2 vũ khí đáng gờm của Aeon và TGDĐ trên mặt trận TMĐT, mà các cựu binh như Lazada hay Tiki đều không có!
Cả Lotte, Aeon và Thế giới Di động đều có sẵn 2 điểm mạnh mà Lazada hay Tiki chưa có được.
Các tập đoàn bán lẻ lớn tại thị trường Việt Nam, kể cả trong và ngoài nước như Lotte với Lotte.vn, Aeon với Aeonshop.com và mới đây là Thế giới Di động với Vuivui.com đã gia nhập thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam. Lợi thế về thương hiệu, hệ thống cửa hàng trải khắp của họ có khiến các tên tuổi lớn trong làng thương mại điện tử như Lazada.vn hay Tiki.vn e ngại?
Cả Lotte, Aeon và Thế giới Di động đều có sẵn 2 điểm mạnh mà Lazada hay Tiki chưa có được.
Thương hiệu
Ngay từ khi bắt đầu tham gia vào thị trường thương mại điện tử, cả 3 “lính mới” của làng này đã có sẵn thứ gọi là thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Với Aeon, đó là thế mạnh về đồ điện tử, đồ dùng em bé vốn được nhiều người Việt ưa chuộng. Còn với Lotte, họ vốn mạnh về hàng mỹ phẩm, thời trang. Thế giới Di động đã chiếm gần nửa thị phần về điện thoại di động của cả nước.
Những lợi thế về nhận diện thương hiệu sẽ giúp các công ty này không mất nhiều thời gian để gây dựng hình ảnh và niềm tin ở khách hàng - điều vô cùng khó thực hiện và mất nhiều thời gian đối với các công ty TMĐT thông thường.
Mỗi cửa hàng là một kho chứa hàng
Aeon đang sở hữu nhiều loại hình cửa hàng, từ trung tâm thương mại đến cửa hàng tiện ích. Những điểm này sẽ biến thành kho chứa hàng, giúp quá trình giao hàng thuận tiện và tiết kiệm thời gian.
Cụ thể, Aeon đang có 4 trung tâm thương mại tại TP HCM và Hà Nội. Sau khi mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart vào năm 2015, Aeon đã gián tiếp sở hữu hàng loạt cửa hàng của Fivimart và Citmart.
Ngoài ra, Ministop cũng là một thành viên của Aeon và Ministop đang sở hữu hơn 70 cửa hàng tại TP HCM.
Thế giới Di động với hệ thống hơn 1.000 cửa hàng điện thoại di động và điện máy phủ khắp 63 tỉnh thành là một lợi thế. Thêm vào đó, Thế giới Di động trong năm 2016 đã mở 50 cửa hàng Bách hóa xanh kinh doanh các mặt hàng thực phẩm. Công ty này dự định sẽ mở thêm 300 cửa hàng Bách hóa xanh trong năm 2017, nâng tổng số lên 350 cửa hàng.
Trong thương mại điện tử, câu chuyện vận chuyển và thời gian chuyển hàng đóng vai trò quan trọng. Việc các ông lớn trong ngành bán lẻ có nhiều điểm bán sẽ giúp họ có lợi thế trong việc vận chuyển và đến với khách hàng nhanh hơn. Trong khi đó, các công ty chuyên về thương mại điện tử sẽ có số lượng kho hạn chế hơn so với các công ty bán lẻ làm thương mại điện tử.
Hai yếu tố trên chưa đảm bảo để các ông lớn trong ngành bán lẻ có thể cạnh tranh, nhưng chắc chắn là lợi thế. Doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam chỉ mới đạt 1% tổng doanh thu ngành bán lẻ nhưng với số lượng người truy cập Internet lớn, ngày càng nhiều người chuộng mua sắm online để tiết kiệm thời gian thì không khó hiểu khi cả Lotte, Aeon hay Thế giới Di động nhảy vào thương mại điện tử.