3 quan điểm sai lầm khi diệt muỗi khiến muỗi 'khỏe' lên, sinh sôi tốt hơn

07/07/2023 22:00 PM | Sống

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2023 cả miền Bắc và miền Nam sẽ phải đối diện với dịch bệnh do muỗi gây ra. Dự báo Hà Nội sẽ trở thành tâm điểm của dịch sốt xuất huyết năm nay.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho hay thời tiết thất thường, nắng nóng mưa nhiều đang diễn ra tại miền Bắc sẽ là điều kiện cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) phát triển. Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh do muỗi thì loại bỏ ổ bọ gậy là biện pháp phòng chống rẻ và an toàn.

Tuy nhiên, hiện nay không ít người dân có những quan điểm sai lầm trong việc diệt muỗi để phòng ngừa bệnh do muỗi gây ra, cụ thể như sau:

Phun nhiều thuốc diệt muỗi sẽ hết muỗi 

Theo TS Dũng, hiện nay, tại Việt Nam đặc biệt là tại Hà Nội, tỷ lệ kháng hoá chất diệt muỗi là rất cao. Muỗi kháng hoá chất sẽ không chết khi bị phun thuốc mà còn sống lâu hơn bình thường.

Ví dụ, một con muỗi aedes sống 33 ngày và đẻ 3 lần. Mỗi lần muỗi cái đẻ ra trung bình 60-70 quả trứng, có con đẻ 150 quả. Có những con muỗi aedes có tuổi đời tới 3 tháng. 

Nguyên nhân của việc muỗi kháng hoá chất là do người dân thường xuyên phun thuốc muỗi, lạm dụng hoá chất trong phòng chống cá nhân.

"Phun thuốc muỗi được thực hiện khi xảy ra dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đây là phương pháp phòng chống dịch không hữu hiệu. Vì muỗi aedes thường đậu trên quần áo nên không thể mang hoá chất phun vào quần áo. Thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng trong 1 giờ sau phun", TS. Dũng nói.

3 sai lầm diệt muỗi vằn không chết, khiến chúng sống khoẻ sinh sôi tốt hơn - Ảnh 1.

TS. Dũng chia sẻ về quá trình sinh sản của muối, ảnh Ngọc Minh

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại hoá chất diệt côn trùng. Tuy nhiên không phải loại hàng nào cũng an toàn cho sức khoẻ. Người dân không nên tự mua hoá chất về phun. Việc phun hoá chất phải có kỹ năng, dụng cụ chuyên biệt, phun đúng cách thì muỗi mới chết. Phun muỗi không đúng cách không chỉ khiến muỗi không chết mà còn có thể gây ra ngộ độc cho con người.

Diệt muỗi trưởng thành sẽ hết sạch muỗi

Sau khi phun thuốc muỗi, nhiều người yên tâm và nghĩ rằng sẽ không còn muỗi. Tuy nhiên, chỉ 1-2 ngày sau, muỗi lại xuất hiện trở lại.

Theo TS Dũng, việc phun thuốc muỗi chỉ diệt được muỗi trưởng thành, còn loăng quăng, bọ gậy sẽ không chết. Do vậy, nếu như trong nhà vẫn có các ổ nước có loăng quăng thì vẫn sớm có muỗi trở lại.

Do vậy, cách phòng bệnh sốt xuất huyết quan trọng, rẻ tiền và an toàn nhất là loại bỏ loăng quăng, bọ gậy.

Phát quang bụi rậm sẽ hết muỗi

Thực tế hiện nay nhiều người dân có quan niệm sai lầm cho rằng phát quang bụi rậm để muỗi vằn mất nơi sinh sản. Vì vậy, không ít nơi tổ chức ngày thứ 7, chủ nhật xanh để cắt cỏ, khơi cống rãnh…

TS Dũng cho biết: "Khơi thông cống rãnh, cắt cỏ ven đường không phải cách phòng muỗi sốt xuất huyết. Vì muỗi aedes thường đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước sạch, những nơi nước trong để lâu ngày ngay nơi ở của chúng ta như bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước mưa đọng tại những mảnh bát vỡ trong vườn nhà, xóm ngõ hoặc sân thượng, vỏ xe, vỏ dừa, lon nước, vỏ hộp cơm, công trình xây dựng…".

Khi phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần phải loại bỏ tất cả các ổ nước trong nhà để muỗi không có môi trường đẻ trứng.

Ngoài ra, theo TS Dũng, nhiều người, đặc biệt là những người ở chung cư cho rằng muỗi vằn thường không bay cao được nên thường chủ quan. Về bản chất muỗi aedes không thích ở trên cao. Tuy nhiên, có những con đường muỗi có thể lên cao như bay vào thang máy.

"Người dân sống ở tầng cao có thể dùng biện pháp cơ học để diệt muỗi trưởng thành nếu có, hạn chế việc dùng hoá chất diệt côn trùng", TS Dũng nói.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM