10 bài học từ Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể giúp con người sống hạnh phúc hơn

04/06/2017 21:22 PM | Sống

Trong cuốn sách “Nghệ thuật của hạnh phúc”, Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ những bí mật để có một cuộc sống mãn nguyện.

Thông qua đó, bạn sẽ có được cái nhìn tổng thể về cách để có được hạnh phúc lâu dài, tại sao lòng từ bi và sự thân thiết lại quan trọng đến vậy và làm thế nào để bạn vượt qua đau khổ hay những thời khắc bi kịch nhất.

1. Đừng tập trung vào hoàn cảnh bên ngoài

Những sự kiện bên ngoài có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn trong ngắn hạn, nhưng mức độ hạnh phúc của chúng ta sẽ có xu hướng phục hồi sau sự kiện đó. Chẳng hạn, việc trúng xổ số chỉ tạo cho bạn cảm giác sung sướng “tột cùng” nhất thời và cảm giác này sẽ nhanh chóng mất đi.

Tuy nhiên, trạng thái tinh thần sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Vì vậy, bạn có thể đào tạo tâm trí để phát triển những suy nghĩ tích cực và loại bỏ những điều tiêu cực ra khỏi đầu. Cuối cùng, bạn sẽ luôn bình tĩnh để sống cuộc đời hạnh phúc, vui tươi bất kể bên ngoài có xảy ra sự kiện gì đi chăng nữa.

2. Nuôi dưỡng lòng từ bi

Từ bi là một trạng thái của tâm không làm điều hung ác: Đó là mong muốn cho tất cả những sinh vật khác trên trái đất không phải chịu đau khổ. Do vậy, giúp đỡ được người khác sẽ giúp chúng ta cảm thấy bình an, cơ thể khỏe mạnh và số thọ hơn.

Để nuôi dưỡng lòng từ bi, trước hết bạn phải học cách thông cảm với hoàn cảnh của những người khác, chủ động thấu hiểu và tập trung vào những điều mà bạn có thể chia sẻ với họ.

3. Xây dựng các mối quan hệ gần gũi và thân thiết

Việc xây dựng các mối quan hệ gần gũi và thân thiết với người khác sẽ giúp con người tăng cường cả thể chất lẫn tinh thần. Bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói rằng ông luôn cảm thấy mối liên hệ gắn bó mật thiết với rất nhiều người xung quanh ông, chẳng hạn như các thầy tu và đầu bếp.

Thậm chí, ông còn đi vào sâu hơn những mối quan hệ trong xã hội, ví dụ như với người lao công quét dọn sàn nhà. Bằng cách nắm lấy mọi cơ hội mà bạn có để tạo mối liên kết mật thiết với người khác, bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn rất nhiều.

4. Hướng tới tâm linh

Lợi ích của một niềm tin tôn giáo mạnh mẽ được tổng kết qua nhiều nghiên cứu, nó có thể tạo nên một gia đình hạnh phúc và sức khỏe tốt hơn. Nhưng tâm linh không phụ thuộc vào bất kì tôn giáo cụ thể nào, Đức Đạt Lai Lạt Ma tin rằng bất cứ tôn giáo nào trên thế giới cũng có thể mang đến cho con người cuộc sống hạnh phúc hơn.

Trên thực tế có những niềm tin tâm linh tồn tại bên ngoài phạm vi của niềm tin tôn giáo. Nó bao gồm những phẩm chất cơ bản của con người như lòng tốt, lòng từ bi và sự chăm sóc lẫn nhau. Do đó, ngay cả những người vô thần và không tôn giáo đều có thể được hạnh phúc.

5. Chấp nhận đau khổ như một phần tất yếu của cuộc sống

Đau khổ là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều sẽ già và chết đi. Vì thế, việc bạn cố gắng tránh khỏi hoặc bỏ qua thực tế này chỉ là giải pháp tạm thời. Khi bạn gặp đau khổ, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, thái độ tinh thần của bạn cũng là điều vô cùng quan trọng.

Nếu bạn vẫn sợ hãi và coi đau khổ là một điều bất thường trong cuộc sống, bạn sẽ trở thành nạn nhân và luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh gây ra đau khổ.

6. Loại bỏ thái độ tiêu cực

Các trạng thái tinh thần như giận dữ và sợ hãi là những chướng ngại cản bước chúng ta không thể đạt được hạnh phúc thực sự. Chúng là chất độc. Tuy nhiên, những trạng thái tích cực như tình yêu, lòng từ bi, sự kiên nhẫn và quảng đại có thể đóng vai trò thuốc giải độc để giúp bạn loại bỏ những cảm xúc và thái độ tiêu cực.

7. Tìm ra mặt tốt của mọi vấn đề

Khi con người gặp phải những tình huống tiêu cực, họ có xu hướng cứng nhắc coi đó là tiêu cực 100%. Tuy nhiên, “trong cái rủi luôn có cái may” và hầu hết mọi tình huống đều có cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực tùy vào góc độ mà chúng ta nhìn nhận.

Chẳng hạn, khi bạn bước lên máy bay và nhận ra mình phải ngồi cạnh một người vô cùng phiền phức, nói nhiều và kiêu căng, bạn hãy xem như đó là cơ hội để thực hành tính kiên nhẫn và bao dung.

8. Loại bỏ những cảm xúc tiêu cực

Trong tất cả các trạng thái cảm xúc tiêu cực, sự giận dữ và thù hận là những trở ngại lớn nhất của hạnh phúc. Khi cảm giác giận dữ và thù hận bắt đầu nảy sinh, nó sẽ nhanh chóng phá hủy sự bình an trong tâm hồn mỗi người.

Bên cạnh đó, sự giận dữ cũng làm chúng ta mất đi khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề, khiến chúng ta đưa ra những hành động thiếu suy nghĩ và làm cho tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn. Không những thế, tức giận và thù hận còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và gây nên nguy cơ mắc bệnh tim.

9. Tìm kiếm những cảm xúc tích cực

Cảm xúc tức giận và thù hận không thể bị triệt tiêu hoàn toàn. Cách tốt nhất để đối phó với sự giận dữ chính là kiên nhẫn và bao dung.

Bạn có thể tập kiên nhẫn và bao dung thông qua thiền định. Khi bạn cảm thấy giận dữ, hãy dành thời gian để phân tích vấn đề xem giận dữ đến từ đâu, nhân tố nào tạo nên giận dữ và cảm xúc đó là tích cực hay tiêu cực?

10. Loại bỏ sự lo lắng và tự ti

Lo lắng quá mức sẽ khiến bạn trở nên tự ti vào bản thân. Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng thuốc giải độc ở đây chính là hãy trung thực với bản thân và người khác, thừa nhận khả năng cũng như hạn chế của bạn.

Chỉ khi bạn cảm thấy thoải mái với những giới hạn của chính bản thân mình, bạn mới có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất.

Theo Trịnh Thơm

Cùng chuyên mục
XEM