Đứng lên nào HTC!
HTC là đại diện cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi để tồn tại, vươn lên trong cuộc chiến smartphone đầy khốc liệt hiện nay.
Có một công ty đang loay hoay tìm đường vươn lên, có một công ty đang cố gắng khẳng định lại mình sau những gì đã đánh mất, và có một công ty đang khát khao thay đổi, không còn ai khác đó chính là HTC.
Từ khoảng năm 2013, HTC lần đầu báo lỗ trong lịch sử với mức lợi nhuận âm 101,2 triệu USD, và kể từ đó cho đến trước năm nay thì HTC liên tục gặp khó khăn ở mảng smartphone, và dần dần trở nên yếu thế ở cuộc đua đầy khốc liệt này. Mặc dù công ty đã tung ra nhiều sản phẩm đầy hứa hẹn, với các công nghệ độc đáo nhưng mọi thứ dường như chống lại họ và kết quả cuối cùng vẫn là dậm chân tại chỗ hay ngày càng đi xuống hơn.
Giá trị thị trường của công ty đã giảm gần 20 lần kể từ năm 2011, tới mức giá trị thương hiệu HTC tính đến thời điểm này có thể coi là vô giá trị.
Tuy nhiên, HTC vẫn là HTC, giai đoạn khó khăn và tồi tệ không thể nào ngăn cản sự sáng tạo và tìm kiếm những cái mới - vốn đã là nét đặc trưng của công ty từ những ngày đầu bước vào thế giới smartphone. Nói một cách khác, HTC, cũng tương tự như Sony, có một bản sắc riêng của chính mình, có thể nó không mang lại quá nhiều thành công nhưng nó giúp họ trở nên khác biệt, giúp họ xứng đáng được tôn trọng.
Những ngày hoàng kim
HTC với rất nhiều mẫu smartphone thành công
Sự ra đời của hệ điều hành Android chính là đòn bẩy đưa HTC trở thành một trong những hãng smartphone thành công nhất trong giai đoạn 2008-2012. Trước khi hợp tác với Google để cho ra mắt smartphone chạy Android đầu tiên, HTC lúc này vẫn biết đến là tập đoàn chuyên sản xuất điện thoại thông minh chạy nền tảng Windows Mobile của Microsoft.
Tiềm năng to lớn của Android với “gã khổng lồ” Google đứng đằng sau đã khiến cho HTC quyết định gạt Windows Mobile sang một bên, chuyển mục tiêu và cuối cùng thành quả là chiếc HTC G1 - Smartphone Android đầu tiên trên thế giới. Đây được xem là phản ứng nhanh nhạy từ chính Google và HTC trong việc đối đầu với iPhone cùng iOS lúc bấy giờ. Và thật may mắn cho Google là họ đã chọn đúng người khi HTC đã giúp cho Android những ngày đầu phát triển một cách vượt bậc.
Điện thoại HTC chạy Android thời sơ khai vẫn chưa gây ra nhiều ấn tượng mạnh mẽ bởi nền tảng còn quá mới, cùng với đó là HTC vẫn chưa chuẩn bị nhiều cho giao diện người dùng. Nắm bắt vấn đề này, HTC muốn một thứ gì đó bắt mắt hơn, muốn smartphone Android của hãng phải thu hút sự chú ý của người dùng. HTC quyết định ra mắt giao diện người dùng Sense với HTC Hero vào năm 2009.
Với rất nhiều người thì HTC Sense đầy màu sắc, các widget rất bắt mắt do HTC thiết kế, hiệu ứng ở ngoài từ mở khoá đến khi vào bên trong rất dễ khiến cho người dùng cảm thấy phấn khích. Các icon và màu sắc được HTC tuỳ biến lại, nó giúp cho vẻ cứng nhắc và khô cứng của những phiên bản Android đầu tiên trở nên thanh thoát hơn - điều mà đối thủ iOS đang sở hữu.
HTC Legend thể hiện ý tưởng táo bạo của HTC
Phần mềm và giao diện người dùng đã ổn, HTC quyết định suy nghĩ lại về phần cứng điện thoại và họ đã chọn chất liệu nhôm khi ra mắt HTC Legend. Chiếc smartphone với kiểu dáng rất lạ (cong ở phần đuôi máy để thuận tiện với thao tác áo máy vào mặt nghe gọi), cùng với đó là chất liệu nhôm gần nguyên khối đã khiến nó trở thành sản phẩm rất thành công và được ưa thích của HTC.
Nói thêm về chất liệu nhôm, một lần nữa cho thấy HTC đi đầu và luôn muốn cải thiện sản phẩm của mình. Nhôm bây giờ đã là chất liệu chuẩn của ngành công nghiệp smartphone bây giờ: Apple tiếp nối với iPhone 4 (phần viền máy) rối sau đó là iPhone 5/iPhone 6/iPhone 6 Plus cùng hàng loạt những thiết bị khác cũng nhôm nguyên khối. Samsung thì đến bây giờ mới loại bỏ nhựa để đưa nhôm lên dòng máy cao cấp.
Tiếp đà thành công của HTC Legend, HTC tiếp tục tung ra HTC Desire và đây chính là một trong những chiếc smartphone đem lại thành công lớn nhất cho HTC - đưa HTC trở thành một trong những tập đoàn thành công nhất ở thị trường smartphone lúc bấy giờ. HTC Desire vẫn có phần thân làm bằng nhôm, giao diện Sense đầy màu sắc,
Cấu hình mạnh mẽ, thiết kế tốt cùng với nền tảng Android đầy hứa hẹn đã khiến cho HTC Desire được nhiều trang báo xếp hạng là smartphone tốt nhất năm 2010, là một trong những smartphone được ưa chuộng nhất - đặc biệt là tại Châu Á.
Giai đoạn đi xuống
HTC tụt dốc không phanh kể từ năm 2011
Người này đi lên thì người khác đi xuống: đó chính là sự khắc nghiệt của thị trường smartphone. HTC hiểu rõ điều này, ngay từ năm 2010 thì HTC có lẽ cũng đã nhận biết được một cái tên đang đi lên với tốc độ cực kỳ nhanh chóng ở Android, đó chính là Samsung. Samsung với dòng Galaxy S đầu tiên, cũng ra mắt cùng năm với HTC Desire, vẫn gặt hái được những thành công nhất định.
Sang đến Galaxy S II chỉ ngay trong năm sau thì gió bắt đầu đổi chiều ở thị trường Android. Cấu hình của S II thực sự quá mạnh mẽ và đi trước thời đại lúc bấy giờ, CPU hai nhân, camera chính lên đến 8MP, màn hình Super AMOLED Plus 4,3 inch, được trang bị đầy đủ các kết nối tiên tiến. Cùng với chiến lược marketing của Samsung, Galaxy S II dễ dàng thành công trên toàn cầu.
HTC phản ứng lại với dòng HTC EVO (EVO 3D, EVO 4G), HTC Sensation cùng dòng HTC One với cấu hình cao cấp. Ngoài ra, chiến lược tiến vào thị trường Mỹ với việc bắt tay với các nhà mạng lớn rồi tạo ra bản smartphone riêng cho họ như dòng HTC Droid (Droid Incredible, Droid DNA). Tuy nhiên sự thành công mà chúng mang lại là không nhiều.
HTC Sense trở nên nặng nề, thời lượng pin tồi tệ của HTC One X, màn hình kích cỡ hơi quá khổ so với thời bấy giờ, và quan trọng hơn hết là sự bành trướng quá nhanh của Samsung.
Đó là những khó khăn ngay từ “bên trong”, còn nếu xét ở mức “vĩ mô” hơn thì vấn đề của HTC lúc này đó là: smartphone của hãng làm ra là đẹp, là tốt, nhưng lại quá nghèo nàn về mảng marketing (quảng bá), quá tù túng trong việc bắt tay với các nhà mạng, sản phẩm bị lộ ra quá nhiều (trừ trường hợp rất hiếm là của kính thực tế ảo HTC Vive) và rồi kết quả là lại không thành công. Nguyên CEO của HTC, Peter Chou, cũng từng thừa nhận rằng marketing chính là vấn đề của công ty. Hãng có sản phẩm tốt nhưng cách mang nó đến với khách hàng lại không như vậy. Hãy nhìn vào cách Samsung và Apple làm marketing, mọi ngõ ngách đều có mặt họ. Cái cách họ “thần thánh” các tính năng và thiết kế là quá tốt và quá hấp dẫn
Tất cả đã đẩy HTC vào thế khó và họ buộc phải cải tiến, đổi mới nếu không muốn bị loại bỏ.
Táo bạo và đáng được trân trọng
One M7 là chiếc smartphone đẹp nhất mà HTC từng sản xuất
Thời kỳ khó khăn của HTC vẫn còn đang tiếp diễn và nhiệm vụ của tập đoàn điện tử Đài Loan lúc bấy giờ là thổi vào thị trường di động một làn gió mới, và họ đã bắt đầu chiến lược đó với chiếc HTC One M7 với vỏ nhôm - từ bỏ chất liệu polycarbonat nguyên khối trên vài thế hệ One trước đó. Đẹp và rất lạ là những gì người ta ấn tượng đầu tiên về One M7 - nói không ngoa khi cho rằng nó khác biệt rất nhiều so với các kiểu dáng rất chung chung của thế giới smartphone lúc bấy giờ.
Kỳ vọng về kiểu dáng đẹp của M7 hay sự trở lại của HTC là rất nhiều - đặc biệt là trong bối cảnh các đối thủ chính như Galaxy S4 vẫn dùng kiểu thiết kế tổng thể như S3 năm 2012, Optimus G Pro thì vẫn tập trung vào cấu hình, chỉ có Xperia Z xứng đáng là đối thủ thực sự với HTC M7 ở mảng thiết kế - chính vì thế mình mới nói ở đầu bài rằng, HTC và Sony có một vài điểm chung về cái cách họ chọn để vượt qua giai đoạn khó khăn (Xperia Z cũng là sản phẩm đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Sony trong những năm không thành công ở mảng smartphone trước đó).
Với M7, HTC vẫn là HTC, dù khó khăn nhưng hãng vẫn muốn giữ bản sắc, truyền thống của công ty: đó là trở thành người đi đầu, người khai phá. HTC đã từng rất táo bạo với việc sớm tạo ra một chiếc smartphone với chất liệu nhôm là chính (HTC Legend), và họ đã từng thành công, chính vì thế không có lý do gì để hãng tiếp tục hy vọng những ý tưởng mạnh dạng sẽ mang lại thắng lợi.
HTC bắt đầu cho ra đời những khái niệm mới như One M7 với Ultrapixel camera với độ phân giải chỉ 4MP - Ultrapixel cũng là công nghệ mà HTC nhấn mạnh rất nhiều lần khi họ giới thiệu M7. Nó cho kích cỡ điểm ảnh gấp 3 lần các đối thủ, ống kính có khẩu độ lớn thứ nhì trên điện thoại: f/2.0 (sau lumia 720 f/1.9 - tính thời điểm năm 2013).
Sau Ultrapixel là đến Duo Camera hay Camera kép trên One M8 - thế hệ kế tiếp của One M7 năm 2013. Hai camera sau quả thật rất là lạ và theo HTC là camera thứ hai có nhiệm vụ ghi nhận độ sâu của bức hình nên chúng ta có thể xài tính năng “chụp trước lấy nét sau”. Camera chính trên One M8 vẫn là Ultrapixel với độ phân giải 4MP. Rồi sau đó là công nghệ âm thanh Beats trên điện thoại (giờ đã thuộc về Apple), và đến giờ là One M9 được HTC quảng bá là smartphone đầu tiên trên thế giới với hai màu sắc kim loại.
Mặc dù “đi trước giờ đã không còn quá quan trọng”, và dù thất bại cũng có (như trường hợp của Ultrapixel, sau vài năm gắn bó với nó thì giờ HTC đã chuyển sang camera chính mới với 20MP, đưa Ultrapixel ra với camera phụ), nhưng HTC vẫn cứ muốn là người tiên phong, họ muốn một cái gì đó phải đổi mới tư duy người dùng, muốn một cái gì đó thật sự khác lạ.
Đáng được trân trọng
"Xin chào, chúng tôi là HTC....và chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc"
Có thể nói khát khao đổi mới, không ngại rủi ro và luôn hướng đến phía trước là những gì mà bộ phận thiết kế phần cứng cũng như ban lãnh đạo của HTC đang thể hiện. HTC chấp nhận những rủi ro rất lớn của “một người đi đầu”, chấp nhận khả năng thất bại cao nhưng miễn sao sản phẩm của họ được hoàn thiện tốt, đạt chất lượng phần cứng cao cấp.
Được tôn trọng là điều gì đó mà tất cả đều hướng đến hơn là tìm kiếm. Bộ phận thiết kế phần cứng của HTC đáng nhận được ghi nhận, và bây giờ đã đến lúc phần còn lại của công ty (đặc biệt là mảng marketing) cần phải phấn đấu đến “danh hiệu” đó.
“Quietly Brilliant” là câu slogan của HTC trước đây, nhưng “thầm lặng” trong nhiều năm qua vậy là quá đủ rồi, đã đến lúc cần phải “toả sáng” mạnh mẽ và ấn tượng - chỉ có thế mới giúp HTC nhận lại được những gì đã mất. Sự tôn trọng vẫn còn đó, thế nhưng đừng để sự tôn trọng trở thành một thứ gì đó nằm ở thì quá khứ.