Xu hướng tại Trung Quốc: Chỉ chấp nhận thanh toán qua smartphone và QR code, từ người bán hàng rong đến siêu thị đều từ chối tiền mặt!
Người dân nông thôn, người già và khách du lịch là những đối tưởng chịu ảnh hưởng nhiều nhất tại Trung Quốc khi các cửa hàng từ chối thanh toán bằng tiền mặt.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện nay ngày càng nhiều cửa hàng và nhà hàng ở Trung Quốc chỉ chấp nhận thanh toán qua smartphone. Xu hướng này đã khiến người già, du khách nước ngoài và người dân ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng.
Một xã hội không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi thế, trong đó nổi bật hơn cả là chi phí giao dịch thấp hơn. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra sự phân chia nhất định giữa những người có thể thanh toán không dùng tiền mặt và những người không có khả năng đó.
Trường hợp của chuỗi siêu thị chuyên bán thực phẩm tươi sống Hema là một ví dụ. Các cửa hàng được mở bởi nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu đất nước tỷ dân, tập đoàn Alibaba. Người tiêu dùng có thể mua thực phẩm tươi ngay tại cửa hàng hoặc đặt giao hàng online.
Tỷ phú Jack Ma trong một sự kiện của Hema.
Một lưu ý quan trọng là khách hàng của Hema chỉ có thể thanh toán bằng ví điện tử Alipay của Alibaba qua smartphone hoặc tại quầy tự thanh toán tại cửa hàng. Điều này giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân viên thu ngân nhưng sau khi có quá nhiều khiếu nại về việc các nhà bán lẻ từ chối tiền mặt, chính quyền đã can thiệp và Hema đã phải cài đặt máy tính tiền mặt.
Ngày 12/7 năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của nước này đã tuyên bố sẽ trừng trị thẳng tay những nhà bán lẻ từ chối tiền mặt. Chỉ trong vòng năm tháng đã có 602 đơn vị vi phạm và bị xử lý.
Ở Trung Quốc, mua hàng qua smartphone và mã QR rất phổ biến trong đó hai dịch vụ thanh toán phổ biến nhất là Alipay và WeChat Pay (điều hành bởi Tencent). Theo một nghiên cứu gần đây, 98% người dùng smartphone ở thành thị sử dụng thiết bị của họ để thanh toán.
Sự bùng nổ của xu hướng này đã khiến nhiều cửa hàng ngừng hoàn toàn chấp nhận thanh toán tiền mặt. Ngoài ra, họ làm vậy một phần là để loại bỏ lo ngại về nạn tiền giả đang tràn lan ở Trung Quốc cũng như rắc rối của việc lưu trữ tiền mặt.
Mặc dù vậy, việc chuyển sang thanh toán chỉ bằng điện tử đã nhận phải không ít sự chỉ trích vì nhiều người vẫn thích tiền mặt hơn hoặc đơn giản là họ không có phương tiện thanh toán nào khác. Tính đến năm 2017, Trung Quốc có khoảng 772 triệu người dùng internet, tương đương 56% tổng dân số.
Alipay là một trong những phương thức thanh toán di động phổ biến nhất tại Trung Quốc.
Tuy vậy, các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều người chưa tiếp cận được với internet, chứ chưa nói đến smartphone. Bên cạnh đó, những người già dù có smartphone nhưng lại gặp khó khăn với các ứng dụng thanh toán bởi họ không mấy am hiểu về công nghệ.
Đối với khách du lịch, việc thanh toán di động cũng khá phức tạp do yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc. Hơn nữa, du khách cần có số điện thoại di động tại quốc gia này để sử dụng dịch vụ nhắn tin văn bản. Họ cũng được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân chi tiết trong đó gồm cả số hộ chiếu để tăng giới hạn tín dụng ban đầu lên 145 USD.
Theo nhận định của chuyên gia, để đạt được hiệu quả tối đa, hệ thống thanh toán di động tại Trung Quốc cần bao quát hơn để không cản trở giao dịch của người dân trong nước và người nước ngoài.