Xuất hiện chưa lâu đã thành "hot trend", các ứng dụng Mua trước Trả sau sẽ chấm dứt sự thống trị của Visa, MasterCard?
Dịch vụ của Afterpay - startup vừa được mua lại với mức giá 29 tỷ USD - được cho là nguyên nhân khiến cho số lượng người sử dụng thẻ tín dụng tại Úc sụt giảm một cách nghiêm trọng, đặc biệt là với những khách hàng dưới 40 tuổi.
Ngày nay, việc mua sắm online đã trở thành một thói quen khó bỏ của rất nhiều người trẻ, đặc biệt là khi hàng loạt các sàn thương mại điện tử mọc lên như nấm nhằm thay thế cho những khu mua sắm truyền thống. Để đáp ứng cho nhu cầu của nhiều người về việc sở hữu món đồ yêu thích ngay cả khi chưa có đủ tiền, một số ứng dụng sẵn sàng cho khách hàng mua trước và thanh toán sau trong một khoảng thời gian nhất định.
Một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất về lĩnh vực này hiện nay là AfterPay, startup về công nghệ tài chính mới nổi tại Úc thời gian gần đây. Vậy công ty này có gì đặc biệt, mà khiến Square – công ty của đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey phải bỏ ra tới 29 tỷ USD để thực hiện vụ mua lại?
Được thành lập từ năm 2015 bởi bộ đôi Nick Molnar và Anthony Eisen, Afterpay nổi lên tại Úc và sau đó là tại Anh, Mỹ, Canada, New Zealand nhờ vào dịch vụ cho phép khách hàng mua sắm ngay lập tức và thanh toán sau trong bốn lần hoàn trả, với số tiền mua sắm tối thiểu là 35 USD – bao gồm một hoặc nhiều sản phẩm.
Tất cả các khoản trả chậm này đều không bị tính lãi suất, tuy nhiên với mỗi kỳ thanh toán hai tuần một lần, nếu khách hàng không trả tiền đúng hạn, những khoản phí phạt sẽ được tích lũy. Có tới trên 55.000 công ty đang bày bán mặt hàng của mình và chấp nhận phương thức "mua trước, trả tiền sau" tại ứng dụng Afterpay, tại thời điểm đầu năm 2021.
Phương thức hoạt động của Afterpay (Ảnh: Afterpay)
Dịch vụ của Afterpay được cho là nguyên nhân khiến cho số lượng người sử dụng thẻ tín dụng tại Úc sụt giảm một cách nghiêm trọng, đặc biệt là với những khách hàng dưới 40 tuổi. Tính đến tháng 2/ 2021, công ty này có khoảng 10 triệu khách hàng sử dụng ứng dụng thường xuyên, trong đó số người dùng tại Mỹ chiếm hơn một nửa (5.6 triệu người), còn lại là khách hàng tại Úc (3.3 triệu người), Anh (1 triệu người) và một số quốc gia khác.
Phần lớn khách hàng của Afterpay tại Úc là những người trẻ đã từ bỏ việc sử dụng thẻ tín dụng: theo một nghiên cứu, từ năm 2018 tới 2019, số lượng tài khoản thẻ tín dụng tại nước này đã giảm từ 16,7 triệu xuống 15,89 triệu (-5%) vì ứng dụng này. Trong một bản khảo sát của chính Afterpay, 50% số người dùng của họ cho biết đã chi tiêu nhiều hơn kể từ khi dùng ứng dụng này, thay vì các loại thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card).
Người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn khi sử dụng Afterpay, thay vì các loại thẻ thanh toán truyền thống (Ảnh: Mozo)
Năm 2016, cổ phiếu của Afterpay được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Úc. Tháng 2 năm nay, cổ phiếu đạt mức đỉnh trong vòng 1 năm, đạt 158 AUD (tương đương 117 USD). Kết quả kinh doanh của công ty cũng tương đối khả quan, khi kết thúc năm tài chính 2020, doanh thu của công ty đạt 519 triệu USD, tăng 2.5 lần so với cùng kỳ năm trước. Như nhiều start-up khác, Afterpay vẫn chưa có lãi, khi lợi nhuận sau thuế của họ kết thúc năm tài chính này đạt -22.8 triệu USD; đây là con số khá ấn tượng khi họ đã giảm được khoản lỗ sau thuế xuống chỉ còn một nửa so với năm tài chính 2019. Đến giữa năm tài chính 2021, đã có 13.1 triệu người dùng và 74.700 công ty bán sản phẩm trên ứng dụng cùng doanh thu 417,2 triệu USD, tức tăng 89% so với cùng kỳ và bằng 80% cả năm 2020.
Kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm tài chính 2020 của Afterpay (Ảnh: Afterpay)
Ấn tượng trước sự tăng trưởng của Afterpay, Square, công ty được điều hành bởi Jack Dorsey, đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Twitter đã đánh tiếng mua lại doanh nghiệp có trụ sở tại Melbourne này. Được thành lập sớm hơn Afterpay chỉ 6 năm, đến thời điểm hiện tại, công ty đã có giá trị vốn hóa tới 100 tỷ USD, đạt doanh thu 9,5 tỷ USD và lợi nhuận trên 200 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ tài chính. Với mong muốn mở rộng công ty, Square đã đánh tiếng mua lại Afterpay với giá 39 tỷ AUD (tương đương 29 tỷ USD) và đã được chấp thuận, với dự kiến hai công ty sẽ tiến hành sáp nhập vào quý 1/ 2022. Mức giá này cao hơn tới 30% so với giá trị thị trường của Afterpay, nhưng Squre hoàn toàn tự tin vào số tiền mình bỏ ra. Sau khi thương vụ được hoàn thành, các cổ đông của Afterpay sẽ nắm giữ khoảng 18,5% cổ phần của Square.
Square sẵn sàng bỏ ra tới 29 tỷ USD để mua lại Afterpay (Ảnh: Financial Times)
CEO Jack Dorsey cho biết hai công ty đều chung mục đích giúp cho hệ thống tài chính công bằng, dễ tiếp cận hơn đối với khách hàng; nền tảng mà Afterpay đã xây dựng hoàn toàn phù hợp các nguyên tắc đó.
Square dự kiến sẽ sử dụng nền tảng sẵn có và lượng khách hàng trung thành của Afterpay cho ứng dụng cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhanh Cash App của mình nhằm cạnh tranh với đối thủ Paypal. Đồng thời, họ cũng sẽ là đối thủ của những công ty cung cấp dịch vụ "mua trước, trả tiền" sau khác, nổi bật là Klarna.
Với lượng khách hàng khổng lồ cùng tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, Afterpay được đánh giá là một ngôi sao trong lĩnh vực "mua trước, trả tiền sau". Từ một công ty thuộc top 300 về giá trị thị trường tại Úc, Afterpay đã vươn lên và mạnh mẽ đứng trong hàng ngũ 50 doanh nghiệp lớn nhất nước này.
Số lượng khách hàng và các công ty góp mặt trên ứng dụng của họ ngày một lớn hơn, doanh thu cũng ngày một tăng cao là lý do khiến Square không thể đứng yên. Họ sẵn sàng bỏ ra mức giá kỷ lục 29 tỷ USD để Afterpay trở thành một phần của mình. Với việc ngành kinh doanh "mua trước, trả tiền sau" đang ngày một phát triển, mức giá nêu trên có lẽ sẽ không phải là quá đắt với những gì mà Square nhận được trong tương lai từ vụ sáp nhập này.