‘Giấc mơ Mỹ’ của các công ty công nghệ Trung Quốc
Chinh phục thị trường Mỹ là giấc mơ của rất nhiều công ty và doanh nhân Trung Quốc.
Nội dung nổi bật:
- Những công ty công nghệ Trung Quốc như Xiaomi đang cho thấy rõ ý định nhắm đến thị trường Mỹ để thách thức Apple.
- Để dọn đường tới Mỹ, các hãng này đang bắt đầu tiếp cận đến các thị trường mới nổi ở châu Mỹ latin như Brazil, Mexico...
Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc sẽ bắt đầu bán tai nghe và các thiết bị đeo tay thông minh trực tuyến tại Mỹ trong tháng tới. Đây là bước đi thử nghiệm lấn sân vào thị trường “ruột” của Apple mà không cần có sự góp mặt của thiết bị đình đám nhất là smartphone Mi 4.
2014 là một năm thành công với Xiaomi. Sau Samsung và Apple, Xiaomi hiện là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới. Những vòng huy động vốn mới nhất đã đẩy giá trị của Xiaomi lên 45 tỷ USD, khiến nó trở thành công ty công nghệ tư nhân giá trị nhất thế giới. Hơn nữa, đầu năm nay lần đầu tiên Xiaomi đã giới thiệu mẫu điện thoại thông minh Mi 4i mới – chiếc smartphone đầu tiên ra mắt ở một quốc gia bên ngoài Trung Quốc.
Mi 4i được ra mắt tại Ấn Độ vào đầu năm nay.
Hiện tại, Xiaomi được biết đến với những dòng điện thoại thông minh giá rẻ được bán trực tuyến và đang nhắm đến xây dựng thương hiệu toàn cầu với dòng sản phẩm này. Vào tháng 2, Xiaomi đã tuyên bố bắt đầu tiếp cận các thị trường thuộc châu Mỹ Latin: Họ có kế hoạch bán điện thoại thông minh tại Brazil trong năm nay – đánh dấu bước tiến ra ngoài khu vực châu Á đầu tiên.
Hugo Barra – phó chủ tịch hoạt động toàn cầu của Xiaomi nói rằng công ty đang trong quá trình đàm phán với đối tác sản xuất tại Brazil để “né” mức thuế cao về các sản phẩm điện tử nhập từ nước ngoài của nước này. Công ty cũng tuyên bố thành lập cửa hàng trực tuyến tại Mỹ trong năm nay và bắt đầu bán tai nghe và các thiết bị thông minh khác bao gồm cả ti vi và thiết bị theo dõi tập thể dục – mở đầu công cuộc thách thức sự thống trị của Apple.
“Với danh tiếng và chất lượng sản phẩm cao, Apple luôn là đối thủ cạnh tranh lớn của các công ty Trung Quốc”, Edith Yeung đến từ quỹ 500 Mobile Collective đã từng đầu tư và nhiều công ty ứng dụng di động khởi nghiệp ở Trung Quốc và Mỹ nói. “Các công ty Trung Quốc không chỉ muốn sao chép mà còn muốn tự đổi mới bởi chỉ như vậy họ mới sánh kịp với Apple”.
Bước tiến của Xiaomi vào thị trường Mỹ với các sản phẩm thông minh là một nước đi thông minh. Họ cố gắng lấy lòng người tiêu dùng Mỹ vốn nghiền iPhone nhưng lại sẵn sàng thử nghiệm với một sản phẩm khác như tai nghe. Bằng cách đó, tự nhiên Xiaomi sẽ được đứng trong hàng ngũ cạnh tranh với Apple. Cuối tháng 4, Apple tuyên bố doanh thu bán iPhone tăng 72% tại Trung Quốc, cùng lúc đó Xiaomi cũng tuyên bố mở rộng hoạt động tại Mỹ.
Dẫu vậy, vẫn còn nhiều khó khăn dành cho Xiaomi
Là một công ty non trẻ, danh mục sản phẩm của họ vẫn còn quá nhỏ so với các công ty khác và họ sẽ cần phải tự vận dụng trí óc của bản thân nếu muốn mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc, tránh những lời phàn nàn về việc sao chép công nghệ. (Vào tháng 12, Ericsson đã kiện Xiaomi tại Ấn Độ với cáo buộc công ty này vi phạm bằng sáng chế của Ericsson).
Ngoài ra, mở rộng tại thị trường Mỹ có thể khiến Xiaomi phải “đụng độ” Apple không chỉ trong thị trường mà còn trên cả tòa án. Tháng 10 năm ngoái, Giám đốc thiết kế của Apple là Jony Ive đã cáo buộc Xiaomi sao chép thiết kế của hãng. Sau khi Xiaomi ra mắt phần mềm MIUI 6 cho Mi 4, Cult cũng gọi phần mềm này là “phiên bản nhái của Apple”.
Tuy nhiên, sự hiện diện trên toàn cầu ngày càng tăng của Xiaomi là minh chứng cho xu hướng đang rất thịnh hành trong số những công ty công nghệ Trung Quốc. Cụ thể, sau khi thành công tại quê nhà, họ tiếp tục thử sức tại các nước thương Tây mà đầu tiên là các thị trường mới nổi tại châu Mỹ Latin là Brazil, Argentina, Mexico. Tại những quốc gia này, họ sẽ dễ dàng tiếp cận hơn trước khi chính thức tấn công vào thị trường Mỹ.
Lấy châu Mỹ latin là bước đệm
Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt quan hệ với các quốc gia ở châu Mỹ Latin và bằng chứng là cuộc gặp mặt của Cộng đồng các quốc gia châu Mỹ Latin và vùng Caribbe được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 1. Trong năm 2014, ngân hàng Trung Quốc đã cho các nước châu Mỹ Latin vay 22 triệu USD và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc vượt mức 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2013 theo Bộ thương mại trung Quốc.
“Điều khiến châu Mỹ Latin hấp dẫn với các công ty Trung Quốc là bởi tại đây có những thị trường lớn và số lượng dân số thuộc tầng lớp trung lưu đông đảo. Người tiêu dùng ở các thị trường này thích mua các sản phẩm điện tử, đặc biệt là với giá rẻ”.
Những công ty công nghệ như Xiaomi với sản phẩm điện thoại Mi 4i có giá bán lẻ chỉ 205 USD đương nhiên là đơn vị có lợi thế áp đảo trong xu hướng này. Hơn nữa, Brazil và Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 3 và 4 trên thế giới theo dữ liệu được công bố bởi GSMA.
“Hiện tại, công nghệ rõ ràng là một trong những mặt trận thu hút nhất tại châu Mỹ latin bởi nhu cầu truy cập internet và sản phẩm thương mại trực tuyến”, Cate Ambrose – chủ tịch hiệp nội đầu tư mạo hiểm nói. Theo dữ liệu LAVCA, vốn đầu tư vào thị trường châu Mỹ latin đã đạt 10,4 tỷ USD trong năm 2014.
Dần dần tiếp cận thị trường Mỹ
Theo báo cáo công bố trong năm 2014, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ đã đạt 1 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2010.
Một số thương vụ đầu tư nổi bật hiện nay gồm có: Tencent mở văn phòng Wechat tại Mỹ và đầu tư vào Snapchat. Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã mua cổ phần của ứng dụng video di động Tango với giá 220 triệu USD. Baidu mở trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 300 triệu USD tại thung lũng Silicon…
“Trước kia, Trung Quốc tập trung đầu tư nhiều vào các công ty khởi nghiệp mới nổi với mô hình có thể tái cấu trúc để phục vụ tốt hơn ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại các công ty Trung Quốc đang xem thung lũng Silicon như một cơ hội đầu tư tiềm năng”, theo Joel Backaler – tác giả cuốn “Trung Quốc đến phương Tây” và là phó chủ tịch tập đoàn Frontier Strategy. Bằng cách như vậy, Backaler nói rằng các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ “từng trải và tự tin” hơn trong thị trường mới.
Chinh phục thị trường Mỹ là giấc mơ của rất nhiều công ty và doanh nhân Trung Quốc. Dĩ nhiên, Mỹ là một thị trường điện thoại thông minh hàng đầu – đứng thứ 2 thế giới sau trung Quốc với Xiaomi. Thực tế đây là thị trường khơi gợi cảm hứng cho tất cả doanh nhân công nghệ trên thế giới.
>> Các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba sắp hết thời?
Vân Đàm