăng nguy cơ nhiễm và lây lan Covid-19. Vì vậy, khi người dân bắt buộc phải di chuyển đường dài trên các phương tiện công cộng cần nắm rõ một số quy tắc bảo vệ chung để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Cụ thể, đối với người cao tuổi, những người mắc các bệnh mạn tính nên hạn chế đi lại trong thời gian này vì đây là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Trong trường hợp phải đi lại, người dân nên tuân thủ nghiêm các nguyên tắc được khuyến cáo bởi Bộ Y tế như khai báo y tế theo quy định (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...); sử dụng khẩu trang đúng cách; giữ khoảng cách an toàn khi lên xuống phương tiện, khi xếp hàng chờ, khi ngồi trên xe; sát khuẩn tay thường xuyên.

Đặc biệt, người dân nên tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho, sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM