3 bài học lãnh đạo quý hơn vàng từ email gửi nhân viên của CEO Microsoft, Starbucks và Amazon
Theo bạn thế nào là một nhà lãnh đạo hiệu quả? Có rất nhiều cách để trả lời câu hỏi này, nhưng hầu hết chúng ta phải thừa nhận rằng lãnh đạo thực sự phải bao gồm khả năng thực hành những gì mà chính họ đã thuyết giảng, lấy ví dụ và truyền cảm hứng cho người khác.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phong cách lãnh đạo của các CEO thành công được thể hiện qua việc sử dụng email hiệu quả. Dưới đây là 3 trích đoạn từ email gửi nhân viên của các CEO nổi tiếng của Microsoft, Starbucks và Amazon và những bài học tuyệt vời mà chúng ta có thể rút ra từ đó.
CEO Microsoft Satya Nadella khuyến khích nhân viên đứng dậy sau thất bại
Khoảng 1 năm trước, Microsoft tung ra một bot Twitter với tên gọi Tay (tên chính thức là Tay.ai) nhằm nỗ lực thúc đẩy giao tiếp với trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, mọi thứ đã kết thúc trong sai lầm khi các hacker và người khác biến Tay thành nơi phân biệt chủng tộc và những comment tục tĩu. Microsoft đã phải đóng cửa Tay chỉ vào giờ sau đó và gửi lời xin lỗi tới người dùng.
Trong hoàn cảnh đó, nhóm thực hiện dự án Tay cảm thấy cực kỳ sụp đổ sau thất bại này. Thế nhưng, bạn hoàn toàn không thể tưởng tượng được họ đã xúc động thế nào khi nhận được email từ CEO của mình.
“Hãy tiếp tục tiến về phía trước và tôi luôn ở bên cạnh các bạn. Chúng ta phải tiếp tục học hỏi và cải tiến”
Trong cuộc sống, tất cả mọi người đều có thể phạm sai lầm. Điều quan trọng là nhà lãnh đạo phải làm thế nào để giúp nhân viên đứng lên sau thất bại?
“Điều quan trọng là nhà lãnh đạo không được đẩy nhân viên ra ngoài, thay vào đó, bạn phải giúp họ tìm ra cách giải quyết vấn đề thực sự. Nếu mọi người đang làm một điều gì đó xuất phát từ nỗi sợ hãi, họ sẽ không bao giờ sáng tạo được”, Nadella chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Bài học rút ra: Khi bạn khuyến khích và giúp người khác đứng dậy sau vấp ngã, thay vì than phiền và thất vọng, họ sẽ có động lực để cống hiến hết sức cho bạn.
CEO Starbucks Howard Schultz “trấn an” nhân viên sau những biến động của thị trường chứng khoán
Vào tháng 8 năm 2015, những dấu hiệu suy thoái ở Trung Quốc đã gây nên hoảng loạn và đánh bay gần 1 nghìn tỷ USD khỏi thị trường châu Á, khiến chỉ số Dow sụt giảm 588 điểm chỉ trong một ngày.
Trước bối cảnh đó, Giám đốc điều hành Starbucks Howard Schultz đã gửi một email nhằm giúp cho 190.000 nhân viên của mình nhận thức được tình hình và dành sự quan tâm đặc biệt tới khách hàng.
“Khách hàng của chúng ta chắc chắn đã trải qua một thời kỳ lo lắng và bất an. Các bạn hãy nhận thức rõ điều này và nhớ rằng thành công của chúng ta không phải là một đặc quyền, mà đó là thứ chúng ta phải cố gắng đạt được hàng ngày. Vì thế, đừng gây áp lực cho khách hàng và hãy làm mọi thứ trong khả năng của bạn để giúp họ cảm thấy tốt hơn.
Những trải nghiệm tại các cửa hàng của chúng ta, sức mạnh và niềm tin của thương hiệu, nguồn gốc cho thành công hiện tại và cả tương lai của Starbucks phụ thuộc vào chính các bạn. Tôi tin tưởng vào các bạn và chưa bao giờ ngừng tự hào về các bạn”.
Bài học rút ra: Lãnh đạo và văn hóa luôn bắt đầu từ người lãnh đạo. Schultz có thể dễ dàng đọc tin tức và bỏ qua những thông tin về thị trường, bởi chúng không ảnh hưởng gì đến nhân viên của ông. Thế nhưng ông đã tận dụng cơ hội để truyền cảm hứng cho nhân viên, khuyến khích nhân viên cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng vì biết đó là ngày mà nhiều khách hàng đang buồn phiền vì thị trường chứng khoán đi xuống.
Jeff Bezos sử dụng tờ New York Times để làm cho Amazon tốt hơn
Vào mùa hè năm 2015, tờ New York Times xuất bản một bài viết miêu tả Amazon – nhà bán lẻ lớn nhất thế giới – như một nhà tuyển dụng độc tài coi trọng hiệu suất và sự đổi mới vượt qua mức độ hài lòng của nhân viên. Đây chắc chắn là một bài báo chỉ trích rất nặng nề, nhưng Bezos đã có phản ứng khiến nhiều người ngạc nhiên.
Thông qua bản ghi nhớ nội bộ gửi nhân viên, CEO Amazon lại khuyến khích mọi người đọc bài trên tạp chí Times và thông báo cho bộ phận nhân sự báo cáo bất cứ câu chuyện nào mà họ biết giống như bài báo mô tả - thậm chí mời những cá nhân đó gửi email trực tiếp cho ông.
Bài học rút ra: Jeff Bezos đã đặt cảm xúc cá nhân sang một bên và học hỏi từ những lời chỉ trích – ngay cả khi nó không lý tưởng. Chỉ trích không dễ để tiếp nhận, nhưng nó có thể giúp chúng ta nhận ra điểm yếu của bản thân để cải tiến. Sau tất cả, nhà lãnh đạo không phải là một chức danh để bạn gây ấn tượng với người khác, mà đó là khả năng liên lạc và hành động – nói cho nhân viên biết điều họ cần nghe và trở thành tấm gương để họ noi theo.