Xu hướng marketing bằng âm nhạc: Từ Lạc trôi của Biti's đến "dị nhân" nhảy múa ở Điện máy Xanh
Vì âm nhạc có thể lưu lại trong tâm lý lâu hơn hình ảnh nên không ít thương hiệu tại Việt Nam đã sử dụng âm nhạc để tăng độ nhận diện và hiệu quả kinh doanh.
Chạm vào trái tim khách hàng luôn là điều mà bất cứ nhãn hàng nào cũng hướng tới, việc sử dụng âm nhạc như cầu nối tới khách hàng đã được nhiều thương hiệu áp dụng. Khách hàng có thể quên đi hình ảnh, quên đi câu chữ nhưng âm thanh và mùi hương là thứ mà họ khó có thể quên đi vì đó là ngôn ngữ của tâm hồn và có sức ám thị vô cùng mạnh mẽ.
Chẳng phải vậy mà những thương hiệu huyền thoại như Nokia hay Sony Ericsson dù đã không còn có mặt rộng rãi trên thị trường nhưng những âm thanh của họ vẫn được người dùng ghi nhớ. Năm 2016, thị trường Việt Nam chứng kiến sự trở lại đầy ngoạn mục của Biti’s – Thương hiệu Việt tưởng chừng đã ngắc ngoải trước sự cạnh tranh của những gã khổng lồ nước ngoài.
Bên cạnh những chiến lược truyền thông bài bản kết hợp nhiều kênh khác nhau trên môi trường số, sự trở lại mạnh mẽ của Biti’s là kết quả của một loạt các bản “hit” đình đám có sự xuất hiện của sản phẩm như “Đi để trở về” (Soobin Hoàng Sơn), “Lạc trôi” (Sơn Tùng M-TP) và gần đây nhất là “Cuộc đời là những bước chân” (Bích Phương và Hà Anh Tuấn).
Cũng trong năm 2016, bên cạnh Biti’s, Điện Máy Xanh là một thương hiệu rất thành công khi sử dụng một bài hát đơn giản, dễ nhớ và tạo hình nhân vật ấn tượng để thu hút khách hàng. Đoạn quảng cáo mang hình ảnh “toàn xanh” với giai điệu bắt tai được lặp đi lặp lại đã tạo ra hiệu ứng bất ngờ trong cộng đồng mạng, khiến người tiêu dùng khi muốn mua tivi, tủ lạnh...sẽ nghĩ ngay đến Điện Máy Xanh.
Lê Tấn Thanh Thịnh, CEO của BrandBeats Music Marketing cho biết: “Âm nhạc là cách tiếp cận nhanh nhất vào tâm trí khách hàng. Khi khách hàng được tiếp xúc với một thương hiệu thông qua cấu trúc ngữ âm, họ phản hồi với cảm xúc tích cực. Cảm xúc này tạo nên hiệu ứng tốt trong giai đoạn lựa chọn sản phẩm để mua và nâng cao mức đánh giá giá trị sản phẩm”.
Tại Việt Nam, việc tận dụng âm nhạc để kết nối khách hàng có thể đem lại nhiều tác dụng khi 28% người dùng máy tính và 53% người dùng điện thoại nghe nhạc mỗi tuần, theo số liệu của Google Consumer barometer cập nhật tháng 1/2017. Tỷ lệ này thậm chí cao hơn một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia,...
Tuy nhiên, CEO của BrandBeats khẳng định để sử dụng âm nhạc hiệu quả, các thương hiệu cần chú ý những nguyên tắc sau:
1. Xây dựng mục tiêu cụ thể, đo lường được
Rõ ràng rất khó để đánh giá chiến dịch nếu như không xác định mục tiêu cụ thể. Mục tiêu của chiến dịch ra mắt sản phẩm mới sẽ khác với mục tiêu tái định vị thương hiệu. Vai trò âm nhạc cũng sẽ khác tùy vào từng mục tiêu cụ thể.
Ví dụ đối với sản phẩm mới như CC Lemon lúc ra thị trường, mục tiêu rõ ràng là đạt được x% người biết và nhớ tên thương hiệu, vì vậy âm nhạc và lời bài hát "xì xì lé mon, xí xí le mon" bắt buộc phải nhắc đến, lặp lại nhiều lần và giai điệu phải dễ nhớ nhất.
2. Hiểu khách hàng của mình
Bước đầu tiên để phát triển chiến lược âm nhạc cho thương hiệu (music branding) cần hiểu sâu về khách hàng mục tiêu về khía cạnh âm nhạc, hiểu được họ đang "nghiện" thể loại nhạc gì, xu hướng âm nhạc thế nào...
3. Xác định được âm thanh của thương hiệu
Cũng như hệ thống nhận diện hình ảnh thì thương hiệu cũng cần bộ nhận diện bằng âm thanh (brand's music identity). Xác định được brand sounds sẽ giúp thương hiệu xây dựng các chiến dịch music branding hiệu quả hơn.
4. Phải khác biệt, độc đáo
Rất khó để tạo sự thu hút của khách hàng hiện tại. Âm nhạc xuất hiện mọi nơi, mọi lúc. Thương hiệu phải tạo ra âm nhạc độc đáo mà khách hàng phải hào hứng và thích thú ngay từ những giây đầu tiên. Nó không chỉ ấn tượng mà còn khiến họ kể lại cho bạn bè. Đấy là khởi đầu của những viral campaigns được hình thành.
5. Đầu tư dài hạn
Những thương hiệu âm nhạc thành công như Heineken, Red Bull hay Coca Cola, Pepsi... không phải đơn giản thành công sau một đêm. Đó là sự đầu tư dài hạn và kiên trì.