3 MÓN NỢ không sớm xử lý thì đời chẳng khá lên, sống mãi kiếp 'gà què ăn quẩn cối xay'!
Chỉ khi tìm ra những món nợ tiềm ẩn trong cuộc sống, chúng ta mới có biện pháp phù hợp giải quyết.
Tỷ phú Buffett từng đưa ra quan điểm: "Nếu một công ty hoạt động trong ngành không phù hợp hoặc áp dụng cơ cấu không hợp lý có thể sẽ dẫn đến những khoản nợ tiềm ẩn".
Trên thực tế, điều này cũng đúng với mọi người. Mọi người đều phải gánh rất nhiều trách nhiệm tiềm ẩn. Đặc biệt đối với những người nghèo, góc nhìn kém chiều sâu, thiển cận và những tật xấu di truyền ẩn chứa trong hành vi của họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn và phán đoán trong cuộc sống, hạn chế nghiêm trọng sự tăng trưởng và phát triển của con người.
Những khoản nợ tiềm ẩn nếu không được thanh lý càng sớm càng tốt sẽ chỉ khiến bạn bế tắc. Chỉ bằng cách thực hiện các khoản hoàn trả có mục tiêu, bạn mới có thể trút bỏ gánh nặng và phát triển. Dưới đây là 3 món nợ mà bạn cần tránh xa.
Nợ nhận thức
Hãy theo dõi câu chuyện của chàng thanh niên tên Yang Fei (Trung Quốc) để hiểu rõ hơn về món nợ tai hại này.
Yang Fei sinh ra ở một ngôi làng miền núi hẻo lánh ở phía Tây và được nhận vào trường đại học top đầu ở Thượng Hải, chuyên ngành Kỹ thuật dân dụng. Vào thời điểm đó, các công ty xây dựng đang gấp rút tuyển nhân sự mới tốt nghiệp đại học. Yang Fei được xếp vào hàng những người giỏi nhất chuyên ngành khi còn đi học, khi anh ra trường, nhiều công ty lớn ở Thượng Hải đã mời anh vào làm việc.
Tuy nhiên, trước những lợi ích cùng mức lương hậu hĩnh ở Thượng Hải, anh lại do dự. Bởi vì từ khi còn nhỏ, bố mẹ anh đã dặn dò: Chỉ vào doanh nghiệp nhà nước làm mới có thể sống một cuộc sống không lo cơm ăn áo mặc.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, anh kiên quyết từ chối cơ hội việc làm ở Thượng Hải và trở về quê hương để trở thành nhân viên chính thức của một doanh nghiệp nhà nước. Chỉ 4 năm sau, anh hối hận về quyết định ban đầu của mình. Trong khi bạn bè có thu nhập vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng thì giờ mức lương của anh vẫn loanh quanh 10 triệu đồng.
Bạn thấy đấy, sự nghèo khó của Yang Fei bắt đầu từ món nợ nhận thức của cha mẹ anh.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ xuất thân từ gia đình nghèo có trình độ học vấn thấp, kiến thức hạn chế và hoàn toàn không thể nhìn thấy thế giới ở cấp độ cao hơn. Theo quan điểm của họ, công việc tốt nhất là điều người khác nói. Cuộc đời huy hoàng nhất là trở thành nhân viên công chức một thị trấn nhỏ.
Đương nhiên, dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, trẻ em cũng sẽ khóa mục tiêu cuộc sống của mình vào một thế giới nhỏ bé. Cuối cùng, thế hệ sau lặp lại cuộc sống của thế hệ trước, rơi vào vòng nghèo đói vô tận.
Món nợ tầm nhìn
Những người thiển cận thường bỏ lỡ những cơ hội lớn hơn chỉ vì lợi nhuận nhỏ bé trước mắt. Họ nghĩ rằng họ đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng họ không biết rằng đã vuột mất những cơ hội kiếm tiền thậm chí còn lớn hơn. Đây là món nợ về tầm nhìn của người nghèo.
Hơn 10 năm trước, có một ca sĩ tên là Pang Mailang. Anh lớn lên trong một gia đình nghèo, thậm chí không đủ tiền mua quần áo mới trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2014, một trong những bài hát của anh đã trở thành hit và phổ biến ngoài đường phố.
Đối mặt với lượng truy cập khổng lồ, Pang Mailang cảm thấy rằng nếu tham gia thêm một buổi biểu diễn thương mại nữa, anh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và cuộc sống của anh sẽ tốt hơn. Với ý tưởng này trong đầu,anh đã thực hiện và kiếm được bộn tiền.
Nhưng vì thường xuyên tham gia biểu diễn nên anh không có thời gian để học các bài hát mới và trau dồi kỹ năng ca hát của mình. Vài tháng sau, vì không có tác phẩm mới để duy trì độ nổi tiếng nên sức hút của anh giảm đi đáng kể, các show thương mại cũng không còn.
Trong cuộc sống, có rất nhiều người như Pang Mailang chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà bỏ bê việc lập kế hoạch cho tương lai. Kết quả là khi số tiền trời ban đã hết, họ lại rơi vào cảnh nghèo đói.
Tầm nhìn của bạn quyết định những lựa chọn của bạn, và những lựa chọn của bạn quyết định triển vọng. Suy cho cùng, tình trạng nghèo đói hiện tại của một người là món nợ do chính tầm nhìn mang lại. Vì thiển cận, người nghèo thà làm những công việc đơn giản với mức lương thấp còn hơn dành thời gian học hỏi để phát triển.
Chỉ bằng cách nhìn xa về phía trước trong mọi việc, lập những kế hoạch dài hạn và trả hết món nợ về tầm nhìn, bạn mới có cuộc sống ổn định và thịnh vượng.
Món nợ thói quen
Nhà lập kế hoạch tài chính nổi tiếng Thomas Corey đã dành 5 năm để thực hiện một nghiên cứu. Ông cũng theo dõi 177 triệu phú tự thân và 128 người đang vật lộn với nghèo đói.
Cuối cùng, ông phát hiện, sự khác biệt cơ bản giữa người giàu và người nghèo nằm ở thói quen hàng ngày của họ.
Hãy theo dõi câu chuyện sau để hiểu rõ hơn: Một vị Giám đốc nọ từng tuyển dụng 2 thực tập sinh có trình độ học vấn tương tự nhau là Lý Linh và Lý Giang. Lý Linh có cha mẹ học vấn cao, cha là chủ doanh nghiệp lớn, còn Lý Giang xuất thân là con nhà nông.
Người tuyển dụng nhân sự cho rằng: Lý Giang xuất thân từ nghèo khó, có khả năng chịu đựng vất vả nên sẽ làm việc tốt hơn. Nhưng vị Giám đốc lại khẳng định: Lý Linh mới là nhân viên xuất sắc sau này.
Cả Lý Linh và Lý Giang đều được nhận vào công ty. Lý Giang ó vẻ tích cực trong công việc nhưng lại luôn làm mọi việc một cách cẩu thả và chiếu lệ. Khi lập kế hoạch dự án, chỉ cần sao chép các công việc trước đây. Trong các cuộc họp, thảo luận, anh ta hiếm khi bày tỏ ý kiến, quan điểm. Nửa tháng trôi qua, Lý Giang đã tham gia nhiều công việc nhưng không có chút tiến bộ.
Còn Lý Linh ngay trong tuần đầu tiên đi làm, anh đã liệt kê ra những mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho bản thân. Đối mặt với những nhiệm vụ phải hoàn thành và những mục tiêu cần đạt được mỗi ngày, anh không hề trì hoãn. Sau khi tan sở, anh tích cực nghiên cứu sách, tài liệu kỹ thuật về ngành nghề của mình để bổ sung kiến thức liên quan. Trước khi đi ngủ, anh sẽ dành nửa giờ để xem lại công việc trong ngày và tóm tắt vấn đề nảy sinh.
Bằng cách này, trong thời gian thử việc 2 tháng, Lý Linh đã làm rất tốt công việc của mình, trong khi Lý Giang lại liên tục mắc lỗi khi làm những việc nhỏ.
Người tuyển dụng nhân sự vô cùng ngạc nhiên trước kết quả. Lúc này, vị Giám đốc ôn tồn chia sẻ: "Khoảng cách của họ bắt nguồn từ khoảng cách về thói quen, bởi những gia đình giàu có có khả năng nuôi dưỡng thói quen giàu có tốt hơn cho con cái".
Nhiều người sẵn sàng làm việc chăm chỉ nhưng lại không biết cách làm việc đúng đắn. Trong khi kiếm được nhiều tiền, họ lại từ bỏ khối tài sản có giá trị gia tăng cao tại nơi làm việc vì nhiều thói quen xấu. Cuối cùng, họ đau khổ và chỉ nhận được đồng lương ít ỏi.
Như chuyên gia Giáo dục Sun Yunxiao đã nói: Thói quen tốt là lãi suất và thói quen xấu là nợ nần. Những thói quen xấu mà người nghèo mang theo sẽ chỉ làm cho khoản nợ của họ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, điều chúng ta phải làm là bắt đầu từ bỏ mọi thói quen xấu. Khi phát triển được những thói quen giàu có, bạn sẽ dần trở nên ưu tú.
Nếu kiến thức chưa đủ, hãy đọc ngàn cuốn sách. Nếu tầm nhìn quá nông cạn, hãy đi ngàn dặm. Phá bỏ những quan niệm cũ và phát triển những thói quen tốt, bạn sẽ tự nhiên thoát khỏi số phận nghèo đói. Chỉ khi tìm ra những món nợ tiềm ẩn trong cuộc sống, chúng ta mới có thể có biện pháp phù hợp giải quyết.
Theo Toutiao