1,2 triệu du học sinh Trung Quốc bơ vơ nơi quê nhà: Chẳng mấy doanh nghiệp muốn nhận, bị chê thiếu kinh nghiệm và 'chảnh'

20/11/2023 15:45 PM | Kinh doanh

Hàng loạt quốc gia siết chặt visa để bảo vệ việc làm cho công dân địa phương, đẩy hàng triệu du học sinh phải khăn gói về nước. Thế nhưng thị trường lao động nội địa cũng khó khăn không kém.

1,2 triệu du học sinh Trung Quốc bơ vơ nơi quê nhà: Chẳng mấy doanh nghiệp muốn nhận, bị chê thiếu kinh nghiệm và 'chảnh' - Ảnh 1.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay hơn 1,2 triệu du học sinh tốt nghiệp của Trung Quốc trở về quê nhà tìm việc trong năm 2023 đã phải cạnh tranh với mức kỷ lục 11,6 triệu cử nhân tốt nghiệp nội địa.

Hậu quả là từ những lao động sáng giá, của quý của các công ty thì những du học sinh này nay lại trở thành đồ bỏ đi trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, thất nghiệp gia tăng.

Trên thực tế, không phải du học sinh nào cũng muốn về nước nhưng các nền kinh tế khác đã thắt chặt visa để đảm bảo lượng việc làm cho công dân nước họ, buộc các cử nhân Trung Quốc phải trở về quê tìm cơ hội.

Chẳng ai thèm phỏng vấn

Tháng 4/2023, du học sinh Gan Zipping tốt nghiệp trường Meiji University tại Nhật Bản đã quay về Trung Quốc tìm việc.

1,2 triệu du học sinh Trung Quốc bơ vơ nơi quê nhà: Chẳng mấy doanh nghiệp muốn nhận, bị chê thiếu kinh nghiệm và 'chảnh' - Ảnh 2.

Thế nhưng cho đến tận tháng 10 cùng năm, cử nhân này vẫn chẳng thể kiếm nổi một cuộc phỏng vấn tử tế dù đã gửi đi hàng trăm bản hồ sơ.

“Tôi thậm chí còn chẳng kiếm được một lời mời phỏng vấn tuyển dụng nào”, cậu Gan buồn bã nói với Nikkei khi cho biết những du học sinh như mình cũng đang lâm vào cảnh thất nghiệp tương tự.

Anh Gan không phải duy nhất khi số liệu của 51job Inc cho thấy hơn 1,2 triệu du học sinh nước ngoài đã trở về Trung Quốc tìm việc trong năm nay, phá kỷ lục 1,05 triệu người trở về năm 2021 theo báo cáo của Bộ giáo dục, và rất nhiều trong số du học sinh về nước thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm như ý.

Một ví dụ khác là anh Gao Yang, cử nhân tại đại học Oregon State University và là thạc sỹ trường đại học Warwick.

Ban đầu anh Gao đặt mục tiêu làm việc tại một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc khi về nước, thế nhưng giờ đây vị du học sinh này lại là nhân viên của một hãng cung cấp dịch vụ du học nước ngoài trong vị trí quản lý thực tập sinh ở Bắc Kinh.

Mặc dù chưa hài lòng về công việc do không tương xứng với bằng cấp, anh Gao vẫn chấp nhận vị trí này bởi trong 6 tháng tìm việc, vị thạc sỹ này nhận ra có quá nhiều người trình độ cao chẳng kém mình, tốt nghiệp từ các trường hàng đầu Trung Quốc hay thậm chí nước ngoài cũng phải khó khăn cạnh tranh phỏng vấn.

Tình hình này đã khiến rất nhiều sinh viên Trung Quốc trì hoãn việc tốt nghiệp để tránh phải gia nhập thị trường lao động vốn đang ảm đạm.

Vào tháng 3/2023, truyền thông địa phương cho hay có khoảng 285.000 sinh viên tốt nghiệp ở Bắc Kinh trong năm nay. Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử, số người tốt nghiệp thạc sỹ cao hơn cử nhân.

Về phía người tuyển dụng, các doanh nghiệp đã phải nâng cao tiêu chuẩn với du học sinh nước ngoài khi nguồn cung quá thừa.

Báo cáo của Tập đoàn công nghệ giáo dục Phương đông (NOETG) cho thấy hơn một nửa số nhà tuyển dụng hiện nay đòi hỏi các du học sinh phải có bằng thạc sỹ hoặc tiến sĩ mới chịu phỏng vấn.

Về chẳng được, ở lại cũng không xong

Thị trường lao động trong nước ảm đạm như vậy nhưng ngay cả ở nước ngoài, du học sinh Trung Quốc cũng gặp khó khăn không kém khi hàng loạt nền kinh tế thắt chặt visa để đảm bảo việc làm cho công dân.

1,2 triệu du học sinh Trung Quốc bơ vơ nơi quê nhà: Chẳng mấy doanh nghiệp muốn nhận, bị chê thiếu kinh nghiệm và 'chảnh' - Ảnh 3.

Ví dụ Singapore gần đây đã áp dụng hệ thống tính điểm mới cho visa lao động hạng EP, vốn thường được cấp cho các chuyên gia nước ngoài.

Theo đó dù là chuyên gia nước ngoài, du học sinh hệ tiến sĩ nếu muốn làm việc tại đây phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe để được tính điểm cấp visa. Hệ thống này có hiệu lực từ đầu tháng 9/2023.

Với những visa hạng thấp hơn cho lao động phổ thông hay các cử nhân thường, Singapore sẽ áp dụng chế độ hạn ngạch (quota) với 10% công việc ngành dịch vụ và 15% việc làm ngành xây dựng, sản xuất.

Tương tự, Anh cũng đã nâng lệ phí làm visa cho lao động nước ngoài có tay nghề cao từ 25.600 Bảng lên 26.200 Bảng. Động thái này sẽ khiến các nhà tuyển dụng phải thanh toán nhiều chi phí hơn nếu muốn thuê lao động nước ngoài.

Xin được nhắc rằng sinh viên nước ngoài sẽ phải tìm được nhà tuyển dụng chấp nhận tài trợ làm visa lao động cho họ.

Đây là một trong những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp không ưa thích nhân viên quốc tế do tốn nhiều chi phí hơn, đi kèm với đó là sự phức tạp của thủ tục hành chính và các quy định rườm rà.

“Có rất nhiều công dân Anh không tìm được việc làm, vậy tại sao họ lại phải thuê những người như chúng tôi”, thạc sĩ Yang Han tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học kinh tế và khoa học chính trị London năm 2023 ngán ngẩm nói.

Tờ Nikkei cho hay những chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại Mỹ khi các doanh nghiệp tuyên bố rõ ràng rằng chỉ tuyển dụng người địa phương hoặc đang có thẻ xanh. Thậm chí nhiều công ty còn rút lại lời mời tuyển dụng với các sinh viên quốc tế.

Hết thời

Theo Nikkei, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng lẫn du học sinh nhận ra bằng cấp nước ngoài đã mất đi tính cạnh tranh ở Trung Quốc. Ưu thế lớn nhất về mặt ngoại ngữ hiện nay đã bị suy yếu khi Internet làm xóa nhòa rào cản học tập trực tuyến.

Trong khi đó, các du học sinh thường thiếu kinh nghiệm thực tập trong nước, không phù hợp chuyên ngành, kinh nghiệm và môi trường địa phương hay thiếu các mối quan hệ đã khiến bằng cấp nước ngoài của họ chẳng khác gì tờ giấy vô giá trị.

1,2 triệu du học sinh Trung Quốc bơ vơ nơi quê nhà: Chẳng mấy doanh nghiệp muốn nhận, bị chê thiếu kinh nghiệm và 'chảnh' - Ảnh 4.

Thậm chí nhiều nhà tuyển dụng Trung Quốc còn có thành kiến với du học sinh khi cho rằng việc đi nước ngoài là do không thi nổi đại học top đầu trong nước, bị gia đình “đuổi” đi du học vì quá hư hỏng hay tâm lý du học sinh là “cậu ấm cô chiêu” hay đua đòi.

Trả lời Nikkei, rất nhiều nhà tuyển dụng cho hay họ không hài lòng hoặc không muốn dính vào du học sinh bởi đối tượng này khó quản lý hơn, có nhiều ý tưởng kỳ lạ hơn và “chảnh” hơn những cử nhân trong nước.

Ngay cả ở mảng kỹ thuật, nhiều cử nhân tốt nghiệp trường đại học Trung Quốc có tay nghề và trình độ không hề thua kém quốc tế, thậm chí có phần trội hơn nhờ quen thuộc với phong cách và thị trường nội địa.

Rõ ràng, du học sinh từ những “của quý” của thị trường lao động thì giờ đây đang dần trở thành “đồ thừa” ở Trung Quốc.

*Nguồn: Nikkei Asian Review

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM