Hồ sơ Panama có gì mới?

10/05/2016 11:00 AM | Xã hội

Những thông tin vừa được công bố tiết lộ danh sách hơn 300.000 cá nhân và tổ chức có các tài khoản ở hải ngoại (off-shore accounts), theo Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).

Rạng sáng nay (10/5) theo giờ Việt Nam, các nhà báo đứng sau Hồ sơ Panama lại tiếp tục khiến cả thế giới xôn xao khi công bố thông tin về hơn 200.000 “công ty vỏ bọc” xuất hiện trong vụ bê bối trốn thuế lớn nhất từ trước đến nay.

Các số liệu mới gồm những gì?

Những thông tin vừa được công bố tiết lộ danh sách hơn 300.000 cá nhân và tổ chức có các tài khoản ở hải ngoại (off-shore accounts), theo Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ).

Off-shore account là các tài khoản được mở ở một ngân hàng đóng tại một vùng lãnh thổ hoặc một đất nước khác chứ không phải ở nơi cư trú của người gửi tiền. Đó thường là các thiên đường thuế khóa và mang lại cho người gửi tiền sự tin cậy và tính bảo mật cao hơn. Như vậy người gửi tiền sẽ che giấu được tài sản và có thể trốn tránh các nghĩa vụ thuế.

Các công ty và cá nhân thường sử dụng các công ty vỏ bọc – những công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ, thường không có văn phòng hay bất kỳ nhân viên nào và được sử dụng cho mục đích hợp pháp hóa các quy trình. Bản thân loại hình này không phải là bất hợp pháp, chúng có tư cách pháp nhân rất rõ ràng. Tuy nhiên chúng thường được sử dụng để che giấu chủ sở hữu thật sự và trốn thuế, rửa tiền…

Những cái tên đáng chú ý?

Iceland đã có một vị Thủ tướng mới: Sigurdur Ingi Jóhannsson. Cựu Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson đã phải từ chức vì áp lực dư luận quá lớn. Theo thông tin mới nhất, Gunnlaugsson và vợ có 4 triệu USD đầu tư vào trái phiếu của 3 ngân hàng lớn của Iceland thông qua một công ty vỏ bọc bí mật ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Điều đáng chú ý là thời điểm mà ông Gunnlaugsson đầu tư vào các ngân hàng này cũng chính là lúc ông đàm phán về một gói cứu trợ dành cho các ngân hàng Iceland đang bên bờ sụp đổ.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng thừa nhận rằng ông được hưởng lợi từ khoản đầu tư ở nước ngoài của người cha quá cố. Thông tin về công ty này cũng đã xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Tuy nhiên, vài tháng trước khi trở thành Thủ tướng, ông Cameron đã bán số cổ phần này với giá 42.000 USD.

Hồ sơ cũng buộc tội một số bạn bè thân hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin rửa tiền. Ông Putin đã ngay lập tức phủ nhận có liên quan và cho rằng vụ Hồ sơ Panama là một “âm mưu đen tối của Mỹ”.

Có hai lãnh đạo ngân hàng xuất hiện trong danh sách là Austria's Michael Grahammer (CEO của ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg đến từ Áo – đã từ chức) và Bert Meerstadt (một thành viên trong ban kiểm soát của ngân hàng ABN Amro của Hà Lan). Meerstadt từng tuyên bố sẽ từ chức sau khi tên của ông được phát hiện có trong danh sách.

Tại sao Hồ sơ Panama gây sốc?

Danh sách này tiết lộ cách mà những người giàu có và quyền lực khai thác các thiên đường thuế ở nước ngoài như thế nào. Danh sách vẽ nên một bức tranh khái quát về nạn tham nhũng trên toàn cầu, trong đó các ngân hàng lớn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nên các công ty vỏ bọc.

Tài liệu được thu thập như thế nào?

Tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung đã có được 11,5 triệu tệp tin từ một nguồn giấu tên vẫn được biết đến với biệt danh “John Doe” và chia sẻ thông tin với ICIJ – tổ chức có trụ sở ở Washington D.C. (Mỹ).

John Doe đã viết một bức thư dài 1.800 chữ gửi tới Sueddeutsche Zeitung – đơn vị truyền thông đầu tiên chấp nhận sẽ đưa tin về Hồ sơ Panama. Người này viết rằng anh ta không làm việc cho bất cứ một Chính phủ hay cơ quan tình báo nào dù dưới dạng trực tiếp hay gián tiếp. Nguồn tin cũng cho biết anh ta chỉ đơn giản là được tiếp cận với tài liệu và hiểu được mức độ quan trọng của những gì mà tài liệu tiết lộ.

Hồ sơ Panama là hồ sơ rò rỉ lớn nhất từ trước đến nay, đồ sộ gấp nhiều lần so với những tài liệu mà “người thổi còi” Edward Snowden từng công bố.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM