2 triệu USD quảng bá Hà Nội trên CNN: Chuyên gia du lịch nói gì về bình luận của Khải Silk?

22/12/2016 10:30 AM | Xã hội

Đồng tình với quan điểm sản phẩm du lịch của Việt Nam không thể nào ngồi đợi “hữu xạ tự nhiên hương” của doanh nhân Hoàng Khải, PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch khẳng định việc quảng cáo hình ảnh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là hoạt động thiết yếu.

Chuyên gia này cho biết du lịch thực chất là một ngành kinh tế, do đó, quảng cáo chắc chắn là một hoạt động không thể thiếu trong việc kinh doanh. Câu hỏi nên đặt ra ở đây là quảng cáo như thế nào cho hiệu quả chứ không phải làm hay không.

“Không quảng cáo thì người ta không thể nào biết đến đất nước mình, biết đến TP. Hà Nội, sản phẩm của Hà Nội là cái gì, như thế nào, chất lượng ra làm sao. Đây thực sự là một việc làm cần thiết”, ông nói.

Đối với những tranh cãi xung quanh chi phí 2 triệu USD mà TP. Hà Nội dùng để quảng bá trên CNN , ông cho biết khi chưa thực hiện thì nói nhiều hay ít là rất khó. Bởi nó tuỳ thuộc vào mục tiêu, hiệu quả đánh giá sau khi nghiệm thu thì mới biết được.

Tất nhiên, ông cũng khẳng định chi phí để đưa hình ảnh Hà Nội lên CNN là cao so với các kênh quảng bá khác. Nhưng nó cũng là điều bình thường, vì kênh này có độ phủ sóng, độc giả toàn cầu thuộc loại lớn nhất trên thế giới.

Như vậy, thông qua CNN, thông điệp về Việt Nam sẽ được gửi đến nhiều quốc gia, nhiều tầng lớp xã hội thuộc quốc gia đó.

Tuy nhiên, cũng bởi vì phổ độc giả rất lớn, trải dài trên nhiều quốc gia, nên khác với việc xúc tiến quảng bá có tính thị trường trọng điểm, thông tin truyền tải đến người xem cần phải bao gồm những đặc điểm phủ hết được những thị trường đấy. Nghĩa là nó phải vừa có cả văn hoá, vừa có cả thiên nhiên,... mà vẫn mang được nét đặc sắc nhất của Việt Nam, Hà Nội, phải thể hiện được rõ sự khác biệt của bản thân.

“Hình ảnh giới thiệu của Hà Nội phải chung và đẩy đủ, nhưng đồng thời cũng phải thật chắt chiu, đặc thù, mang đặc trưng truyền thống riêng”, ông Lương cho biết.

Mặt khác, ông nhấn mạnh không nên “thổi phồng” hay làm “hào nhoáng” một Việt Nam, một Hà Nội. Những hình ảnh quảng cáo phải nên gần với cuộc sống thực, nếu không có thể gây ra hiệu ứng tâm lý ngược đối với khách du lịch.

Hiện Việt Nam đang được xem là một điểm đến an toàn, ổn định cho khách du lịch, nhất là trong bối cảnh chính trị bất ổn của nhiều nước trong khu vực, do đó, với những nỗ lực của Chính phủ đối với ngành như hiện nay, PGS. TS. Phạm Trung Lương cho rằng thị trường du lịch năm 2017 hoàn toàn đáng kỳ vọng.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM