Mặt trận Smartphone: Khi Apple, Samsung và tất cả các hãng di động rời chiến trường về Trung Quốc

01/05/2015 16:04 PM | Kinh doanh

Chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm, thị trường Trung Quốc đã mang tới sức ảnh hưởng lớn, thậm chí là vượt qua Mỹ ngay cả trong lĩnh vực công nghệ. Trung Quốc hiện là thị trường smartphone lớn nhất thế giới và đang tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng.

Hãng điện thoại Trung Quốc Lenovo hiện nắm giữ hai thương hiệu công nghệ được biết nhiều nhất nước Mỹ: ThinkPad và Motorola. Giống như những DN thành công khác tại Đài Loan và Hàn Quốc, các công ty công nghệ Trung Quốc đang nhanh chóng dịch chuyển từ sản xuất thiết bị đơn thuần sang điều khiển và bán điện thoại dưới thương hiệu riêng. Nó cũng tương tự như những điều mà Asus, HTC, Samsung và LG đã làm.

Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ hàng công nghệ hàng đầu thế giới, chứ không phải là sản xuất. Để trở thành một DN khổng lồ, Samsung không chỉ bán hàng ở Hàn Quốc mà phải vươn ra toàn thế giới. Trong khi đó, những Xiaomi, Huawei hay Lenovo chỉ đang tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc. Dù chỉ tập trung vào một thị trường, 3 thương hiệu trên chỉ xếp sau Apple và Samsung về doanh số điện thoại toàn cầu.

Trung Quốc là thị trường quy mô lớn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới

“Thành công tại Trung Quốc sẽ mang về cho các DN vị trí trong top 10 các nhà sản xuất có thị phần lớn nhất.”, Ben Wood thuộc CSS Insight nhận định.

Nó còn mang về những lợi thế lớn như vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng, linh kiện và chi phí sản xuất hiệu quả hơn. Tất nhiên, thành công ở Trung Quốc không có nghĩa là các DN đó sẽ thành công trên toàn cầu. Tuy nhiên, yếu tố này không thực sự quan trọng. HTC và LG là những thương hiệu toàn cầu, nhưng doanh số của họ đang bị một hãng điện thoại nội địa là Xiaomi bỏ xa.

4 năm trước, Nokia từng tin rằng chìa khóa để phát triển ổn định và mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất di động đó là để lại dấu ấn trên thị trường Mỹ. Ngày nay, chúng ta chứng kiến rất nhiều DN lớn mà không có một sự hiện diện đáng kể nào ở xứ sở cờ hoa. Xiaomi hiện không có kế hoạch xuất hiện tại Mỹ, nhưng vẫn tăng trưởng nhanh chóng về DN và số người dùng. Nó cũng vượt qua những tượng đài hùng mạnh như iPhone và Galaxy, để trở thành hãng bán smartphone có doanh số lớn nhất Trung Quốc.

Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc hiện rõ ở bất kỳ đâu trong ngành công nghiệp di động. HTC lần đầu tiên giới thiệu 2 dòng smartphone chủ lực, với One M9+ chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, trong dịp Tết Nguyên Đán, Lenovo cũng mang thương hiệu Motorola quay trở lại Trung Quốc.

Mặc dù vậy, không có một DN nào hưởng lợi nhiều hơn Apple từ thị trường Trung Quốc. Tại các quốc gia phát triển, cơn sốt hàng Apple đã đến hồi bão hòa, nhưng doanh số điện thoại của hãng này vẫn tăng đều nhờ sức tiêu thụ của hị trường Trung Quốc.

Chiếc iPhone đầu tiên được tung ra thị trường này vào năm 2009, khá sớm và nhanh chóng thu về những khoản doanh thu khổng lồ, tỉ lệ thuận với nhu cầu smartphone và thu nhập của người dân Trung Quốc.

Doanh số smartphone tại thị trường Trung Quốc

Quý trước, Apple thậm chí còn bán được nhiều iPhone tại Trung Quốc hơn tại Mỹ, hoàn toàn trái với dự báo rằng thị trường này không thích hợp với các sản phẩm cao cấp, đắt tiền như iPhone.

Dù Trung Quốc không phải là nước giàu, vẫn có 100 triệu người ở đây đủ tiền mua hàng xa xỉ

Ben Evans của Andreessen Horowitz lý giải một cách ngắn gọn hiện tượng này: Sự bất bình đẳng thu nhập. Dù Trung Quốc vẫn là quốc gia với nông thôn và nghèo đói trải rộng, nhưng “vẫn có 100 triệu người Trung Quốc đủ tiền mua những sản phẩm xa xỉ, và họ muốn loại tốt nhất”. Apple là một trong những mặt hàng như vậy trong mắt người giàu Trung Quốc. Thú vị hơn, Samsung cũng nằm trong top 10 các mặt hàng xa xỉ  trong tâm trí người giàu Trung Quốc.

Đó cũng là lý do tại sao 5C không thành công tại đây, dù có doanh số khá tốt tại Mỹ. Dòng điện thoại giá rẻ này không được ưa chuộng tại Trung Quốc, nơi người tiêu dùng coi Apple phải là số 1. Năm ngoái, khi tung ra iPhone 6 doanh số của hãng tăng đột biến và có quý lãi ròng lớn nhất trong lịch sử. Trong số những lý do được đưa ra, một lý do đáng quan tâm đó là người tiêu dùng Trung Quốc thích điện thoại màn hình lớn hơn.

Các DN hiện đang tìm kiếm tăng trưởng tại Trung Quốc

Chiếc iPhone 6+ với màn hành to gần bằng máy tính bảng có thể đã không tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của thị trường Trung Quốc. Cũng giống như Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vai trò của đất nước này trong thị trường điện thoại di động cũng ngày một lớn hơn. Hiện tại, Apple đã phải xem xét một cách nghiêm túc những đòi hỏi của thị trường Trung Quốc. Sự khác biệt nằm ở quy mô.

Nhà phân tích Avi Greengart tóm tắt nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng Trung Quốc một cách ngắn gọn như sau: “Người tiêu dùng Trung Quốc tôn vinh thứ bậc, đặc biệt là về giá trị mặt hàng, sau đó đến tính bản địa”. Apple thì chắc chắn đã nằm trong phân khúc cao cấp, vì thế nó nhanh chóng được bán với mức giá cao đặc biệt mà bất kỳ một hãng điện thoại nào cũng phải them muốn. Khi Apple tung ra nhũng chiếc iPhone tuyệt vời hơn, người tiêu dùng Trung Quốc nhanh chóng đổ xô đi mua. Trong khi đó tính bản địa là điểm yếu nhất của “Trái táo cắn dở”, và đây là dự địa mà các nhà sản xuất địa phương đang cố gắng nắm giữ. Mặc dù vậy, tính tự hào dân tộc chưa phải là yếu tố đủ để ngăn Apple tạo ra doanh số kỷ lục tại Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở thành thị trường quan trọng nhất để phát triển, vượt qua cả Mỹ

Những xu hướng gần đây của thị trường smartphone đến từ 2 hãng điện thoại lớn nhất: Apple và Samsung, những nhà sản xuất bán các thiết bị cao cấp và có lợi nhuận tốt. Song song với đó là cuộc chiến về giá thành giữa các nhà sản xuất nhỏ hơn. Tuy nhiên, những nhà sản xuất nhỏ này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Apple và Samsung. Hãy thử nhìn lợi nhuận của HTC trong 3 quý gần nhất. Nó đã giảm từ 0,4%, xuống 0,3 và nay là 0,05%. Những nhà sản xuất các dòng điện thoại tầm trung như HTC đang phải chịu sự cạnh tranh từ 2 phía: Những nhà sản xuất hàng đầu và các công ty bản địa ở Trung Quốc. Những công ty bản địa có thể tạo ra những sản phẩm giá cả cạnh tranh hơn với tính năng không hề thua kém. Thị trường Trung Quốc muốn điện thoại thể hiện tinh thần dân tộc, vừa thể hiện đăng cấp. Vì vậy, một tay họ cầm chiếc iPhone 6 hay Galasy S6, còn một tay họ cầm chiếc Xiaomi Mi Note hay OnePlus One.

Trung Quốc hiện chưa phải là vua sản xuất trong thế giới di động, tuy nhiên tầm ảnh hưởng của khu vực này đã rất lớn, với tầm quan trọng không thua kém gì nước Mỹ. “Thậm chí là còn vượt qua Mỹ”, “Sự phát triển của smartphone hiện đến từ các quốc gia đang phát triển. Chiến trường mới tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng vai trò chính”. Thomas Husson của Forrester Research nhận định.

Đây là các quốc gia xây dựng những hướng đi mới cho ngành công nghiệp di động. Đây cũng là nơi các DN dẫn đầu như HTC, LG, Sony, hay Microsoft tìm cách phân chia thị phần. Trong khi đó, Apple, đã nhanh chân hơn và tìm được ngôi vị dẫn đầu trong phân khúc sang trọng.

>> Những điểm giống nhau đến đáng ngờ giữa Apple và Xiaomi

Hoàng Vân

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM