Doanh nghiệp Việt Nam dễ bị lừa đảo qua email khi làm việc với đối tác nước ngoài

27/02/2016 14:18 PM | Công nghệ

Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đang đứng trước nguy cơ bị kẻ gian lừa đảo lừa đảo bằng cách giả mạo thư điện tử giao dịch của doanh nghiệp đối tác nước ngoài tại thị trường nước sở tại.

Bộ Công thương vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo bằng cách giả mạo thư điện tử giao dịch của doanh nghiệp trong quá trình giao dịch. Trong thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị kẻ gian lừa đảo trong quá trình giao dịch với đối tác tại thị trường sở tại.

Cụ thể, kẻ lừa đảo đã biết về giao dịch giữa hai bên và nhiều khả năng đã giả mạo email của doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chuyển tiền mua hàng vào tài khoản cá nhân. Ngay sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền, kẻ gian đã tới ngân hàng và rút toàn bộ số tiền kể trên.

Hiện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đang tư vấn cho doanh nghiệp hai bên xử lý và tìm cách thu hồi số tiền bị chiếm đoạt. Song đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam đang có các giao dịch tại thị trường quốc tế về việc bảo mật thông tin khi làm việc với đối tác nước ngoài.

Trong vài năm trở lại đây, tình trạng mạo danh các cơ quan, tổ chức Nhà nước để gọi điện, gửi email...lừa đảo, gây khó khăn cho một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn với nhiều hình thức như thâm nhập địa chỉ thư điện tử của hai bên doanh nghiệp đang có giao dịch để đánh cắp thông tin, giả mạo nội dung giao dịch nhằm yêu cầu chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của kẻ lừa đảo.

Những kẻ lừa đảo lợi dụng sự bất cẩn của các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch như không không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không sử dụng các biện pháp liên lạc trực tiếp khác như điện thoại, fax để xác minh thông tin về tài khoản nhận tiền hàng khi khác với tài khoản ghi trong hợp đồng đã ký, thậm trí tận dụng những khó khăn về ngôn ngữ, thời gian giao dịch, v.v…

Bộ Công thương đưa ra cảnh báo để doanh nghiệp có thể hạn chế những tình trạng lừa đảo này.Trong đó, khi giao dịch với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam nên dùng email chính thức của công ty thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo... để tránh bị giả mạo hay gần giống email thật (thay đổi một vài chữ gần giống nhau). Nên chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên.

Trong giao dịch qua email, các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý địa chỉ người nhận, nhất là các thư gửi những thông tin quan trọng của giao dịch như bản sao bộ chứng từ giao hàng và tài khoản nhận tiền qua điện chuyển tiền.

Bên cạnh liên lạc qua email, doanh nghiệp cũng cần có những liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua các đường khác như điện thoại hay fax chính thức. Nhất là khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng ký kết.

Doanh nghiệp nên liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam như Thương vụ tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các doanh nghiệp không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm được qua internet.

Cùng chuyên mục
XEM