1/6 là ngày vui của thiếu nhi, nhưng vẫn có hàng triệu trẻ em không được cười trên thế giới này

01/06/2016 13:46 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngày 1/6 là Ngày Quốc tế thiếu nhi và là dịp vui với mọi trẻ em trên thế giới. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn là hàng trăm triệu trẻ em vẫn đang bị bóc lột lao động trên thế giới và không được hưởng những quyền chính đáng mà các em đáng được hưởng.

Theo Ngân hàng Thế giới World Bank, năm 2013 vẫn còn khoảng 168 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 phải lao động và không được hưởng những quyền thiết yếu trên toàn thế giới.

Hiện có khoảng 60% lao động trẻ em hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 25% làm trong các ngành dịch vụ và 15% còn lại là trong những ngành công nghiệp sản xuất.

Trái với nhiều dự đoán, khoảng 2/3 số lao động trẻ em hoạt động dưới danh nghĩa hỗ trợ cha mẹ kinh doanh và không được trả lương, chỉ có không đến 3% lao động trẻ em là phải làm việc xa gia đình hoặc bị tách biệt hoàn toàn khỏi cha mẹ.

Nếu phân theo khu vực, hiện Châu Á có khoảng 22% số trẻ em là đang bị bóc lột lao động, tỷ lệ này là 32% tại Châu Phi và 17% tại Châu Mỹ Latinh. Ngay cả những nước giàu như Mỹ, Canada hay Châu Âu vẫm còn khoảng 1% trẻ em bị bóc lột lao động.

Tuy nhiên, xét về số trẻ em bị lạm dụng thì Châu Á vẫn đứng đầu với 114 triệu trẻ em do khu vực này đông dân nhất thế giới.

Ngày nay, số liệu về tình trạng bóc lột lao động trẻ em khá khó để thống kê do các nguồn cung cấp khác nhau và sự “bảo mật” của chính phủ các nước về vấn đề đáng hổ thẹn này.

Ví dụ tại Trung Quốc, những số liệu về lao động trẻ em tại nước này thường được đưa vào dạng “không rõ ràng” do chính phủ không thể thống kê hết. Đây là vấn nạn và cũng là vấn đề khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc đau đầu bởi ngành nông nghiệp nước này vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, thêm vào đó là những nhà máy kỹ thuật thấp cần nhiều lao động giá rẻ trong khi trẻ em lại muốn làm thêm phụ giúp gia đình.

Thêm vào đó, văn hóa kinh doanh tiểu thương có vai trò chủ chốt trong nền kinh tế và đây lại là khu vực sử dụng nhiều lao động trẻ em nhất và chính quyền các cấp thì không đủ năng lực để thống kê cũng như quản lý.

Năm 2014, Bộ Lao động Mỹ công bố danh sách những sản phẩm bị sản xuất bởi lao động trẻ em, trong đó Trung Quốc chiếm đến 12 mặt hàng, từ thiết bị điện tử, may mặc, than đá đến đồ chơi trẻ em.

Thậm chí, trẻ em còn bị bắt tham gia các cuộc xung đột vũ trang khi quân đội thiếu nhân lực. Tại Trung Phi hiện vẫn còn khoảng 6.000-10.000 lính trẻ em đang tham chiến và phục vụ trong quân đội.

Nô lệ trẻ em

Tại Ấn Độ, có khoảng 60 triệu lao động trẻ em nhưng có đến 10 triệu trong số đó bị bóc lột lao động thậm tệ và bị đối đãi như nô lệ. Theo Liên Hiệp Quốc (UN), lao động trẻ em tại nước này đóng góp tới 20% GDP toàn quốc và rõ ràng vấn nạn này hiện chưa thể được giải quyết sớm trong thời gian tới.

Tình trạng nghèo đói đã buộc nhiều trẻ em tại nước này phải lao động dưới mức điều kiện cho phép để có thể mưu sinh.

Hiện Ấn Độ là quốc gia có số người sống trong cảnh “nô lệ”, những người mà theo Global Slavery đánh giá là không thể từ chối làm việc hay bỏ đi do bị đe dọa, đánh đập và bị đối xử như súc vật, ở mức cáo nhất thế giới với 18 triêu người, tương đương dân số của cả Chile.

Không riêng gì Ấn Độ, nhiều nước có tỷ lệ nghèo đói cao khác như Trung Quốc, Pakistan hay Indonesia cũng có tình trạng lao động trẻ em bị đối xử như nô lệ.

Mới đây, Tổ chức Global Slavery Index đã công bố bản báo cáo cho thấy có khoảng 46 triệu người trên thế giới đang sống trong cảnh nô lệ và 58% trong số này phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh và Uzbekistan. Trong đó, tỷ lệ nô lệ trẻ em chiếm một phần khá lớn.

Tại Ghana, có khoảng 21.000 trẻ em đang bị bóc lột lao động trong các trang trại nuôi cá quan hồ Volta.

Trong khi đó, ước tính của Global Slavery cho thấy có khoảng 10.000 trẻ em đã phải di cư trái phép nhằm tránh các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới và con số này vẫn chưa được tính toán hết.

Theo thống kê của UN tính đến tháng 1/2016, hiện có khoảng 3.500 phụ nữ và trẻ em đang bị đối xử như nô lệ tại Iraq do bị giam giữ và quản lý bởi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Vấn đề lao động, nô lệ và bóc lột trẻ em vốn đã tồn tại từ rất lâu, khi những em nhỏ phải tham gia săn bắn và phụ giúp gia đình từ thời viễn cổ. Dần dần, qua các thời kỳ chế độ, tình trạng này vẫn được tiếp diễn dù mức sống của người dân được cải thiện.

Theo các tổ chức phi chính phủ, vấn đề cốt lõi hiện nay không phải là do các quốc gia thiếu nguồn nhân lực mà là mức sống của nhiều khu vực ở mức quá thấp, buộc trẻ em phải lao động để mưu sinh. Thêm vào đó, những cuộc xung đột quân sự đang ngày càng đẩy nhiều trẻ em vào tình cảnh nghèo khó hoặc vô gia đình, buộc chúng phải tham gia lao động hoặc thậm chí làm lính để kiếm sống.

Tại Syria, có khoảng 142.000 trẻ em đã phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn, khó khăn và vô chính phủ trong khi có khoảng 750.000 trẻ em tại đây không được đến trường do cuộc nội chiến kéo dài.

Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán trẻ em, đặc biệt là những trẻ em gái, cũng đang được UN và các tổ chức xã hội lo ngại. Hiện rất nhiều trẻ em gái trên thế giới bị bóc lột tình dục hoặc bị xô đẩy vào ngành mại dâm.

Ví dụ tại Cộng hòa Dominica, thống kê cho thấy có khoảng 20-25% khách du lịch đến quốc gia này có sử dụng dịch vụ tình dục trẻ em và có đến 1/4 số gái mại dâm ở đây nằm trong độ tuổi 15-17. Thật trớ trêu là ngành du lịch đóng góp 16% GDP cho quốc gia này và có lẽ phần lớn là nhờ sức thu hút từ những bé gái bán dâm như vậy.

Hay tại Morocco, báo cáo của Global Slavery cho thấy có khoảng 100.000 bé gái đã được bố mẹ ép gả nhằm đảm bảo điều kiện kinh tế gia đình cũng như phòng tránh các rủi ro xã hội đối với con cái họ, như ma túy, thuốc phiện hay các tệ nạn khác.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi là một ngày vui với trẻ em trên toàn thế giới, nhưng có lẽ chính phủ các nước cần hợp tác làm nhiều hơn nữa bởi vẫn còn rất nhiều trẻ em khao khát có được một nụ cười hạnh phúc trong cuộc sống.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM