Yahoo xảy ra nội chiến, hội đồng quản trị có thể bị hạ bệ bởi 1 cổ đông chỉ sở hữu 0,75% cổ phần
Một quỹ đầu tư chỉ nắm giữ có 0,75% cổ phần của Yahoo đang muốn hạ bệ toàn bộ hội đồng quản trị của công ty.
Quỹ đầu tư hoạt động Starboard Value LP đang dẫn đầu một cuộc nổi dậy chống lại các nhà đầu tư khác của Yahoo , thậm chí là muốn hạ bệ toàn bộ hội đồng quản trị sau khi công ty internet này trải qua một khoảng thời gian kinh doanh vô cùng khó khăn.
Starboard Value LP trên thực tế chỉ sở hữu khoảng 0,75% của Yahoo. Tuy nhiên quỹ đầu tư này vẫn có thể gây sức ép cho các cổ đông khác của Yahoo bằng hình thức tranh quyền đại diện (proxy fight).
Họ có thể tuyên bố vì lợi ích của cổ đông và công ty để yêu cầu việc thay thế hội đồng quản trị, sau một quãng thời gian làm ăn yếu kém. Trong kế hoạch mà quỹ đầu tư này công bố hôm thứ 5, được Wall Street Journal đưa tin, cho biết họ sẽ chỉ định 9 vị trí giám đốc mới trong ban lãnh đạo của Yahoo.
Trong báo cáo có đoạn: “Ban giám đốc của công ty đã liên tục thất bại trong việc cố gắng biến những lời hứa của mình thành hiện thực. Họ đã không còn đáng được tin cậy với các quyết định gần đây, trong đó có việc quyết định Yahoo vẫn là một công ty độc lập”.
Starboard muốn Yahoo tách khối cổ phần của Alibaba mà công ty đang nắm giữ, sau đó bán mảng kinh doanh cốt lõi. Quỹ đầu tư này cũng có nhiều đề nghị thúc đẩy sự thay đổi của Yahoo kể từ năm 2014.
Việc Starboard công khai đứng lên phản đối hội đồng quản trị khiến cho Yahoo lại rơi vào một cuộc nội chiến. Giám đốc điều hành Marissa Mayer sẽ có một buổi họp kín với đại diện của quỹ đầu tư này để tìm ra biện pháp giải quyết trong hòa bình, tránh việc phải xảy ra một cuộc tranh chấp quyền điều hành công ty.
Các cổ đông của Yahoo sẽ được quyền đề cử thành viên hội đồng quản trị trong cuộc họp thường niên của công ty sắp diễn ra. Quỹ Starboard này cho biết họ đã sẵn sàng cho cuộc chiến này với những đề cử của riêng mình.
Một trận chiến tranh quyền đại diện có thể sẽ không dẫn đến việc thâu tóm, vì trên thực tế Starboard không có được nhiều cổ phần của Yahoo hơn hiện nay. Nhưng quỹ đầu tư này có thể tranh đấu để đưa người của mình vào các vị trí quan trọng của hội đồng quản trị và có thể năm quyền điều hành công ty.
Sau khi đã nắm trong tay hội đồng quản trị và thành lập ban lãnh đạo mới, Starboard có thể khiến hội đồng quản trị của Yahoo chấp thuận việc sáp nhập với các cổ đông lớn khác.
Tuy nhiên việc tranh chấp quyền đại diện có thể cũng chỉ vì một cổ đông nào đó muốn vì lợi ích của công ty, cải thiện tình hình kinh doanh bằng cách thay thế ban giám đốc mới.
Trong trường hợp này, chúng ta khó có thể nói mục đích của Starboard là gì, nhưng quỹ đầu tư này vẫn luôn muốn bán mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo. Hiện tại Verizon và Time là những công ty sự kiến sẽ tham gia đấu thầu mua lại mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo, nếu công ty internet này chính thức giao bán.
Số phận của Yahoo có lẽ sẽ sớm được định đoạt sau khi cuộc họp cổ đông đầu năm 2016 được tiến hành. Số phận của hội đồng quản trị Yahoo cũng đang rất bấp bênh, ngay cả vị trí CEO của bà Marissa Mayer.