Xu hướng tuyển dụng qua livestream tại Trung Quốc
Các nền tảng livestream Trung Quốc nổi lên như một kênh mới để nhà tuyển dụng gặp gỡ các ứng viên tiềm năng.
Liu Chao, 33 tuổi, phát hiện “bán” việc làm còn dễ hơn công việc livestream thương mại điện tử trước kia. Sau khi bỏ cuộc bán quần áo qua phát sóng trực tiếp vì không có nhiều lợi thế, Chao bất ngờ gặp được một người bạn làm trong lĩnh vực nhân sự và nảy ra ý tưởng tuyển dụng qua video ngắn và livestream.
Hiện tại, Liu thường tổ chức livestream giới thiệu việc làm cho người xem. Sau khi tóm tắt thông tin, anh sẽ đăng liên kết để ứng viên nộp hồ sơ. Khi tuyển dụng qua livestream ngày một phổ biến, Liu tập hợp đội ngũ khoảng 30 người trong hai năm, “thầu” toàn bộ quy trình tuyển dụng, từ kết nối phòng nhân sự đến theo sát ứng viên sau khi họ xin việc và giúp họ thích ứng với công ty mới.
Các hãng công nghệ lớn như Kuaishou và ByteDance không bỏ qua xu hướng này. Kuaishou, nền tảng mà Liu thực hiện livestream, giới thiệu một kênh tuyển dụng riêng vào tháng 1 làm cầu nối giữa nhà máy và công nhân. Dịch vụ có tên Kwai Recruitment thu hút hơn 100 triệu người dùng tích cực hàng tháng trong quý đầu tiên. Trong một ngày vào tháng Hai, kênh nhận hơn 150.000 hồ sơ xin việc.
Đại diện Kuaishou cho biết, nền tảng sở hữu lượng lớn người dùng là công nhân, thường xuyên thay đổi công việc, muốn tìm ông chủ mới. Dù vậy, vẫn còn rào cản khi thuyết phục doanh nghiệp truyền thống tham gia tuyển dụng qua livestream. Họ vốn có các giải pháp ngoại tuyến và hệ sinh thái mạnh mẽ trong hàng thập kỷ qua, trong khi với hình thức mới, yêu cầu sự nỗ lực của nhiều bên.
Foxconn – đơn vị vận hành nhà máy iPhone lớn nhất thế giới – chạy chiến dịch livestream tuyển dụng vào tháng trước, giới thiệu 880 vị trí tại khu phức hợp Thâm Quyến cho ứng viên khuyết tật. Nhà máy Trịnh Châu của Foxconn cũng livestream trong cùng tháng và thu hút hơn 300.000 người xem.
Nếu như những nhà môi giới tuyển dụng truyền thống tận dụng khoảng trống thông tin giữa nhà tuyển dụng và ứng viên để hoạt động, livestream tuyển dụng lại khác. Theo Giáo sư Zhang Chenggang đến từ Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, “chẳng hạn, nếu tôi nói dối bạn, tôi cũng nói dối được với người khác vì họ không biết bạn. Song, khi livestream, mọi người đều tham gia. Điều đó đồng nghĩa người dùng có thể đảm bảo MC cung cấp thông tin chính xác”.
Các nền tảng livestream trở thành một hình thức thay thế cần thiết đối với những người tìm việc làm, đặc biệt là ứng viên trẻ tuổi. Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc lập kỷ lục vào năm nay khi kinh tế chậm lại. Doanh nghiệp cắt giảm các bộ phận kinh doanh không có lãi, đóng băng tuyển dụng và sa thải nhân viên để sống sót.
Vào tháng 5, hơn 18% công dân từ 16 tới 24 tuổi không có việc làm, tăng so với mức 14% của cùng kỳ năm trước. Theo Giáo sư Zhang, sở dĩ tỉ lệ cao như vậy là do các công ty hạ thấp kỳ vọng trước bất ổn gia tăng trong dịch bệnh.
Báo cáo của trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc chỉ ra livestream tuyển dụng là “một kênh quan trọng để đất nước ổn định tỉ lệ tuyển dụng”, đặc biệt với tầng lớp cổ cồn xanh. Livestream giảm chi phí tuyển dụng, tăng khả năng kết nối cung – cầu và tính hiệu quả các dịch vụ tuyển dụng.
Truyền thông nhà nước cũng chú ý tới xu hướng này. Một bài bình luận trên tờ Nhật báo Nhân dân tuần trước khuyến khích doanh nghiệp tiến hành livestream tuyển dụng và phỏng vấn từ xa để mang thông tin đến lượng khán giả đông đảo hơn.
Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, giới thiệu chiến dịch săn việc làm đặc biệt, nơi những người có ảnh hưởng chia sẻ lời khuyên về phỏng vấn, chọn ngành. Người dùng có thể truy cập hơn 46.000 công ty và tổ chức, cũng như 179.000 cơ hội việc làm.
Lợi thế lớn nhất của livestream tuyển dụng là tính hiệu quả. Song, nó cũng có những hạn chế và không giúp công ty tìm được nhân sự cho vị trí then chốt. Li Chengdong, CEO hãng tư vấn Dolphin Think Tank, cho rằng đây chỉ là một cách quảng bá. Dù vậy, Liu tin tương lai của anh rất xán lạn vì số hóa quy trình tuyển dụng là một phần tự nhiên của tiến bộ công nghệ.