4 bài học đắt giá từ CEO PNJ Lê Trí Thông trên truyền hình

26/01/2022 10:02 AM | Kinh doanh

Kiệm lời nhưng sắc sảo, mỗi lần ông Lê Trí Thông - CEO PNJ - đặt câu hỏi hay thử thách cho ứng viên trên chương trình "Cơ hội cho ai? - Whose Chance?" là mỗi lần ông đưa ra những lời khuyên chân tình hay bài học thiết thực, đúc kết từ chính hành trình sự nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của mình.

Ông Lê Trí Thông - Phó Chủ Tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) đã ngồi "ghế sếp" chương trình thực tế về việc làm "Cơ hội cho ai? – Whose chance?" mùa 2 và 3.

Trên "ghế nóng", Sếp Thông khá kiệm lời. Mỗi câu hỏi, thử thách mà ông đặt ra, nghe qua tưởng chừng ngẫu hứng, nhưng rất sâu sắc và mang nhiều ẩn ý.

Dù là bất động sản tiền tỷ hay gói gia vị, thì người bán hàng đều phải tìm được ‘công tắc’ của riêng nó… "


4 bài học đắt giá từ CEO PNJ Lê Trí Thông trên truyền hình - Ảnh 1.

Ở tập 11 mùa 3, ứng viên Nguyễn Hòa, 24 tuổi, là một tư vấn viên Bất động sản tiềm năng với 3 năm kinh nghiệm, nhận được câu hỏi từ sếp Thông: "Với những người kinh doanh bất động sản khác, từ cảm nhận của mình, em thấy bản thân có điểm gì đặc biệt?"

Nữ ứng viên 9x cho rằng kết quả công việc phản ảnh rõ nhất sự khác biệt. Trong suốt hơn 3 năm làm kinh doanh bất động sản, cô đã sở hữu nhiều mối quan hệ khách hàng quan trọng, mang lại doanh số tốt cho công ty dù trải qua 2 năm dịch bệnh.

Tiếp tục thử thách ứng viên, vị Sếp hóm hỉnh và thông thái của PNJ hỏi: "Theo em, việc bán trang sức sẽ khác với bán hàng bất động sản như thế nào?"

Khẳng định đã bán được bất động sản, một sản phẩm giá trị lớn, cần nhiều niềm tin từ khách hàng, thì dù là sản phẩm, dịch vụ gì khác cũng bán được, Nguyễn Hòa tự tin có thể kinh doanh trang sức, chạm đến cảm xúc của khách hàng để tiêu thụ sản phẩm.

Lắng nghe những chia sẻ này, Sếp Lê Trí Thông thẳng thắn bày tỏ: "Điểm chạm" là điều đặc biệt quan trọng khi ta tiếp cận khách hàng. Dù cho bất động sản tiền tỷ hay gói gia vị, thì trong câu chuyện bán hàng, chúng ta phải tìm ra được ‘công tắc’ trong số các điểm chạm đó . Vậy công tắc của ngành trang sức nằm ở đâu, là điều mà một người bán hàng giỏi cần phải tư duy đầu tiên khi dấn thân vào con đường này. Thông thường các bạn bán hàng đến với anh hay có tâm lý: ‘Em đã từng bán bất động sản, bán ô tô thì cái gì em cũng bán được’ - Đó là một ảo tưởng.

Bất động sản tiền tỷ hay gói gia vị đều có những "điểm chạm" và "công tắc" riêng của nó, các điểm này không giống nhau giữa các ngành nên nếu ảo tưởng dùng chung "công tắc" một cách công thức thì sẽ không thể là một người bán hàng giỏi".

"Ở biên giới mới là nơi con người có nhiều năng lượng nhất"

Võ Thị Cẩm Thuyên, 26 tuổi, xuất hiện trong tập 5 mùa 3 là ứng viên tài năng được cả 6 sếp nhấn đèn xanh lựa chọn.

Trước khi đưa ra quyết định đầu quân về doanh nghiệp nào, Thuyên đã đặt câu hỏi dành cho sếp Thông: "Em đã quen với việc cộng tác tại các công ty startup, khi chuyển sang làm việc tại những tập đoàn lớn chắc hẳn sẽ trải qua giai đoạn Burnout (mất năng lượng - PV), với vai trò là nhà quản lý, lời khuyên của sếp dành cho em là gì?"

"Với ai cũng vậy, chuyển môi trường đều là thử thách. Thật ra ở "biên giới" mới là nơi em có nhiều năng lượng nhất, nơi em học được nhiều nhất. Còn nếu em ở trong biên giới thì đó là vùng an toàn, vùng thoải mái. Cá nhân anh sẽ đưa em đến các giới hạn đó và mỗi ngày anh sẽ đẩy cái giới hạn đó xa hơn. Nếu em ngã, sẽ có lưới để đỡ", Sếp Thông nói.

"Ở môi trường PNJ sẽ có kỷ luật, có văn hóa thành tích cao, nơi mọi người phải làm ra kết quả, nhưng ở đó cũng có rất nhiều yêu thương, mọi người xem nhau như thành viên của đại gia đình. Nên có những lúc chúng ta burnout thì em cứ "ngã" ra, sẽ có những vòng tay khác đỡ em, truyền năng lượng cho em đứng dậy và đi tiếp. Anh sẽ hướng dẫn cho em quản lý sự cân bằng giữa burnout và sự thoải mái trên biên giới, bởi nơi đó sẽ là nơi mà em trưởng thành nhiều nhất".

4 bài học đắt giá từ CEO PNJ Lê Trí Thông trên truyền hình - Ảnh 2.

"Khi em chứa quá nhiều thứ, em sẽ không thể nạp những thứ mới vào"

Đỗ Hoàng Bách, 26 tuổi, xuất hiện trong tập 8 mùa 3 là một ứng viên với khao khát khởi nghiệp cháy bỏng. Anh đã từng trải qua 2 startup trước đây với vai trò Founder và Co-Founder. Anh cũng là người trực tiếp lên ý tưởng, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, tìm kênh phân phối, marketing, sale cho chính sản phẩm đó.

Nam ứng viên cũng cho biết thêm, bản thân anh không giỏi về quản trị, tài chính và đó là lý do startup thất bại. Hoàng Bách cũng bật khóc khi hồi tưởng lại giai đoạn khởi nghiệp gian nan của mình, nhận ra những khiếm khuyết của bản thân và khát khao có được một người dẫn đường phù hợp.

Không đặt ra quá nhiều câu hỏi dành cho ứng viên, sếp Thông chỉ lặng lẽ quan sát, trao cho ứng viên một chiếc khăn giấy trong túi mình khi Bách đang khóc và sau đó đưa ra lời khuyên: "Anh quan sát em đang bị thiếu "độ rỗng", bên trong em đang bị "đầy". Ai cũng cần có một phần "độ rỗng" thì mới nhận thêm sự trưởng thành - như một chiếc cốc phải còn rỗng thì mới nhận thêm nước mới… Em còn chất chứa nhiều điều của quá khứ bên trong, nên nó đè em và làm em khóc. Khi em chứa quá nhiều thứ của quá khứ, em sẽ không thể nạp những thứ mới vào".

"Mình đi kiếm tiền hay tiền đi kiếm mình?"

4 bài học đắt giá từ CEO PNJ Lê Trí Thông trên truyền hình - Ảnh 3.

Tập 11 mùa 2 là cuộc đối đầu của cặp đôi ứng viên có lịch sử từng đi du học nước ngoài. Vì chủ đề tranh biện của 2 ứng viên có liên quan đến Lương và Cơ hội phát triển, nên sếp Thông đã đặt một câu hỏi khá thú vị dành cho cặp đối thủ xuất thân du học sinh: "Nếu được lựa chọn giữa bạn đi kiếm tiền và tiền đi kiếm bạn, thì bạn sẽ lựa chọn vế nào?".

Cả hai ứng viên sau đó đều lựa chọn cảm thấy thoải mái hơn trong việc đi kiếm tiền. Bởi như thế, họ cho rằng có thể chủ động, kiếm soát, quản lý nguồn tiền của bản thân, thay vì để tiền đi kiếm mình sẽ gặp những rủi ro nhất định, khó cân đối dòng tiền.

Cũng từng là 1 du học sinh tại Đại học Oxford (Anh) cách đây hơn 15 năm, sếp Thông chia sẻ chân thành với 2 ứng viên về bài học mà ông học được từ 1 tỷ phú ở châu Âu trước đó: "Mình đi kiếm tiền, nghĩa là "cơ bắp" mình phải khỏe, vì mình phải chạy theo đồng tiền. Nhưng "cơ bắp" của mình sẽ lão hóa dần theo tuổi tác, thời gian. Mình đi kiếm tiền nghĩa là đi săn bắt, hái lượm, ngày mưa hoặc ngày bị chấn thương thì sẽ bị "đói".

Còn tiền đi kiếm mình, giống như mình xây một cái nông trại, để rồi sau đó ngày nào mình cũng có trứng, có sữa. Nhưng trong giai đoạn đầu tiên thì mình chưa có ngay được, phải bỏ công tích lũy tài nguyên, học hỏi phương pháp để xây dần… Mỗi người sẽ có lựa chọn riêng cho cuộc đời của mình".

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM