Xiaomi trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất thế giới

30/12/2014 13:30 PM | Công nghệ

Với 1,1 tỷ USD huy động được trong vòng huy động vốn gần nhất, Xiaomi hiện giá trị hơn 46 tỷ USD.

Nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đã xác nhận họ mới tăng được 1,1 tỷ USD trong vòng huy động vốn mới đây nhất vào thứ 2 vừa qua. Như vậy, giá trị hiện tại của Xiaomi đã đạt mốc hơn 46 tỷ USD theo một nguồn tin thân cận.

Những công ty khởi nghiệp trị giá tỷ USD.

Điều này khiến Xiaomi trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất thế giới trên cả những cái tên mới nổi như Uber (trị giá 41 tỷ USD). Chỉ có Facebook là hãng công nghệ duy nhất vượt mặt Xiaomi khi huy động được một lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư nhân và được định giá lên tới 50 tỷ USD trong năm 2011.

Hiện Xiaomi đã leo lên ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 Trung Quốc và đứng thứ 4 thế giới chỉ trong vòng 4 năm.

Các nhà đầu tư thì kỳ vọng rằng Xiaomi có thể trở thành một doanh nghiệp làm ăn có lãi không chỉ nhờ bán điện thoại thông minh giá rẻ mà còn cả phần mềm, dịch vụ dành cho những người sử dụng thiết bị của họ. Bản thân công ty này cũng đang thử nghiệm “lấn sân” sang thiết bị điện tử kết nối Internet trong nhà.

Với Xiaomi, việc bán điện thoại thông minh giá rẻ chỉ là bước đệm để mời người dùng các ứng dụng và dịch vụ khác. Kỳ vọng phát triển cho hình thức kinh doanh như vậy chính là chìa khóa để công ty này gia tăng giá trị của doanh nghiệp.

Nhà sáng lập của công ty là CEO Lei Jun đã xác nhận thông tin về vòng hy động vốn mới nhất trong một tuyên bố trên trang blog nổi tiếng của Trung Quốc vào thứ 2. Các nhà đầu tư tham gia vòng huy động vốn này bao gồm All-Stars Investment, công ty đầu tư của Nga là DST Global GIC Pte. và Yunfeng Capital.

Vòng huy động vốn này như một sự khẳng định về những thành quả mà Xiaomi đạt được trong 4 năm qua. Đây cũng là sự kiện mở đầu cho giai đoạn phát triển mới”, Lei nói.

"Apple của Trung Quốc"

Theo Hans Tung – đối tác quản lý tại GGV Capital và cũng là một trong những người đầu tiên đầu tư vào Xiaomi cho biết: “Tầm nhìn của Lei cho Xiaomi đã rất rõ ràng từ trước khi anh thành lập công ty vào tháng 4/2010”.

Tháng 2/2010, khi gặp Lei tôi đã nói: “Tôi nghĩ, bạn phải có rất nhiều can đảm mới dám dấn thân vào thị trường điện thoại. Đó là một lĩnh vực khó nhằn”. Tuy nhiên, mục tiêu của Lei là cung cấp cả thiết bị phần cứng, phần mềm và các ứng dụng cùng lúc như Apple đã làm. Điểm khác biệt là công ty của Lei sẽ chỉ bán những sản phẩm thông qua Internet.

Tung nói rằng điều thuyết phục anh đầu tư vào Xiaomi là kinh nghiệm trước đó của Lei trong lĩnh vực thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến và phần mềm.

Xiaomi đã vượt Samsung trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất tại Trung Quốc vào quý 2. Năm nay, kỳ vọng của hãng là bán được 60 triệu chiếc điện thoại thông minh trên toàn cầu, tăng từ 18,7 triệu chiếc trong năm 2013.

Để tính toán thành công của Xiaomi, dựa vào những con số quan trọng như doanh số bán điện thoại thông minh mỗi quý là chưa đủ. Cần phải tính đến số lượng người dùng hiện tại trên nền tảng di động riêng của hãng là MIUI – một dạng thức giống với hệ điều hành Android của Google.

MIUI được trang bị kho ứng dụng riêng là nền tảng chủ đạo của Xiaomi dành người dùng trực tuyến. Xiaomi nói rằng có 85 triệu người dùng kích hoạt MIUI vào tháng trước.

Vào ngày 25/11, hãng này cũng cho biết tổng lượng tải từ kho ứng dụng của hãng đạt con số 10 tỷ lượt, gấp đôi so với tháng 7/2014 và gấp 10 lần so với tháng 9 năm ngoái. Kho ứng dụng của Xiaomi phát triển mạnh một phần là bởi hầu hết các dịch vụ của Google bao gồm cả Google Play đều bị cấm tại Trung Quốc.

Thực tế việc điều hành nền tảng ứng dụng và dịch vụ thậm chí mang lại lợi nhuận cao hơn là bán thiết bị. Ví vụ, gã khổng lồ Internet của Trung Quốc là Tencent Holdings có hoạt động kinh doanh chính là trò chơi trực tuyến và mạng xã hội tuyên bố đạt biên lợi nhuận ròng là 29% trong quý 3. Vì Xiaomi vẫn là công ty tư nhân nên con số biên lợi nhuận không được công bố. Tuy nhiên theo một tài liệu đáng tin cậy của tờ Wall Street Journal thì tháng trước, Xiaomi K.K – bộ phận kiểm soát thị trường nội địa và Đài Loan của Xiaomi đã đạt biên lợi nhuận tới 13%.

Tập trung phát triển danh mục đầu tư

Công ty đã mua cổ phần của những công ty công nghệ khác như Youku Tudou (công ty video game), Xunlei (nhà phát triển game) và cả ứng dụng sức khỏe là iHealth. Để mở rộng khả năng cung cấp thiết bị phần cứng, đầu tháng này hãng cũng tuyên bố đầu tư vào nhà sản xuất thiết bị gia đình là Midea.

Cùng với mục tiêu phát triển, Xiaomi cũng cần thận trọng với những đối thủ cạnh tranh bao gồm Lenovo, Huawei và ZTE.

“Xiaomi khởi đầu như một hiện tượng tại thị trường Trung Quốc và chúng tôi đang nghiên cứu mô hình kinh doanh của họ”, Ni Fei – chủ tịch thương hiệu điện thoại Trung Quốc là Nubia thuộc tập đoàn ZTE nói.

Tuy nhiên, Tung nói rằng mô hình kinh doanh của Xiaomi không dễ dàng để bắt chước. Xiaomi thường xuyên cải tiến phần mềm và dịch vụ bằng việc tiếp xúc với người dùng thông qua diễn đàn trực tuyến và tiếp nhận những lời phàn nàn của họ.

“Với cách làm như của Xiaomi, bạn sẽ rất dễ dàng miêu tả nó như một mô hình kinh doanh nhưng để bắt chước và làm theo là điều không hề dễ dàng”.

>> Xiaomi có đáng giá 50 tỷ USD để 'ngồi mâm trên' với Samsung & Apple?

Vân Đàm

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM