'2 thần kinh doanh nước Nhật' chỉ điểm NHÂN TÀI: Người chỉ tuyển ai sáng tạo nhất, người lại cho rằng nhân viên quá cá tính chỉ làm hại công ty
Đều có quá khứ xuất thân nghèo khó, hai nhà sáng lập Honda và Panasonic vẫn từng bước lập nên những đế chế nổi danh toàn cầu. Nhưng điểm khác biệt giữa hai 'thần kinh doanh' này chính là cách họ nhìn người và dụng người.
Honda: Nhân viên phải liên tục sáng tạo, thất bại thì mới thành công được
Tập đoàn Honda là nhà sản xuất động cơ lớn nhất thế giới. Nhà sáng lập của thương hiệu này – doanh nhân Soichiro Honda – thật ra lại sinh ra trong một gia đình thợ rèn, luôn quanh quẩn bên bố, xem ông làm việc và qua đó phát triển nên lòng yêu thích nghề cơ khí.
Tuổi thơ khốn khó, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, rồi lại gặp tai nạn xe đua, từng phá sản 2 lần, cầm cố tất cả gia sản kể cả nhẫn cưới của vợ… là những gì Soichiro Honda phải trải qua trong quá khứ. Những chính bằng những lần thất bại, nghị lực kiên cường, niềm say mê khoa học kỹ thuật, sự sáng tạo và tấm lòng tận tâm cống hiến cho xã hội, ông Soichiro đã phá vỡ mọi định kiến kinh doanh và công nghệ, từ đó biến Honda thành một tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, trị giá hàng tỷ đô la.
Thành công sau con đường trải đầy chông gai đã khiến ông có quan điểm rằng, “Đối với tôi, thành công chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại.”
Áp dụng tương tự câu chuyện của mình vào việc nhìn người, phát hiện tài năng cho đế chế của mình: nhân tài chính là những người hoạt động tự do và không bó buộc vào một khái niệm hay khuôn mẫu sẵn có.
Sáng tạo là điều Soichiro Honda tìm kiếm ở những nhân viên xuất chúng.
Lúc đó trên thị trường, Toyota và Nissan đã quá phát triển. Để thực sự có được sự đột phá, ông Soichiro đưa ra tôn chỉ rằng: chỉ khi có tinh thần quyết tâm, không sợ thất bại và có những sáng kiến mới, không bị bó buộc bởi những quan niệm hiện tại thì người đi sau mới có thể đuổi kịp những người đi trước.
Bản thân đã từng bỏ học để kinh doanh, ông không hề coi trọng học vấn của ứng viên. Nếu so sánh về số lượng nhân viên tốt nghiệp Đại học Tokyo ở ba công ty lớn của Nhật Bản là Toyota, Nissan, Honda thì Toyota chiếm 39%, Nissan 60% và Honda khoảng 10%. Một phần lí do là những người đã tốt nghiệp các trường top thường sẽ muốn đầu quân cho các công ty có lịch sử lâu đời hơn như Nissan hay Toyota. Nhưng với Honda, bất cứ ai thông minh, sáng tạo đều sẽ là hữu dụng. Trong tầng lớp lãnh đạo của Honda luôn có một hoặc hai người tốt nghiệp trung học phổ thông.
Soichiro Honda - Người chế tạo, sản xuất mô tô và ô tô vĩ đại nhất thế giới.
Ngoài ra, Honda còn ủng hộ nhân viên sáng tạo hết cỡ bằng cách trao giải cho người có nhiều thất bại nhất và chấp nhận thất bại đó. Thay vì truy cứu trách nhiệm của đề án thất bại, ông trao giải cao hơn cho nhân viên biết công nhận thất bại và tìm ra được nguyên nhân của thất bại đó. Vì đó, Honda trở thành một công ty khác biệt, hội tụ nhân tài có cá tính riêng, một công ty mà người tài như bản thân ông có thể phát huy đầy đủ thực lực của mình.
"Nếu không thay đổi thì không tiến bộ. Đối với cá nhân hay với công ty thì đều như nhau cả."
Matsushita: Nhân tài phải phù hợp với tổ chức
Matsushita Kōnosuke sinh tại Nhật Bản năm 1894. Mùa thu năm 9 tuổi, gia đình nghèo đến độ không có gì để ăn, cậu bé Konosuke năm đó đã phải đi tìm việc làm để gia đình khỏi chết đói, bỏ dở việc học rồi cả thời niên thiếu phải liên tục làm việc quần quật trong các quán ăn.
"Nghịch cảnh có thể tôi luyện một người, cũng có thể hủy hoại một người. Người can đảm, coi nghịch cảnh như một bài sát hạch, luôn giữ cho mình lửa nhiệt huyết, nghiến răng chịu đựng, in dấu chân lên từng bước đi, bước vào gian khổ cũng vẫn kiên trì. Kẻ yếu đuối, luôn đứng trước bản đồ dò đường, mơ tưởng đến ngồi mát ăn bát vàng, không dám đối diện khó khăn, thậm chí dấn thân vào con đường phạm pháp". Sau này với hứng thú trong ngành sản xuất điện tử, ông dần dần trở thành một thợ điện, rồi từng bước đi lên với đế chế Panasonic, Nationa, Nais, Sanyo,…
Tuy nhiên, nếu Soichiro Honda tìm kiếm nhân tài có cá tính tự do thì Matsushita Konosuke lại tuyển dụng triệt để những nhân tài thích hợp với tổ chức.
Ông nhấn mạnh rằng những người nghĩ chỉ có mình thông minh và không chịu lắng nghe ý kiến của người khác thì không những không hỗ trợ được tổ chức mà còn gây ảnh hưởng xấu đến cả bộ máy tổ chức.
Từng có câu chuyện rằng: có một người tốt nghiệp đại học đầu quân vào Công ty Matsushita trong thời kỳ đầu khi ông vừa mới xây dựng công ty. Cử nhân đó thực sự là một nhân tài nhưng ông lại bố trí cho nhân viên mới đó làm phụ trách bếp.
Matsushita Konosuke tuyển dụng triệt để những nhân tài thích hợp với tổ chức.
Đường đường chính chính là một cử nhân mà lại phải đi làm công việc không xứng đáng, nhưng cử nhân này lại làm việc vô cùng chăm chỉ. Một năm sau, công sức này đã có tác dụng khi cử nhân này được lệnh chuyển đến bộ phận nòng cốt của công ty, được Matsushita theo dõi sát sao và bồi dưỡng để trở thành nhân tài phù hợp với tổ chức.
Matsushita còn tự mình phỏng vấn các ứng viên và ông thường hỏi: "Cho đến lúc này cậu có nghĩ rằng mình may mắn không?". Những người trả lời "Không" sẽ bị loại. Trái lại, những ai trả lời "Có" sẽ được tuyển chọn.
Lí do là vì ông cho rằng những người có thể nói ra bằng miệng rằng "tôi may mắn" thì trong tâm khảm của người này chắc chắn sẽ có hàm ý cảm ơn mọi người xung quanh rằng: "Thành công này không phải chỉ bằng công sức của riêng bản thân tôi." Ví dụ này đã chứng tỏ ông rất coi trọng người có tinh thần và biết thay đổi mình để phù hợp hơn với tổ chức. Ngược lại, những người quá ưu tú mà tự cao sẽ không có ích cho công ty.
Tìm hiểu trước văn hóa của tổ chức cũng là một điều rất quan trọng đối với mọi ứng viên trước khi ứng tuyển vào bất cứ công ty nào.
Matsushita Konosuke cho rằng người có lòng biết ơn dù không thể ngay lập tức trở nên xuất sắc nhưng chắc chắn sẽ trở thành một người tài giỏi và lương thiện.
Nếu khách hàng hỏi: "Công ty Điện khí Matsushita là công ty sản xuất cái gì?" thì các nhân viên sẽ trả lời rằng: "Công ty Điện khí Matsushita là công ty tạo nên con người song song với việc làm ra sản phẩm."
Ông cho rằng niềm tin "khởi nguồn của lợi nhuận doanh nghiệp chính là con người" quý giá như vàng ngọc. Câu nói này không chỉ là một lời nói suông mà nó được kế thừa thành truyền thống xuyên suốt của Công ty Matsushita.
Như vậy, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa tinh thần tuyển dụng của hai trong số những công ty lớn và hùng mạnh nhất Nhật Bản. Tìm hiểu trước văn hóa của tổ chức cũng là một điều rất quan trọng đối với mọi ứng viên trước khi ứng tuyển vào bất cứ công ty nào.