3 cấp bậc của tư duy: Người hạ đẳng chỉ nghĩ đến mình, người tầm trung theo bước số đông, người thượng đẳng giải được bài toán 100 – 1 = 0

09/10/2020 14:16 PM | Sống

Tư duy quyết định hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen hình thành nên tích cách. Tính cách quyết định số phận.

Hiện nay, khoảng cách giữa người giỏi và người kém trong xã hội đang ngày càng lớn dần. Người giỏi thì cứ mãi tiến lên phía trước, còn người kém thì hay bị tụt hậu về sau. Phương thức tư duy và năng lực hành động của mỗi người đã tạo nên sự khác biệt rõ ràng đến vậy. Trong đó, tư duy quyết định hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen hình thành nên tích cách. Tính cách quyết định số phận.

Tăng Quốc Phiên là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nhà Thanh. Ông xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, rồi từng bước đi lên vũ đài chính trị ngày ấy. Cuộc hành trình này của ông cũng xuất phát từ việc thay đổi "tư duy thấp kém".

Tư duy thấp kém: Độc chiếm lợi ích

Lợi ích là thứ con người luôn theo đuổi. Chúng ta bị lợi ích mê hoặc mà sinh lòng tham lam, chỉ muốn độc chiếm nó làm của riêng. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Độc chiếm lợi ích chính là gây thù chuốc oán, khiến ta trở thành cái gai trong mắt người khác.

Ngày đánh quân Thái Bình Thiên quốc, Tăng Quốc Phiên chỉ dùng đạo nghĩa để chiêu mộ người tài. Sau đó, ông phát hiện những người quy phục ông, về sau đều bỏ đến chỗ của Hồ Lâm Dực.

Ông hỏi Triệu Liệt Văn: "Tại sao thuộc hạ của ta đều bỏ đi để quy thuận Hồ đại nhân?" Triệu Liệt Văn trả lời: "Con người ai cũng có tham vọng. Những người đó ở cạnh ngài, họ không được làm quan cũng không được tiền tài. Vậy thì họ còn ở lại đây để làm chi?"

Tăng Quốc Phiên lại hỏi: "Thế ta phải làm sao?" Triệu Liệt Văn trả lời: "Ngài hãy đáp ứng đầy đủ những mong muốn của họ. Họ tự khắc sẽ cúc cung tận tụy với ngài."

Tăng Quốc Phiên tiếp thu ý kiến của Triệu Liệt Văn. Ông ra lệnh thưởng tiền cho quan võ và thăng chức cho quan văn. Ông dùng hình thức trọng thưởng để khơi dậy tinh thần muốn lập công của thuộc hạ. Ông luôn tận dụng mọi cơ hội để tiến cử và nâng đỡ những người phụng sự mình. Nhờ thế, nhân tài khắp nơi đều về tề tựu dưới trướng Tăng Quốc Phiên.

Lợi ích bền lâu là lợi ích được chia sẻ, chứ không phải bị độc chiếm làm của riêng. Đối với nhân dân, lời hay ý đẹp hay lý tưởng cao cả đều sẽ phải xếp sau cơm ăn áo mặc. Nhân nghĩa có thể kêu gọi được người khác nhưng không đủ sức để khiến họ đi theo và ủng hộ chúng ta. Con người vốn luôn chịu sự chi phối của lợi ích. Muốn làm một nhà lãnh đạo giỏi, bạn cần phải biết gắn lợi ích của bản thân với lợi ích của cấp dưới.

Đường đi có hẹp thì hãy nhường lối cho người bước trước. Đồ ăn có ngon thì đừng ăn tham một mình. Đừng cứ mãi khoe khoang rằng bạn đã lợi dụng bao nhiêu người, rồi bao nhiêu người đang đi theo và phụng sự cho bạn. Mà hãy thử nói xem đến giờ bạn đã giúp đỡ được bao nhiêu người rồi.

3 cấp bậc của tư duy: Người hạ đẳng chỉ nghĩ đến mình, người tầm trung theo bước số đông, người thượng đẳng giải được bài toán 100 – 1 = 0 - Ảnh 1.

Tư duy trung bình: đi theo đám đông

Đứng trước một vấn đề, cá nhân thường phải chịu ảnh hưởng nhất định từ chính tập thể mình đang sống. Họ phải từ bỏ hay đi ngược lại suy nghĩ của mình, để mà không bị khác biệt so với số đông.

Tăng Quốc Phiên từng nói: "Đừng làm những chuyện dễ sinh lời mà mọi người đều muốn làm. Đừng đi vào những chỗ mà ai ai cũng muốn đi."

Mấy năm gần đây, cơn sốt khởi nghiệp đang làm khuynh đảo cuộc sống của chúng ta. Chỉ cần nhìn thấy cơ hội là lại có nhiều người sẵn sàng "rót vốn" để đổ xô đi khởi nghiệp. Nhưng rồi chẳng mấy chốc cái thứ mà chúng ta coi là cơ hội ấy lộ nguyên hình. Nó giống như miếng mồi béo bở để đánh lừa bạn sập bẫy.

Trên thế giới này, khái niệm "việc nhẹ lương cao" vốn chỉ có trong tưởng tượng. Nếu như mọi người đều có thể kiếm tiền dễ dàng từ một việc nào đó, coi chừng kẻ đến sau  sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Kinh doanh đa cấp hay chơi tiền ảo phi pháp,…đều là những hình thức lừa đảo. Bạn vướng vào đây, không chỉ tiền mất tật mang mà còn chuốc họa vào thân.

Bất luận là ngành nghề nào, nếu bạn không bỏ công sức, không có niềm đam mê với nó, thì bạn cũng đừng mơ tưởng đến chuyện thăng tiến sự nghiệp.

Tục ngữ có câu: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Ngoại trừ số ít thiên tài, hiếm có ai đạt đến trình độ "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý". Suốt ngày, chúng ta chỉ bám theo gót chân của người khác, thật là mệt mỏi biết bao. Vậy sao ta không mạnh dạn phát huy hết khả năng của bản thân trong lĩnh vực sở trường.

3 cấp bậc của tư duy: Người hạ đẳng chỉ nghĩ đến mình, người tầm trung theo bước số đông, người thượng đẳng giải được bài toán 100 – 1 = 0 - Ảnh 2.

Tư duy cao cấp: 100 – 1 = 0

Lão hòa thượng viết ra 4 phép tính: 2+2=4, 4+4=8, 8+8=16, 9+9=19.

Các đồ đệ liền nhao nhao nói: "Sư phụ làm sai mất một phép tính rồi."

Lão hòa thượng nhìn đám đồ đệ rồi chậm rãi nói: "Đúng vậy, mọi người đều nhìn thấy câu này tính sai. Nhưng ba phép tính trước chẳng phải ta đã tính đúng rồi sao. Tại sao không có ai khen mà chỉ chăm chăm nhìn vào phép tính sai kia vậy?"

Bạn đối tốt với người ta 100 lần nhưng người ta đều không nhớ. Nhưng chỉ cần một lần bạn làm người ta không vừa ý, 100 lần kia coi như chưa từng xảy ra. Đây chính là quy luật 100 – 1= 0. Tăng Quốc Phiên từng nói: "Đừng vì một khuyết điểm nhỏ mà quên đi hết ưu điểm của người ta, đừng vì chút oán giận mà quên đi ân tình của họ đối với ta. "

Tả Tông Đường từng là học trò và thuộc hạ của Tăng Quốc Phiên. Sự thăng tiến của Tả Tông Đường phần nhiều nhờ vào sự nâng đỡ và tiến cử của Tăng Quốc Phiên. Sau này,  họ Tả tự cao tự phụ, còn nhiều lần công kích lại ân nhân của mình.

Nhưng Tăng Quốc Phiên không những không oán hận mà luôn sẵn sàng giúp đỡ. Lúc Tả Tông Đường chinh chiến ở Tây Bắc khó khăn muôn trùng, ông đã nhanh chóng đốc thúc vận chuyển lương thảo. Bên cạnh đó, ông còn cử thuộc hạ của mình là Lưu Tùng Sơn đến trợ giúp họ Tả.

Tăng Quốc Phiên luôn đánh giá cao thành công của Tả Tông Đường. Ông còn vinh danh Tả Tông Đường là thiên hạ đệ nhất. Về sau, Tả Tông Đường cảm thấy vô cùng khâm phục ông và tự thấy hổ thẹn với ân nhân của mình.

Yêu thích một người nhưng không mù quáng coi đó là người hoàn hảo. Ghét bỏ một người nhưng cũng không chụp mũ cho họ là kẻ xấu. Người như vậy trên thế gian quả là hiếm thấy.

Người ta hay nói:

"Yêu nhau yêu cả đường đi

Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng."

Khi đánh giá một sự vật, sự việc hay một con người, chúng ta thường hay bị ảnh hưởng bởi cảm tính. Từ đó, bạn dễ đưa ra những quyết định thiếu khách quan hoặc có phần cực đoan so với thực tế. Đó là một nhược điểm lớn và khó khắc phục của con người. Vì vậy, bạn nhất định phải giữ được một cái đầu lạnh.

Năng lực sẽ quyết định đến thành tích của bạn. Tư duy sẽ quyết định số phận của bạn. Người bình thường sẽ chỉ thay đổi kết quả. Người thông minh sẽ thay đổi nguyên nhân. Người xuất sắc sẽ biết thay đổi cả quá trình tư duy.

Đình Trọng

Cùng chuyên mục
XEM