Yếu tố nào khiến hàng loạt các tổ chức lớn hạ mạnh dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu?

16/09/2020 08:29 AM | Xã hội

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã diễn ra cùng lúc với cú sốc nhu cầu năng lượng trong năm nay, IEA cảnh báo rằng nhu cầu năng lượng của năm 2020 có thể đi xuống sâu nhất trong lịch sử.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong ngày thứ Ba đã hạ dự báo nhu cầu dầu năm 2020, IEA dự báo về một con đường "chông gai" trước mắt trong bối cảnh tâm lý thị trường yếu đi và số lượng các ca nhiễm Covid-19 toàn cầu tăng lên.

Theo CNBC dẫn báo cáo mới nhất của IEA, IEA đã hạ dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu xuống còn 91,7 triệu thùng dầu/ngày. Mức tiêu thụ này tương đương mức giảm 8,4 triệu thùng dầu/ngày so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với con số 8,1 triệu thùng dầu/ngày theo dự báo gần nhất của IEA.

"Chúng tôi cho rằng sự phục hồi của nhu cầu dầu sẽ giảm đáng kể trong nửa sau năm 2020, phần lớn mức tăng có thể có được đã được thực hiện rồi. Quá trình phục hồi kinh tế sẽ cần phải mất nhiều tháng mới hoàn tất, trong khi đó một số lĩnh vực như hàng không kể cả đến năm sau khó trở lại ngưỡng tiêu thụ trước đại dịch ", IEA nhấn mạnh.

Trưởng bộ phận năng lượng và thị trường tại IEA, ông Neil Atkinson, nhận xét: "Tôi nghĩ thông điệp chính chúng tôi đưa vào báo cáo chính là tâm lý thị trường đang xấu đi. Chúng tôi từng chứng kiến giá dầu dao động chủ yếu trong ngưỡng từ 40 đến 45USD/thùng. Tuy nhiên gần đây giá dầu đã về ngưỡng 40USD/thùng và dường như quá trình phục hồi đang chững lại".

Cũng theo ông Atkinson, số lượng các ca nhiễm Covid-19 đang tăng đáng kể tại châu Âu. Dường như chúng ta chưa thể thoát khỏi khó khăn.

Báo cáo của IEA được công bố không lâu sau khi OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2020 do nhu cầu dầu tại Ấn Độ và một số nước châu Á khác sụt giảm mạnh. OPEC trong ngày thứ Hai cảnh báo rằng tồn tại rủi ro đi xuống trong nửa đầu năm 2021.

IEA cũng nhắc đến tình hình Ấn Độ trong ngày thứ Ba, IEA cho rằng tình hình Ấn Độ rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, cũng vẫn có lý do để lạc quan khi mà kinh tế Trung Quốc, sau khi thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa sớm hơn nhiều nền kinh tế khác, vẫn hồi phục mạnh mẽ.

Các thành viên trên thị trường năng lượng ngày một lo lắng về quá trình phục hồi kinh tế giảm tốc cũng như nhu cầu năng lượng đi xuống trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã diễn ra cùng lúc với cú sốc nhu cầu năng lượng trong năm nay, IEA trước đây cảnh báo rằng nhu cầu năng lượng của năm 2020 có thể đi xuống sâu nhất trong lịch sử.

Dự báo về tương lai, IEA khẳng định nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng trưởng 5,5 triệu thùng trong năm sau, lên ngưỡng 97,1 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2021.

Tính đến hiện tại, khoảng hơn 29 triệu người đã nhiễm Covid-19 trên khắp thế giới, 928.576 người đã tử vong, theo số liệu của John Hopkins.

Trong nhận định mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng thể hiện quan điểm lo lắng về triển vọng tăng trưởng của kinh tế châu Á.

Lần đầu tiên trong gần 6 thập kỷ, tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á sẽ suy giảm trong năm nay. Tuy nhiên, kinh tế các nước châu Á sẽ tăng trưởng trở lại vào năm sau khi mà châu Á thoát khỏi tình trạng bị tàn phá do đại dịch Covid-19 gây ra, nhận định trên được đưa ra trong báo cáo kinh tế do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào ngày hôm nay.

ADB dự báo tăng trưởng GDP của châu Á năm nay ước tính ở mức âm 0,7% và đây là năm đầu tiên tính từ năm 1960, kinh tế châu Á tăng trưởng âm. Tuy nhiên, sang đến năm 2021, ADB cho rằng kinh tế châu Á có thể tăng trưởng được 6,8%. Mức tăng trưởng cao này cũng là bởi nó được tính toán dựa trên nền tăng trưởng khá thấp của năm 2020.

Dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn thấp so với các dự báo trước đó, nó cho thấy sự phục hồi kinh tế diễn ra theo hình chữ L chứ không phải chữ V. ADB ước tính khoảng ¾ các nền kinh tế châu Á tăng trưởng âm trong năm 2020.

"Phần lớn các nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có thể tăng trưởng khó khăn trong khoảng thời gian còn lại của năm 2020. Nguy cơ đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế vẫn còn hiện hữu khi mà tình trạng bùng phát các ca nhiễm có thể trở lại và khiến cho giới chức nhiều nước buộc phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn", chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhấn mạnh.

Ông cho rằng giới chức các nước châu Á – Thái Bình Dương cần đưa ra các biện pháp chính sách nhất quán và có phối hợp để cùng giải quyết đại dịch, ngoài ra tập trung ưu tiên chính sách vào bảo vệ mạng sống và sinh kế của nhóm người chịu tổn thương nặng nề nhất từ đại dịch, đảm bảo an toàn để người dân đi làm trở lại nhằm đảm bảo cho sự phục hồi của khu vực thật toàn diện và bền vững.

Cũng theo nhận định của ADB, đại dịch Covid-19 kéo dài sẽ vẫn là rủi ro bất lợi lớn nhất với triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay và năm sau. Để giảm thiểu các rủi ro này, chính phủ các nước trong khu vực đã đưa ra nhiều chính sách ứng phó đa dạng, bao gồm hỗ trợ thu nhập lên tới 3,6 nghìn tỷ USD, tương đương với 15% tổng GDP của khu vực.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đồng thời đương đầu với nhiều rủi ro khác trên thế giới cũng như trong khu vực, có thể kể đến xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tổn hại tài chính có thể kéo dài do đại dịch căng thẳng.

Kinh tế Trung Quốc thuộc số ít các nền kinh tế trong khu vực thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm. Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng được 1,8% trong năm nay và 7,7% trong năm 2021 bởi các biện pháp y tế công cộng sẽ tạo ra nền tảng cho tăng trưởng.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM