Việt Nam thiếu gì để thành Ấn Độ thứ 2 trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm?
Ngày 15/10, Hội nghị Phát triển gia công CNTT Việt Nam (VNITO) 2015 đã diễn ra tại TPHCM thu hút dự tham gia của gần 400 lãnh đạo đại diện tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, trong đó 100 đại diện quốc tế đến từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore...
Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để có thể trở thành Ấn Độ thứ 2 trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm của châu Á. Lợi thế của chúng ta là chi phí lao động rẻ tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm yếu cần cải thiện.
Ấn Độ thứ 2?
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), Trưởng ban tổ chức đánh giá VNITO 2015 diễn ra vào đúng thời điểm các nước tham gia đàm phán TPP đã đạt được sự thống nhất.
Với 12 quốc gia thành viên có 800 triệu dân, TPP sẻ giúp cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mở rộng thêm thị trường, tạo thêm nhiều cơ hội thông qua các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, Internet, các hoạt động thương mại điện tử nội khối… Và đặc biệt các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi mà Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia mà chúng ta đang cạnh tranh trực tiếp không tham gia TPP.
“Tuy nhiên, TPP cũng tạo ra một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đó chính là việc tuân thủ luật chơi chung toàn cầu mang tính khắc nghiệt nhiều lần so với WTO nhất là việc tuân thủ sở hữu trí tuệ, khả năng thu hút nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. VNITO 2015 được tổ chức với mục tiêu giúp các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tăng cường liên kết chặt chẽ hơn, chia sẻ thông tin hiệu quả, cùng nhau phát triển thị trường và hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh nhằm nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên bản đồ phần mềm thế giới”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nhận định.
Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM (HCA), Phó Ban tổ chức hội nghị đánh giá sau gần 15 năm ngành gia công CNTT hình thành và phát triển tại Việt Nam, đến nay Việt Nam đã bứt phá để lọt vào Top những thị trường hấp dẫn và được các tổ chức quốc tế đánh giá là địa điểm “nên đến” của ngành gia công phần mềm thế giới.
Năm 2015, tổ chức Tholons xếp hạng TPHCM hạng 18 và Hà Nội hạng 20, đều nằm trong Top 100 điểm đến hấp dẫn toàn cầu về gia công CNTT (ITO). Cũng năm 2015, tổ chức Cushman & Wakefield (C&W) cũng chọn Việt Nam ở vị trí số một trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới.
“Thông qua VNITO, ban tổ chức mong các doanh nghiệp gia công CNTT Việt Nam sẽ tìm được tiếng nói chung, tập hợp cùng hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng phát triển và trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành Ấn Độ thứ 2 ở châu Á trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho rằng, xét về các lĩnh vực như cloud (điện toán đám mây), big data (dữ liệu lớn), mobility (di động), trình độ các công ty tại Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các đối thủ lớn trên thế giới.
Ông Tiến dẫn trường hợp FPT Software hợp tác với nhà mạng AT&T (Mỹ) để đưa các chương trình của nhà mạng này lên cloud, qua đó có khoảng 60 triệu người dùng tại Mỹ sử dụng các ứng dụng trên cloud này. Khoảng 800 kỹ sư Việt Nam hàng ngày đã làm việc với AT&T trong dự án. Để đạt được hợp đồng này, FPT Software phải cạnh tranh với các đối thủ lớn ở tầm thế giới.
Cũng theo ông Tiến, mặc dù Việt Nam chưa thể đạt được đến trình độ tạo ra nền tảng cloud (cloud maker) như các công ty lớn như Amazon, nhưng hoàn toàn có thể đảm đương tốt công việc vận chuyển cloud (cloud transporter), tức các công việc như ví dụ ở trên. Chủ tịch công ty sắp đạt 11.000 nhân viên vào tháng 1/2016 tới cho rằng, những năm 2000 nhân sự kiện Y2K khiến Ấn Độ nổi lên như một cường quốc gia công phần mềm, thì nay ở giai đoạn mobility, cloud, big data, Việt Nam có thể tận dụng để trở thành Ấn Độ thứ 2.
Chi phí lao động chỉ bằng 1/2 Ấn Độ, Trung Quốc
Ông Hùng Nguyễn - CEO công ty chuyên kiểm thử phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay là LogiGear cho rằng đây là thời điểm thích hợp của Việt Nam để cho thế giới thấy rằng chúng ta không chỉ tồn tại, mà còn có thể ra cạnh tranh với các tay chơi lớn trên thế giới trong lĩnh vực CNTT dịch vụ gia công.
“Gartner Inc - công ty nghiên cứu CNTT hàng đầu thế giới lưu ý rằng chi phí lao động ở Việt Nam chỉ tương đương với 1/2 của Ấn Độ. Việt Nam đang có một số lượng lớn các sinh viên tốt nghiệp CNTT thông thạo tiếng Anh và các kỹ sư CNTT của chúng ta có khả năng làm theo quy trình cùng với khả năng chủ động xử lý khi xảy ra tình huống. Những rủi ro liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ ở Việt Nam cũng khá thấp, ở đây không hề có thị trường cho IP bị đánh cắp so với các nơi khác ", ông Hùng Nguyễn nhận định.
Ông Nguyễn Công Ái – Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết công ty vừa phối hợp với QTSC thực hiện một khảo sát 80 công ty ngành gia công xuất khẩu phần mềm trong tháng 7 và 8/2015 trong đó có 44 công ty tư nhân, 3 công ty nhà nước và 22 công ty vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả có 98% đơn vị tham gia khảo sát của KPMG đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho ngành gia công phần mềm và cho biết họ sẽ tăng đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh tại đây trong thời gian tới.
Đa số các công ty này đánh giá kỹ sư CNTT Việt Nam có ưu điểm là năng động, chăm chỉ và nắm bắt nhanh các thay đổi công nghệ. Đồng thời có 56% số công ty đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên là tích cực. Tuy nhiên, ngôn ngữ vẫn là rào cản lớn khi 87% đơn vị cho biết trình độ ngoại ngữ của nhân viên chỉ ở mức trung bình và dưới trung bình. Cùng với đó, việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là trở ngại lớn.
Chi phí nhân sự ngành gia công phần mềm Việt Nam so với các nước châu Á (nguồn:khảo sát KPMG tháng 8/2015)
“Chi phí nhân công thấp là điểm lợi thế của ngành gia công CNTT Việt Nam so với Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay. Một khảo sát của công ty nhân sự ADECCO cho thấy năm 2015 lương trung bình cho Programmer vào khoảng 569 USD/tháng và IT Manager là 2.049 USD, chỉ bằng 25 – 35% vị trí tương đương ở Trung Quốc”, ông Nguyễn Công Ái nói.
Các đơn vị tham gia khảo sát của KPMG đánh giá các yếu tố về hạ tầng như sự ổn định, tốc độ và dung lượng điện/viễn thông/Internet của Việt Nam chỉ ở mức trung bình và cần được cải thiện. Ông Nguyễn Công Ái khuyến nghị rằng Chính phủ và các doanh nghiệp gia công CNTT nên làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề tồn tại về thuế, nguồn nhân lực, hạ tầng và chiến lược tiếp thị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong ngành này.