18 doanh nghiệp thép “kêu cứu” vì thép cuộn ồ ạt vào Việt Nam

19/12/2016 08:58 AM | Xã hội

Các doanh nghiệp thép cho rằng đang có tình trạng lẩn tránh thuế của mặt hàng thép cuộn khi vào Việt Nam...

18 doanh nghiệp thép vừa có kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nhanh chóng xử lý hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam. Trong 18 doanh nghiệp gửi kiến nghị trên có cả Hoà Phát, thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, thép Pomina, Thép Vina Kyoei, Thép VSC - Posco, thép Việt Đức, Việt Ý…

Cụ thể, ngày 7/3/2016 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ đã có tác dụng lên ngành sản xuất thép trong nước nói chung, đặc biệt là ngành sản xuất phôi thép. Lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng 10 tháng năm 2016 tăng lần lượt 20,8% và 21,5% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng sản xuất phôi thép đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp thoát lỗ, có lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, văn bản của 18 doanh nghiệp thép cho biết, từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, doanh nghiệp nhập khẩu kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép dây cuộn, hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm hiện thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại.

Thống kê cho thấy, trước khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn được nhập khẩu kê khai vào mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%, 10 tháng năm nay lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.

Thay vào đó, xuất hiện tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015. Riêng tháng 10, việc nhập khẩu tăng cao kỷ lục là 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.

“Cùng với sự tăng lên về lượng nhập khẩu là sự xuất hiện các doanh nghiệp nhập khẩu mới mà trước đây chưa từng nhập mã này. Năm 2015, có khoảng hơn 30 doanh nghiệp nhập khẩu mã 7213.91.90, song 10 tháng đầu năm 2016 lượng doanh nghiệp nhập khẩu đã lên tới khoảng 70 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp xuất hiện mới đều là công ty thương mại”, văn bản nêu.

Theo các doanh nghiệp thép, đây cũng chính là các công ty trước đây nhập mã 7227.90.00 và đứng hàng đầu trong các công ty nhập mã 7213.91.90 nhiều nhất 10 tháng 2016.

Nhóm doanh nghiệp này cũng cho rằng, các tiêu chuẩn kỹ thuật mà các doanh nghiệp kê khai khi nhập khẩu mã 7213.91.90 đều là các mác thép của loại thép carbon thông dụng, có các giới hạn kỹ thuật nằm trong giới hạn của thép làm cốt bê tông.

Các lô hàng thép cuộn mà các doanh nghiệp nhập khẩu theo mã này mặc dù theo mô tả hải quan là không làm thép cốt bê tông nhưng hoàn toàn có thể được sử dụng như thép cốt bê tông.

Trước tình trạng trên, 18 doanh nghiệp thép kiến nghị Bộ Tài chính, Công Thương điều tra mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại và đưa những mã này vào danh mục hàng hoá cần kiểm soát chặt nhằm ngăn chặn việc chuyển mã để hưởng chênh lệch thuế.

Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo quy hoạch sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với nội dung đáng chú ý là tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, phù hợp với quy định thương mại quốc tế, để đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước.

Liên quan đến việc lẩn tránh thuế này, dự kiến sáng ngày 19/12, Bộ Công Thương sẽ có cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp thép.

Theo Bạch Dương/VnEconomy

Cùng chuyên mục
XEM