10 năm nữa, Việt Nam sao bằng BangKok mà họ vẫn đầy xe máy!
Xung quanh việc Hà Nội dự tính từ nay đến năm 2025 sẽ cấm hoàn toàn xe máy trong nội đô, PGS.TS Bùi Xuân Cậy (làm việc tại Đại học Giao thông Vận tải) cho biết, có thể hạn chế bớt xe máy để bớt ô nhiễm nhưng nếu nói cấm hoàn toàn thì khó.
Như tin đã đưa, sáng 27/6, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng Bộ TP Hà Nội, Thành ủy Hà Nội cho biết đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo chương trình 06 “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”.
Tại chương trình số 06 này, Thành ủy Hà Nội đã đặt ra mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình cụ thể. Theo đó, định hướng đến năm 2025 TP Hà Nội sẽ dừng hoạt động của xe gắn máy cá nhân trong nội đô.
Như vậy đây là lần đầu tiên nội dung hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Infonet chiều ngày 28/6, PGS.TS Bùi Xuân Cậy cho rằng, nếu giao thông công cộng phát triển thì nên hạn chế phương tiện cá nhân, có thể hạn chế bớt xe máy cho bớt ô nhiễm nhưng nếu nói cấm hoàn toàn thì rất khó.
Theo quan điểm của PGS.TS Bùi Xuân Cậy, ngay cả việc cấm xe máy trong nội đô cũng vậy. Vì không lẽ người ta có xe máy, họ không đi đến chỗ này chỗ kia?
“Tôi nghĩ là hạn chế xe máy thì cũng ủng hộ để bớt ô nhiễm nhưng liệu đến năm 2025 giao thông công cộng có phát triển hay không? Có được mấy tuyến tàu ngầm? Đến năm 2020 mới có tuyến đường sắt trên cao số 3 còn các tuyến khác phải chờ thì 10 năm nữa bao giờ mới có hệ thống giao thông hiện đại để cấm?”, PGS.TS Bùi Xuân Cậy đặt câu hỏi.
Theo ông Cậy, nếu TP cấm hoàn toàn xe máy thì không được nhưng hạn chế thì ông cũng ủng hộ. Nếu cấm người ta đi xe máy thì giao thông công cộng phải đảm bảo 100% nhưng không thể làm được điều này.
Ông đưa ra dẫn chứng, ngay ở các nước người ta phấn đấu kịch liệt còn không đảm bảo được giao thông công cộng đáp ứng được 50%. Còn 50% là giao thông cá nhân và đi bộ. Bây giờ bảo cấm xe máy mà người ta chuyển sang đi ô tô thì còn tắc nữa. Bởi vì đi một cái ô tô con còn tắc bằng mấy lần cái xe máy.
PGS.TS Bùi Xuân Cậy đưa ra ví dụ ngay ở Indonesia cho thấy, nhiều ô tô quá người ta vẫn phải thành lập các đội xe ôm bằng xe máy. Hay như Đài Loan giàu hơn Việt Nam rất nhiều, đường phố vẫn… đầy xe máy. Thái Lan cũng vậy, 10 năm nữa, Việt Nam sao bằng BangKok bây giờ thế mà họ vẫn đầy xe máy.
“Theo tôi nghĩ chẳng có nước nào giao thông công cộng “nhìn nhận” được tất cả. Lý tưởng nhất người ta phấn đấu chuyển tải được 50% số người đi bằng phương tiện giao thông công cộng còn 50% số người đi bằng phương tiện cá nhân và đi bộ”, ông Cậy nói.
Đề cập đến năng lực vận chuyển của hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội, PGS.TS Bùi Xuân Cậy cho biết, hiện nay Hà Nội mới đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, còn 90% là giao thông cá nhân.
“Tuy mới đáp ứng được 10% nhu cầu thực tế nhưng thành phố đã phải bù lỗ 1.200 tỷ. Bây giờ nếu tăng lên 30-40%, nhà nước mỗi năm sẽ phải bù lỗ mỗi năm 5.000 tỷ thì TP có tiền bù lỗ?”, ông Cậy đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân là chủ trương đúng, nhưng điều quan trọng là giải quyết bài toán phương tiện thay thế cho xe cá nhân của người tham gia giao thông ra sao.
Theo ông Thanh, hiện nay thế giới cũng như các nước họ đã làm được, không khó khăn, thậm chí làm rất tốt, nhưng chúng ta có đủ tiềm lực đầu tư, có chính sách quyết liệt để thực hiện được hay không mới là vấn đề quan trọng. Phải trả lời được câu hỏi: Từ nay đến năm 2020 chúng ta sẽ làm gì?
Theo ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, để làm được việc cấm xe máy đầu tiên phải có quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông phát triển tốt, rồi sau đó đến vận tải công cộng thì mới hạn chế được phương tiện cá nhân. Kết cấu hạ tầng phải đi trước rồi đến các phương tiện công cộng phát triển, sau đó mới được cấm phương tiện cá nhân.