Xu hướng thực phẩm và sức khỏe của tương lai
Tạp chí Force mới đây đã đưa ra những nhận định mới về xu hướng sử dụng thực phẩm và sức khỏe của con người trong tương lai, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như sau.
Năm quốc tế của các loại hạt 2016
Tổ chức Lương – Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã phát động năm 2016 là “Năm quốc tế của các loại hạt” (The International Year of Pulses 2016) với khẩu hiệu “Hạt dinh dưỡng vì tương lai bền vững” nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về giá trị dinh dưỡng và những lợi ích mà các loại hạt đem lại cho sức khỏe, đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ thông minh vào nông nghiệp trồng trọt.
Theo FAO, hạt sấy khô là loại lương thực quan trọng đảm bảo an ninh lương thực cho dân số ngày càng nhiều, đặc biệt là ở khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay vẫn chưa nhận thức đầy đủ về giá trị dinh dưỡng của các loại hạt, đặc biệt là các loại đậu vì loại thực phẩm này vừa ngon, vừa cung cấp những dinh dưỡng thiết yếu tốt cho cơ thể con người. Hàng trăm loại đậu có hàm lượng protein nhiều gấp đôi lượng protein tìm được ở lúa mì và gấp ba lượng protein tìm thấy ở gạo, không ít loại đậu rất giàu dinh dưỡng, acid amin và vitamin B.
Cũng theo FAO, các loại hạt có thể thay thế được protein từ thịt động vật nên loại thực phẩm này là lựa chọn lý tưởng để cải thiện khẩu phần ăn tại các nước nghèo trên thế giới. Gieo trồng các loại đậu cũng có thể giúp nông dân thoát khỏi cảnh nghèo đói vì giá hạt đậu có thể cao gấp ba lần giá ngũ cốc, đặc biệt phụ nữ có thể tham gia vào việc trồng trọt để cải thiện kinh tế.
Chăm sóc sức khỏe ruột
Ruột được các nhà khoa học gọi là “bộ não thứ hai” của con người vì ngoài chức năng tiêu hóa thức ăn, đường ruột khỏe còn giúp chúng ta có nhân sinh quan lạc quan và hành vi tích cực. Trong ruột chúng ta có chứa khoảng 100 triệu tế bào thần kinh, nhiều hơn trong cột sống hoặc hệ thống thần kinh ngoại biên. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trầm cảm và một loạt các vấn đề hành vi có liên quan đến sự mất cân bằng hoặc thiếu hụt các vi khuẩn nơi đường ruột.
Tiến sĩ người Anh Andrew Wakefield là một trong những người từng nghiên cứu sâu về mối liên hệ giữa các chứng rối loạn tâm thần và bệnh đường ruột. Ông kết luận rằng một chế độ ăn uống giúp tăng sức khỏe đường ruột, đảm bảo cho hệ vi sinh vật đường ruột có thể duy trì sự cân bằng, hỗ trợ tối ưu cho sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm nguy cơ thoái hóa thần kinh và tăng cường hệ miễn dịch.
Chăm sóc sức khỏe cho “bộ não thứ hai” được đánh giá là một lĩnh vực đang được sự quan tâm của y học thế giới, hứa hẹn trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu về cách ăn uống hỗ trợ sức khỏe đường ruột. Trong lúc chờ đợi những kết luận mới từ y học, chúng ta đừng quên ăn uống tăng cường Probiotic, một loại lợi khuẩn được bổ sung vào chế độ ăn nhằm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột để cải thiện sức khỏe. Probiotic có nhiều nhất trong sữa chua và các sản phẩm đậu nành lên men. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường rau xanh, trái cây vào các bữa ăn hằng ngày.
Ăn uống theo cách của người Bắc Âu
Chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh của người Bắc Âu được lấy cảm hứng từ thói quen ăn uống lành mạnh của người Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland. Người Bắc Âu thường ăn các loại hạt, lúa mạch và lúa mạch đen chứa nhiều chất xơ và protein. Họ ăn bắp cải màu xanh và trắng vì ít calo, nhiều chất kháng oxy hóa và các axít béo omega-3.
Họ ăn nhiều cá thu, cá hồi vì chứa nhiều protein và chất dinh dưỡng. Người Bắc Âu cũng ăn chủ yếu là thịt gia cầm nuôi tự nhiên để hạn chế tối đa các chất kích thích tăng trưởng, ít chất béo bão hòa. Ngoài ra họ tiêu thụ mạnh củ cải đường, cà rốt, rau xanh như đậu hà lan, rau bina và tỏi tây, các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi vì chứa nhiều chất kháng oxy hóa…
Côn trùng được xem là thực phẩm tương lai
Tổ chức Lương – Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng côn trùng sẽ trở thành món ăn hằng ngày của chúng ta trong tương lai. Theo Tiến sĩ Susan Lawler – Giám đốc Bộ phận Quản lý môi trường và hệ sinh thái tại Đại học La Trobe (Úc), với tình trạng thiếu lương thực trong vài năm tới, thì chúng ta rất cần các nguồn protein mới và hiệu quả và côn trùng chính là nguồn protein chúng ta đang tìm kiếm. Các loại côn trùng có khả năng sinh sản rất cao. Chúng thích nghi nhanh với sự thay đổi về môi trường.
Vì vậy, trải qua các cuộc biến động trong hệ sinh thái, côn trùng vẫn sống sót trong khi hàng loạt giống loài khác rơi vào tuyệt chủng. Đặc biệt, côn trùng cung cấp một hàm lượng dinh dưỡng và protein cao hơn so với thịt, cá. Một số loài giàu các vi chất như đồng, ma-nhê, mangan, kẽm, sắt…
Chẳng hạn như món dế rang có tỷ lệ protein đến 65%, tỷ lệ chất béo có lợi là 60%, trong khi một miếng thịt bò chứa 28% protein và lượng vitamin B12 chỉ bằng một nửa món dế. Ngoài ra, côn trùng tuy nhỏ nhưng lại cực kỳ hiệu quả trong việc sản xuất ra thịt. Chẳng hạn để tạo ra một lượng protein như nhau, một con bò sẽ cần một khoảng thời gian gấp 12 lần so với con dế, một con bò sẽ gấp bốn lần, lợn và gà gấp hai lần. Phần lớn côn trùng thải ra ít khí thải nhà kính hơn so với gia súc, gia cầm.
Hiện nay, hơn 2 tỉ người trên thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hằng ngày, theo thống kê từ FAO. Hơn 1.900 loài côn trùng có thể chế biến thành những món ăn dinh dưỡng như châu chấu, cào cào, ve sầu, dế, mối, chuồn chuồn… Tại Việt Nam, các loại côn trùng như bọ xít, châu chấu, trứng kiến, đuông dừa, nhộng ong… cũng đã được chế biến thành các món ăn hấp dẫn và lạ miệng như: xôi trứng kiến đen béo mầm, bọ xít rang lá chanh, ve sầu rang lá chanh, dế trắng chiên giòn, bọ cạp chiên giòn, ấu trùng ong rang gừng lá chanh, nhộng tằm rang, đuông dừa sống hoặc nhồi đậu phộng, bọ hung xào măng…
Thiết nghĩ chúng ta nên bắt đầu thay đổi quan niệm thói quen ăn uống truyền thống, xem côn trùng là nguồn thực phẩm “xanh”, có lợi cho sức khỏe và an toàn cho môi trường. Có thể trong vài năm tới, những món ăn từ côn trùng sẽ trở nên quen thuộc với con người và giải quyết bài toán lương thực cho toàn thế giới.