2022: Năm sôi động trên không gian

29/12/2021 17:00 PM | Công nghệ

Năm tới có thể đánh dấu những bước đầu tiên hướng tới sự trở lại mặt trăng của con người

Chính phủ Nhật Bản hôm 28-12 điều chỉnh kế hoạch khám phá không gian, theo đó đặt mục tiêu đưa người lên mặt trăng vào nửa cuối thập niên này.

Cũng theo kế hoạch này, Tokyo hy vọng phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2024, cũng như tìm kiếm phương thức sản xuất điện mặt trời trong không gian.

Thông tin trên được công bố vài ngày sau khi tỉ phú người Nhật Yusaku Maezawa kết thúc chuyến tham quan Trạm Không gian quốc tế (ISS) trong 12 ngày và trở về trái đất. Ông Maezawa cũng là du khách đầu tiên lên ISS trong hơn 10 năm qua.

Kế hoạch của Nhật Bản phần nào cho thấy mặt trăng sẽ tiếp tục là tâm điểm chính trong các nỗ lực khám phá không gian thời gian tới.

Theo Reuters, Trung Quốc cũng có kế hoạch đưa phi hành gia lên mặt trăng và có thể xây dựng một cơ sở khoa học ở đó dù chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể. Trước mắt, Bắc Kinh dự định tiến hành một sứ mệnh mới vào năm 2024 để thu thập mẫu vật trên mặt trăng.

 2022: Năm sôi động trên không gian  - Ảnh 1.

Tàu vũ trụ Orion tại Trung tâm Không gian Kennedy ở bang Florida - Mỹ. Ảnh: NASA

Cuộc đua không gian tại châu Á có thể thêm sôi động khi Hàn Quốc cũng dự định thực hiện sứ mệnh mặt trăng đầu tiên trong năm 2022. Một số mục tiêu khoa học được đề ra là nghiên cứu môi trường, địa hình cũng như xác định địa điểm đáp tiềm tàng cho các sứ mệnh tiếp theo.

Chưa hết, theo tờ The National, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ đưa xe tự hành Rashid lên bề mặt mặt trăng vào năm 2022, đánh dấu sự khởi đầu của chương trình thám hiểm mặt trăng đầy tham vọng của nước này. Xe tự hành Rashid sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu đặc tính của đất và địa lý trên đó.

Mặt trăng cũng là mục tiêu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông qua chương trình Artemis. Theo tờ The Washington Post, chương trình này nhằm đưa phi hành gia đặt chân trở lại mặt trăng vào năm 2025 và thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên đó.

Sứ mệnh đầu tiên của chương trình, gọi là Artemis I, dự kiến diễn ra trong năm tới với việc tàu vũ trụ Orion không người lái sẽ được phóng lên quỹ đạo mặt trăng. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, sứ mệnh tương tự tiếp theo (Artemis II) sẽ được tiến hành trong năm 2024, lần này có sự tham gia của phi hành gia.

NASA hy vọng sẽ đưa được phi hành gia trở lại bề mặt mặt trăng vào năm 2025 nhưng điều này còn tùy thuộc vào kết quả của các sứ mệnh trước đó và khả năng hoạt động của tàu vũ trụ Starship do Công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk phát triển theo hợp đồng 3 tỉ USD với NASA. Ông Musk cho biết SpaceX sẽ nỗ lực thực hiện vụ phóng tàu Starship đầu tiên vào đầu năm tới.

Ngoài ra, năm 2022 có thể còn chứng kiến sự ra mắt của một số rốc-két mới. Trong số này, rốc-két Vulcan của hãng United Launch Alliance (Mỹ) sẽ được Lầu Năm Góc sử dụng để phóng vệ tinh an ninh quốc gia.

Đáng chú ý, hãng Boeing cũng hy vọng hoàn tất chuyến bay thử nghiệm của tàu vũ trụ Starliner (được thiết kế để đưa phi hành gia NASA lên ISS và ngược lại) vào tháng 5-2022. Nếu diễn ra thành công, một chuyến bay chở phi hành gia sẽ diễn ra sau đó.

ISS cũng có thể đón một tàu vũ trụ khác trong năm tới, Dream Chaser của hãng Sierra Space (Mỹ). Công ty này đang chở hàng hóa và đồ tiếp tế lên ISS theo hợp đồng với NASA nhưng hy vọng một ngày nào đó có thể đưa phi hành gia lên không gian.

Theo Hoàng Phương

Cùng chuyên mục
XEM