100% công nhân không muốn tăng tuổi hưu

20/12/2016 09:21 AM | Xã hội

Gần 70% người lao động muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu, nữ 55, nam 60, số còn lại muốn giảm tuổi nghỉ hưu xuống so với hiện hành.

Kết quả trên được ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cung cấp bên lề hội nghị đánh giá tác động về sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan đến tuổi nghỉ hưu , giờ làm thêm do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 19-12. Khảo sát được viện này thực hiện mới đây với hơn 4.000 người lao động trong các khu công nghiệp (KCN).

Ông Thọ cho rằng 100% người lao động sản xuất trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu là rất dễ hiểu. Còn lượng người muốn tăng tuổi hưu chủ yếu rơi vào các đơn vị hành chính sự nghiệp. Đây là những công việc không vất vả, tiền lương cao, đôi lúc còn có bổng lộc.

Muốn hưu sớm vì sức khỏe cạn kiệt

Chiều 19-12, trao đổi với PV, anh Nguyễn Cường (26 tuổi) làm việc tại Công ty TNHH Mainetti Việt Nam, có trụ sở ở Đồng Nai, cho rằng đối với những công nhân làm việc trực tiếp như anh thì việc tăng tuổi nghỉ hưu không ai đồng tình. “Công nhân làm việc khu vực sản xuất rất vất vả, cuộc sống khó khăn. Muốn tích lũy cho bản thân thì phải tăng ca liên tục. Với lượng công việc như vậy thì trên 40 tuổi sức khỏe của tôi chắc cũng không còn đáp ứng được nữa, nói gì đến 60” - anh Cường nói.

Cũng với ý kiến không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu, chị Nguyễn Thị Thương (45 tuổi) đã có tám năm làm công nhân may tại KCN Amata, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Chị Thương cho rằng đa số người làm công nhân như chị đều về hưu trước tuổi. “Chúng tôi biết nghỉ hưu sớm thì mức hưởng lương hưu sẽ không cao nhưng sức khỏe không còn đủ để làm việc. Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp cũng không muốn những người già như chúng tôi làm, họ muốn thay thế bằng lực lượng lao động trẻ, năng động. Vì vậy, tôi đề nghị giảm tuổi hưu đối với những người làm nghề công nhân vất vả như chúng tôi xuống 50 chứ không phải tăng lên” - chị Thương chia sẻ.

Anh Huỳnh Văn Tài (33 tuổi), công nhân bốc xếp cà phê ở KCN Biên Hòa 2, cũng cho rằng không nên tăng tuổi hưu đối với người lao động trực tiếp, nặng nhọc. “Tăng tuổi hưu lên nữa sức khỏe sẽ không đủ để làm, đôi lúc chết trước tuổi hưu cũng không chừng” - anh Tài nói.

100% công nhân không muốn tăng tuổi hưu - Ảnh 1.

Đa số công nhân nữ không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: HTD

Nỗi lo dân số già, vỡ quỹ

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước đang có 300.000 người lao động có trình độ đại học, trên đại học thất nghiệp. “Như vậy, thị trường lao động đã qua đào tạo của Việt Nam cung đang nhiều hơn cầu. Số lượng lớn người trẻ thiếu việc làm đang chờ ai đó nghỉ hưu để chen chân vào. Nhưng nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì số lao động trẻ đó sẽ không có việc làm” - ông Vũ Quang Thọ nói.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, ông Thọ khẳng định khoảng 10 năm nữa, khi nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, hệ thống an sinh xã hội tốt hơn thì mới bàn đến chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, giờ chưa nên bàn. “Điều chúng ta nên bàn giờ là tìm cách cho lực lượng lao động trẻ có trình độ tìm được việc làm” - ông Thọ nhấn mạnh.

Với tư cách phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng ông không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, vì có một số điều chưa đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân và là chuyên gia, ông cho rằng đã đến lúc phải tính toán để nâng tuổi nghỉ hưu. Nguyên nhân Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh, sức khỏe người dân được cải thiện, tuổi thọ bình quân tăng lên, nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH…

“Mặc dù tuổi nghỉ hưu quy định nữ 55 và nam 60, song thực tế tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ là 54,2 năm, trong đó nam 55,6 tuổi, nữ 52,6 tuổi. Quy định tuổi nghỉ hưu thấp dẫn đến thời gian tham gia đóng BHXH ngắn trong khi thời gian hưởng hưu trí dài nên dễ dẫn tới nguy cơ mất cân đối quỹ. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một trong nhiều giải pháp để đảm bảo bền vững quỹ hưu trí và tăng thêm thu nhập khi người lao động nghỉ hưu” - ông Lợi phân tích.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng việc tăng tuổi phải làm sao vừa giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng cũng không được lãng quên nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn. Nếu để lao động trẻ thiếu việc làm, thất nghiệp thì lãng phí gấp bội.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, bộ này đã đưa ra hai phương án về tuổi hưu.

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu giữ như hiện hành, nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.

Phương án 2 là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Cụ thể, kể từ ngày bộ luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nhưng cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi…

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu không tăng tuổi nghỉ hưu thì Nhà nước sẽ mất đi những đóng góp to lớn từ những người lao động có thâm niên, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Gần 40% người cao tuổi vẫn đang làm việc khi nghỉ hưu, trong đó trên 60% trong độ tuổi 60-69 là tỉ lệ không nhỏ. Đặc biệt, theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), quỹ BHXH sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và cạn kiệt năm 2034 nếu không thay đổi chính sách.

Theo Viết Long - Tiến Dũng

Cùng chuyên mục
XEM