11.000 dòng tweet định hình nhiệm kỳ Tổng thống Trump
Twitter trở thành công cụ kết nối Tổng thống Trump với người dân, nó cũng góp phần định hình nên một nhiệm kỳ khác biệt của Tổng thống Mỹ thứ 45 so với những người tiền nhiệm.
Trong Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump tỏ ra bất mãn sau khi kết thúc cuộc tranh luận với các trợ lý. Ông thò tay vào ngăn kéo, lấy chiếc Iphone, ném nó tên bàn nói: "Các anh có muốn tôi giải quyết việc này ngay bây giờ không".
Cách giải quyết mà ông Trump ám chỉ là phát đi dòng Tweet bố cáo với cả thế giới. Với một cú động tay, nhà lãnh đạo đưa ra chỉ thị mà các trợ lý của ông không làm cách nào có thể vãn hồi.
Biểu đồ thống kê số tweet của Tổng thống Trump từ năm 2017. Phần màu vàng là các tweet ông dùng để công kích một đối tượng nào đó. (Đồ họa: NYT)
Trump có thể tính là một người nghiện Twitter, ông sử dụng nó như một "khẩu súng kỹ thuật số", bắn đi các thông tin từ quan trọng cho tới vô thưởng vô phạt.
Nền tảng mạng xã hội này từ đó trở thành một kết cấu trong chính quyền, định hình lại bản chất và quyền lực của ông chủ Nhà Trắng.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự vào miền Bắc Syria, ông viết hàng loạt các tweet trái ngược.
Khi tuyên bố tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc cách đây vài tháng, ông viết tweet làm căng thẳng hơn nữa quan hệ 2 nước.
Trước đó vài tháng, ông gạt qua một bên 50 năm chính sách Mỹ, tweet công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan.
"Bùm. Tôi nhắn nó. Chỉ trong vòng 2 giây, chúng ta có tin mới", ông Trump nói tại một cuộc họp ở Nhà Trắng.
"Ông cần tweet như chúng ta cần ăn vậy", ông Kelly Conway, cố vấn Nhà Trắng, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Trong một nhiệm kỳ tổng thống "không giống ai", ông Trump thức dậy cùng Twitter, đi ngủ với nó, sử dụng nó như một công cụ để gửi đi thông điệp tới kẻ thù, đối thủ hay ca ngợi bản thân.
Các số liệu thống kê chỉ ra rằng kể từ khi lên nắm quyền, ông chủ thứ 45 của Tòa Bạch Ốc cho ra đời hơn 11.300 tweet. Tuần thứ 2 của tháng 10 ghi nhận kỷ lục với 271 tweet.
Với các tweet công kích, ông Trump thường viết vào sáng sớm hoặc tối muộn, thời điểm không có các cố vấn bên cạnh.
Theo thống kê cụ thể của NYT, kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 20/1/2017 tới cuối tháng 10/2019, ông Trump tweet 1.159 lần về nhập cư và bức tường biên giới, 521 lần về thuế quan.
Ông dành hơn 100 tweet ca ngợi các nhà lãnh thế giới, nhưng phàn nàn gấp đôi về các đồng minh truyền thống của Mỹ.
Twitter cũng trở thành văn phòng nhân sự của Trump, nơi ông tuyên bố về sự ra đi của hơn 20 chục quan chức hàng đầu trong chính quyền.
Hơn một nửa trong số các bài đăng của nhà lãnh đạo Mỹ - 5.889 dùng để công kích một ai đó hoặc một vấn đề gì đó, từ cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Cục dữ trự liên bang, chính quyền trước đây, đảng Dân chủ cho tới các quan chức chỉ trích ông.
Gần bằng một nửa trong số này - 2.026 tweet ông Trump viết ra để tự khen năng lực lãnh đạo của bản thân. Bất chấp việc những người xung quanh thừa nhận các tweet của ông có thể gây ra thiệt hại về chính trị, Trump vẫn tự tin rằng mình hoàn toàn làm chủ được Twitter và coi nó như phong cách của riêng mình, khác biệt với những người tiền nhiệm.
Với cựu Tổng thống Obama, một dòng tweet của ông đánh dấu một quá trình cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng với Trump, Twitter là bước khởi đầu cho việc thực hiện một chính sách.
"Ông ấy có thể đẩy mọi thứ đến mức hỗn loạn. Chúng ta sẽ cảm thấy bối rối, khó chịu hoặc bất cứ điều gì đó, đó là cách khiến ông ấy tiếp tục", Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Peter King cho hay.
Theo thời gian, ông Trump biến Twitter thành một phương tiện liên lạc của Tổng thống, "cơ quan ngôn luận" của chính quyền.
Các cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc do thư ký báo chí Nhà Trắng chủ trì, nghi thức kéo dài trong nhiều thập kỷ của trở nên cực kỳ ít ỏi. Trên thực tế, kể từ khi ông Trump nhậm chức, các trợ lý đã quyết tâm hạn chế những màn "múa bàn phím" của nhà lãnh đạo Mỹ trên Twitter.
Họ từng đề nghị ông Trump bỏ dùng Twitter trong 2 ngày. Ông ban đầu chấp nhận nhưng sau đó nhanh chóng gạt bỏ cam kết. Thời gian tweet ưa thích của ông Trump là vào buối sáng, từ 6h dến 10h khi ông ở Nhà Trắng và nắm được các thông tin từ ngày hôm trước, xem Fox News.
Ông nhận thức sâu sắc về số lượng người theo dõi của ông, coi họ là những độc giả trung thành với mỗi dòng tweet ông viết.
Và khi cuộc bầu cử 2020 đang đến gần, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng mạng xã hội này như công cụ kết nối với cử tri. Đây được xem là lợi thế rất lớn của ông Trump bởi không một đối thủ Dân chủ nào có lượng theo dõi trên Twitter nhiều như ông.
Một số phụ tá chiến dịch tranh cử của Tổng thống cũng thừa nhận rằng họ coi Twitter như một công cụ để mang tới cử tri Mỹ hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, dám nói, dám làm.
Mọi người đều có thể cập nhật được dòng tweet của ông Trump ngay lập tức, từ bà mẹ nội trợ, thợ sửa ống nước, giám đốc điều một công ty cho tới phóng viên Nhà Trắng.