2 SIM và selfie là cách smartphone Trung Quốc lấn lướt Apple và Samsung

11/06/2017 20:23 PM | Công nghệ

Người chơi hàng đầu trên thị trường smartphone châu Phi không phải Apple hay Samsung mà là Transsion, một nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.

Transsion có các sản phẩm mang nhãn hiệu Tecno, itel và Infinix, đã phát triển điện thoại 2 SIM sau khi nghiên cứu cho thấy mọi người thường mang theo SIM dự phòng để không phải gọi ngoại mạng, tiết kiệm chi phí. Nó cũng tối ưu hóa camera để chụp ảnh chân dung người da màu đẹp hơn.

Arif Chowdhry, Phó Chủ tịch Transsion, cho biết: “Chúng tôi không muốn mang đến những gì chúng tôi có mà là những gì khách hàng cần”.

Lối tư duy này phần nào giải thích vì sao các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chiếm hơn 40% thị phần smartphone toàn cầu trong quý đầu năm 2017, tăng gấp đôi 5 năm trước, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC. Trong khi đó, thị phần Samsung và Apple lại giảm 3,5% so với năm 2016.

Một câu trả lời khác có thể tìm thấy ở Pearl River Delta, trung tâm công nghệ phía Nam Trung Quốc. Trừ Xiaomi ở Bắc Kinh, phần lớn trong số hơn 20 nhà sản xuất smartphone nước này đều đặt tại đây, khu vực giàu kiến thức kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phong phú.

Thâm Quyến là quê hương của Huawei, ZTE, Trassion, BBK (công ty sở hữu Oppo và Vivo), TCL. Trung Quốc là thị trường thay đổi nhanh chóng, bằng chứng là Xiaomi từ vị trí số 1 năm 2015 đã rơi xuống vị trí số 5 năm 2016. Cuộc chiến nằm ở giá cả và tính năng cạnh tranh, trong đó Thâm Quyến chính là sàn đấu.

Từng được biết đến như một trung tâm sản xuất hợp đồng cho các gã khổng lồ phương Tây, Thâm Quyến đã khai sinh ra hàng loạt startup nội nhờ kết hợp giữa sản xuất giá rẻ và kỹ thuật công nghệ cao.

Li Dongsheng, Chủ tịch TCL, công ty xếp trong 5 top 5 nhà sản xuất smartphone Mỹ, nhận xét: Ấn tượng về các công ty Trung Quốc không giỏi sáng tạo đã là của 3 năm trước, không còn đúng với hiện tại nữa.

Oppo, thương hiệu smartphone lớn nhất Trung Quốc tính theo thị phần, bắt đầu chế tạo điện thoại 8 năm trước, chỉ gây chú ý vì thiết kế đơn giản như camera được tạo hình theo nụ cười. Ngày nay, ưu điểm lớn nhất của nó là tính năng “làm đẹp”, làm cho các bức ảnh selfie của mọi người đẹp hơn và tính năng sạc nhanh.

Alen Wu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc marketing của Oppo tại thị trường Trung Quốc, cho biết công ty thường kiểm tra các kênh khách hàng, thực hiện khảo sát lớn để tìm ra người dùng thực sự cần gì và muốn gì, rồi sáng tạo theo hướng đó.

Năm 2016, tỉ lệ điện thoại Oppo bán được so với Apple là 3:2. Một năm trước, Oppo chưa thể so với đại gia của Mỹ. Ngày nay, Oppo đang ứng dụng chiến lược trên thị trường quốc tế. Tại Đông Nam Á và Ấn Độ, nơi hãng nhận thấy người dùng thích chụp ảnh “tự sướng”, Oppo đã cho ra đời các ống kính góc rộng được thiết kế để chụp ảnh cả nhóm. Nhà sản xuất Trung Quốc còn thông báo kế hoạch mở rộng nhà máy tại Indonesia, mở thêm một nhà máy tại Ấn Độ và tiến vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi.

Tương tự, Huawei củng cố dòng sản phẩm smartphone, đặt nhiều nỗ lực vào camera, bao gồm cả đưa hiệu ứng chụp xóa phông tương tự iPhone 7 Plus vào thiết bị chỉ có giá bằng 1/3 iPhone. Shao Yang, Chủ tịch chiến lược tiếp thị bộ phận tiêu dùng của Huawei, tiết lộ: “Trên thị trường smartphone, cái chúng tôi làm là đuổi kịp đối thủ thông qua sáng tạo. Trong giai đoạn tới, chúng tôi hi vọng dẫn đầu nhờ cung cấp trải nghiệm tốt nhất và sản phẩm tốt nhất cho người dùng”.

Còn tại Transsion, điện thoại 2 SIM được giới thiệu sau khi họ để ý người châu Phi thường mang 2 SIM để đổi do cước gọi ngoại mạng đắt hơn nội mạng. Họ cũng nhận thấy khách hàng thích chụp ảnh tự sướng nhưng lại thất vọng vì làn da đen của họ chụp lên không đẹp. Vì vậy, Transsion đã can thiệp vào thuật toán trên camera để lấy sáng nhiều hơn, tăng độ rõ của ảnh. Nhờ đó, Transsion trở thành nhà sản xuất điện thoại hàng đầu châu Phi năm 2016 với 38% thị phần, vượt qua cả Apple và Samsung.

Tại các thị trường mới nổi như châu Phi và Ấn Độ, giá bán thấp vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các hãng Trung Quốc cũng đang có bước tiến tại Mỹ. Họ tăng thị phần lên 19% năm 2016 từ 13% năm 2012. TCL, công ty mua quyền sử dụng nhãn hiệu điện thoại BlackBerry năm ngoái, dự định sử dụng tên tuổi BlackBerry để tiến vào phân khúc cao cấp.

Ngoại trừ người dùng Apple, khách hàng Mỹ khá thực dụng và không mấy trung thành. Điều đó tạo nên cơ hội cho thương hiệu mới chen chân vào. Tuy vậy, sự tương đồng giữa các nhà sản xuất và thiếu hụt nhận diện thương hiệu như Apple lại khiến họ phải đấu tranh tìm người mua. Thách thức dành cho những công ty này là làm thế nào để khác biệt hóa so với đối thủ đồng hương.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM